Trong rất nhiều vụ án, những bác sĩ pháp y có thể tìm lại tiếng nói của người đã khuất, giúp đưa kẻ thủ ác ra ánh sáng.
Các bác sĩ pháp y khám nghiệm tử thi tại hiện trường vụ án ở huyện Hòa Vang. |
Vén màn bí mật
Sáng sớm 2-2, khi nhiều người còn chưa rời khỏi giường, một số người đi dạo dọc bờ sông Yên (thuộc địa phận xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) chợt phát hiện tử thi một cô gái nổi trên sông.
Sau khi được báo về cái chết của cô Đ.T.P (18 tuổi, ở quận Cẩm Lệ), các bác sĩ pháp y thuộc Trung tâm Pháp y Đà Nẵng lập tức có mặt. Một tấm bạt được căng lên, một chiếc lều dựng lên ngay bờ sông. Một giả thiết ban đầu là cô gái sơ sẩy ngã xuống nước và chết đuối. Tuy nhiên, qua khám nghiệm, bác sĩ pháp y phát hiện trên người nạn nhân có một số dấu vết và nhận định đây là vụ giết người. Sau khi được bên pháp y cung cấp thông tin, cơ quan Công an đã nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Không phải ai xa lạ, đó chính là người yêu của cô gái. Kẻ này không những giết chết người tình mà còn “mượn tạm” chiếc xe máy và điện thoại di động để dùng.
“Nhân viên pháp y phải chịu rất nhiều áp lực. Áp lực của người nhà nạn nhân với nỗi khắc khoải muốn tìm lại công bằng cho người thân, áp lực phải vượt qua nỗi sợ hãi thông thường và áp lực trước trách nhiệm nặng nề phải tìm ra đúng sự thật”, anh Võ Văn Bảy (48 tuổi), nhân viên pháp y thuộc Trung tâm Pháp y Đà Nẵng thổ lộ.
Anh Bảy kể khoảng 0 giờ ngày 30-10-2012, sau khi nhận được yêu cầu, anh cùng đồng nghiệp có mặt tại thôn La Bông, xã Hòa Tiến. Dù trời khá lạnh nhưng các nhân viên, bác sĩ pháp y vẫn xắn quần lội xuống bùn tại đồng ruộng thôn La Bông để đưa xác một nạn nhân nam lên bờ. Nạn nhân được xác định là anh T.V.T (25 tuổi), người trong thôn. Ban đầu ai cũng nghĩ đây là vụ tai nạn giao thông do nạn nhân ngã xuống ruộng tử vong, nhưng quá trình khám nghiệm, bằng những thao tác chuẩn xác cùng kinh nghiệm của mình, các bác sĩ pháp y phát hiện trên người nạn nhân có một số dấu vết và nhận định đây là vụ án giết người. Nhờ những manh mối này, vụ án dần hé mở, sự thật được phơi bày. Dù chối quanh co nhưng trước nhiều chứng cứ mà các bác sĩ pháp y cung cấp, thủ phạm đành phải nhận tội trước cơ quan Công an. Thì ra, vì ghen tuông khi thấy anh T. chuẩn bị kết hôn với người yêu cũ của mình, đối tượng N. đã ra tay sát hại anh T.
Đằng sau những vụ án
Bác sĩ Võ Đình Thạnh, Giám đốc Trung tâm Pháp y Đà Nẵng, đùa vui: “Nhiều người gọi đùa chúng tôi là bác sĩ giải phẫu không cần thuốc tê và gây mê. Khó khăn nhất vẫn là những nỗi ám ảnh tâm lý”. Chế độ bồi dưỡng cho mỗi bác sĩ pháp y trong một đêm trực hiện chỉ khoảng 35.000 đồng.
Anh Võ Văn Bảy thổ lộ: “Nếu không yêu nghề thì rất khó trụ lại với nghề này”. Có lần, anh Bảy và cả đội thức suốt đêm để đi đường núi lên tận Bà Nà tìm tử thi. Lại có vụ tai nạn giao thông mới năm ngoái tại Hòa Vang, cả đội phải đi nhặt từng mảnh thi thể người nằm vung vãi để khám nghiệm. Anh Bảy bảo, nhiều khi đi làm về không nuốt nổi cơm vì chứng kiến những cái chết quá thương tâm, cảnh tượng quá hãi hùng. Không ít những vụ giám định tử thi phải thực hiện tại hiện trường, nghĩa là ở bất kỳ bờ sông, cánh đồng, núi cao hay rừng rậm… Khi mọi người nghỉ ngơi là lúc các bác sĩ pháp y lên đường, thường vào khoảng 2-3 giờ sáng mỗi lúc có điện thoại. Việc nhịn đói nguyên ngày cũng là chuyện bình thường nếu công việc chưa xong. Vì vậy, bất kể tình hình thời tiết, khi tấm bạt được che lên thì công việc của những bác sĩ pháp y lại bắt đầu. Mùi xác chết thối rữa, mùi máu… khiến nhiều người không dám lại gần. Những bác sĩ pháp y phải vượt qua nỗi sợ hãi đó.
Bác sĩ Võ Đình Thạnh cho biết hiện đơn vị có 5 bác sĩ và 3 y sĩ trên tổng số 21 cán bộ, công nhân viên, nên áp lực công việc rất lớn. Trước đây, cũng có vài bác sĩ trẻ nhận nhiệm vụ ở Trung tâm nhưng không chịu được thử thách nên họ đã bỏ việc. “Mỗi cái chết được giám định đều mang một câu trả lời. Chúng tôi hạnh phúc vì mang tiếng nói của họ gửi đến người đang sống để giành lại công lý, tìm ra sự thật”, bác sĩ Thạnh nói.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ