Doanh trại trang nghiêm thường ngày bỗng trở thành “địa chỉ rước dâu của họ nhà trai”; thủ trưởng làm chủ hôn, đồng đội đi họ, bưng quả, nấu nướng đãi khách. Tất cả lính ra-đa trong lễ cưới đều mặc quân phục. Đó là vắn tắt đám cưới lính ra-đa lấy vợ đảo ở Trạm ra-đa 550 (Trung đoàn 351 Vùng 3 Hải quân) đóng chân ở đỉnh cao 169 núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn...
Trắc thủ ra-đa Lương Hồng Hải và thôn nữ đảo Lý Sơn Lê Thị Quý sánh bước bên nhau về nhà chồng “doanh trại Trạm 550”. |
Chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân vượt biển đến với đảo Lý Sơn trong những ngày giáp Tết Quý Tỵ, vừa thực hiện nhiệm vụ của chuyến công tác vừa dự đám cưới của trắc thủ ra-đa - Thiếu úy Lương Hồng Hải, quê ở Phú Thọ hiện đang công tác tại Trạm ra-đa 550 và cô dâu đảo Lê Thị Quý. Nhiều người có mặt trong tiệc cưới ấy đều đặc biệt ấn tượng về “đám cưới nhà binh” này.
7 giờ sáng, Trạm trưởng 550 Hồ Bá Trung và Chính trị viên trạm Lê Phú Quý tập hợp anh em trong đơn vị, kiểm tra trang phục và bắt đầu cuộc hành trình xuống núi rước dâu. Nhà cô dâu Lê Thị Quý ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, cách Trạm 550 khoảng 4km. Đoàn xe họ nhà trai dẫn đầu là hai anh lính ra-đa trẻ măng bưng khay lễ vật, 4 cặp vợ chồng đi họ đều là “chồng ra-đa – vợ đảo xa”. Vẻ nghiêm nghị thường ngày của vị thủ trưởng Hồ Bá Trung được thay bằng nét gần gũi, đời thường, cởi mở đến lạ: hôm nay, Trạm trưởng làm chủ hôn!
Sau màn thưa gửi theo nghi lễ cưới, hai họ lính ra-đa và những ngư dân đảo trò chuyện rôm rả, chân tình bởi chẳng ai trong số họ là không biết nhau. Ở hòn đảo thân thiện này, cánh lính ra-đa được nhân dân tin yêu, quý mến thật nhiều. Câu chuyện hai họ trao đổi với nhau chẳng còn là câu chuyện của lễ cưới, là gửi gắm cô dâu cho họ nhà trai nữa. Họ nhà gái hỏi thăm họ nhà trai về chuyện tổ chức cho lính đón Xuân trên đảo và mời những người ở lại bám trụ nơi tiền đồn về nhà dân cùng ăn Tết cho vui. Còn họ nhà trai, những anh lính ra-đa, thì chúc cho chuyến biển cuối năm của họ nhà gái cá nặng khoang thuyền, đón Tết bình yên...
Khi cô dâu được đưa về đến cổng nhà trai (nơi đóng quân của Trạm 550), sau màn lễ cưới “rất lính” rộn rã tiếng vỗ tay là phần dự tiệc và liên hoan văn nghệ. Một bữa tiệc liên hoan vượt ra khỏi tiệc cưới, ấm áp tình quân-dân nơi đầu sóng ngọn gió.
Chú rể Lương Hồng Hải xúc động: “Gia đình ở xa, không tổ chức lễ cưới theo nghi thức truyền thống được, nhưng vợ chồng em thật hạnh phúc khi được sánh bước bên nhau giữa doanh trại với sự có mặt của đồng đội, anh em, bè bạn đến chúc phúc. Bản thân em càng thấm thía hơn câu nói “đơn vị là nhà, biển đảo là quê hương”. Còn Chính trị viên trạm Lê Phú Quý (quê ở Quảng Trị, tình nguyện về đảo Lý Sơn công tác) kể về thành tích “làm họ nhà trai” thành công của 9 đám cưới lính ra-đa với thôn nữ Lý Sơn trước đây. 9 anh lính hải quân đã chọn hòn đảo Lý Sơn kiên cường làm quê hương thứ hai để xây tổ ấm. Hạnh phúc đã mỉm cười với họ khi những đứa con xinh xắn chào đời, chăm ngoan học giỏi.
Bây giờ, Trạm 550 còn lại 3 chàng sĩ quan chưa vợ nhưng cũng đều đã có người yêu là thôn nữ đảo Lý Sơn. Lẽ đó, doanh trại trang nghiêm này cũng sẽ tiếp tục được gắn cổng hoa đón dâu trong tiếng pháo tay chúc mừng hạnh phúc. Chính trị viên Trạm 550 phấn khởi bảo rằng: “Anh em trong đơn vị đều là những người ở xa tình nguyện về đây công tác, điều kiện tổ chức lễ cưới khó khăn. Vì thế, đơn vị đứng ra tổ chức vừa thuận tiện, vừa ấm áp nghĩa tình”.
Và đã trở thành truyền thống, mỗi độ Xuân về Tết đến, những cô dâu của trạm lại dập dìu cùng chồng con về đơn vị chúc Tết, gặp mặt. Họ đã và đang đan những sợi chỉ hồng nối nhịp cầu quân-dân, để những anh lính hải quân ra-đa an tâm bám đảo, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương, chung tay xây dựng Lý Sơn ngày càng phồn thịnh, hùng cường...
Bài và ảnh: THANH NHỊ