Vượt qua nhiều rào cản, anh Phạm Châu (23 tuổi) và chị Lê Thị Trang (26 tuổi) đến với nhau, dệt nên tình yêu của họ như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Người dân ở tổ 73, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) nhắc đến vợ chồng anh Châu và chị Trang với sự thương cảm, mến phục.
Chị Trang luôn tận tụy chăm sóc chồng. |
Tình yêu đến tự nhiên
Chị Trang quê xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), ra Đà Nẵng làm công nhân may mặc từ năm 2009. Còn anh Châu gia cảnh khó khăn, học xong lớp 9 thì nghỉ học và đi sửa xe máy, sau đó làm thợ nề. Mẹ Châu - bà Phạm Thị Liệu - bị mù lòa, chỉ có thu nhập ít ỏi khi làm việc ở Hội Người mù quận Liên Chiểu. Gánh nặng gia đình dồn cả vào Châu.
Trang và Châu tình cờ quen nhau, rồi tình yêu nảy nở từ lúc nào. “Thấy ảnh hiền hiền, ăn cục nói hòn, chân quê lắm nên mến nhau”, Trang nhớ lại.
Ngày 30-11-2010, trên đường đi làm về, Châu bị tai nạn giao thông. Bác sĩ kết luận anh bị chấn thương cổ, dập tủy cột sống, liệt tứ chi vĩnh viễn. Trong những ngày Châu nằm viện, Trang luôn ở bên anh.
Nhìn gia cảnh Châu neo người, mẹ anh lại mù lòa, Trang quyết định bỏ việc để chăm sóc người yêu. Khi bác sĩ thông báo “chuẩn bị đưa người nhà về” thì bà Liệu ngã quỵ, Trang cũng không gượng nổi. Nhưng rồi Trang cố động viên Châu và bà Liệu rằng còn nước còn tát.
Nhìn thấy thân thể bất động của mình, bao lần Châu khuyên Trang tìm hạnh phúc mới. Những lúc như thế, Trang chỉ khóc. Suốt 3 tháng ròng rã thức trắng bên Châu, Trang tiều tụy hẳn. “Có đêm em ngủ quên nên không nghiêng lưng của ảnh lại làm phía dưới lưng bị lở loét. Em xót lắm, từ đó hết ngủ luôn”, Trang chia sẻ.
Hỏi Trang sao đủ dũng cảm để gắn bó với một người tàn phế như vậy, Trang chỉ tâm sự: “Tình yêu đến rất tự nhiên và tụi em đã hứa hẹn với nhau rất nhiều. Làm sao em lại bỏ anh ấy đi khi anh ấy đang rất cần em. Nếu làm vậy thì chẳng bao giờ em sống thanh thản”.
Đôi mắt của mẹ, đôi chân của chồng
“Bình thường cứ một tuần em về thăm gia đình một lần. Nhưng khi Châu bị nạn, em ít về nhà hơn và giấu mẹ việc mình nghỉ làm để chăm sóc người yêu. Nhưng giấu mãi cũng không được, em đành chia sẻ với mẹ và xin mẹ cho phép lấy Châu”, Trang nói. Mẹ Trang phản đối quyết định này nhưng rồi không những không ngăn cản được mà còn cảm động trước tình yêu mãnh liệt của con gái, nên đành chấp thuận.
Một đám cưới giản dị được tổ chức tại nhà Châu vào ngày 10-6-2012. Cả hai gia đình chưa đầy 40 người. Chú rể ngồi trên xe lăn, cô dâu đẩy xe lăn đi nhận lời chúc mừng của bà con hai họ. Hạnh phúc đong đầy trên gương mặt của đôi trẻ. Nhưng mọi người hiểu rằng hạnh phúc ấy không viên mãn.
Công việc hằng ngày của Trang như được lập trình sẵn. Buổi sáng thức dậy lúc 5 giờ 30 để giúp chồng vệ sinh cá nhân rồi tập vật lý trị liệu. Xong việc, Trang lo buổi cơm sáng rồi đưa mẹ đi làm. Sau đó, Trang lại giúp chồng tập vật lý trị liệu, lo bữa trưa rồi tiếp tục công việc buổi chiều, buổi tối, đến 23 giờ thì đi đón mẹ về. “Niềm an ủi lớn nhất là tai nạn không cướp đi trí não của anh ấy. Anh vẫn tỉnh táo, vẫn nói chuyện được nên nhà đỡ hiu quạnh”, Trang nói. Và chị trở thành là đôi mắt của mẹ, đôi chân của chồng.
Khi Châu bị nạn, cuộc sống gia đình trông chờ vào nguồn thu nhập ít ỏi của bà Liệu. Trang phải lên thực đơn hằng ngày, tính toán chi ly, tằn tiện từng đồng. “Cuộc sống gia đình thật sự khó khăn, bởi em không làm gì được ngoài việc chăm sóc Châu. Thỉnh thoảng có ai gọi giúp gì thì em đi làm, họ thương và cho bao nhiêu tiền thì được bấy nhiêu. Em không đành lòng để Châu ở nhà một mình”, Trang nói.
Nhưng niềm mong mỏi lớn nhất của Trang là một ngày nào đó Châu sẽ trở thành người bình thường: “Hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là được làm mẹ, nhưng điều đó rất khó với em, chỉ mong sao anh ấy khỏe hơn và tự đi lại được...”.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ