.

Hòa Vang - vùng quê mới

.

Từ một huyện thuần nông, thực hiện quy hoạch và mở rộng không gian đô thị, Hòa Vang trở thành một đại công trường với hàng trăm dự án lớn, nhỏ. Nhờ sự đồng thuận của người dân trong công tác giải tỏa đền bù, nhiều dự án và khu dân cư mới được hình thành đã tạo nên bộ mặt đô thị mới cho nông thôn.

Với sự đồng thuận cao của người dân trong giải phóng mặt bằng, nhiều khu dân cư mới mọc lên khang trang, văn minh, sạch đẹp trên địa bàn huyện Hòa Vang. TRONG ẢNH: Một khu dân cư mới ở xã Hòa Ninh.
Với sự đồng thuận cao của người dân trong giải phóng mặt bằng, nhiều khu dân cư mới mọc lên khang trang, văn minh, sạch đẹp trên địa bàn huyện Hòa Vang. TRONG ẢNH: Một khu dân cư mới ở xã Hòa Ninh.

Đại công trường

Đầu năm 1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Một trong những nhiệm vụ tập trung hàng đầu của thành phố là quy hoạch chỉnh trang đô thị. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố như được tiếp thêm sức mạnh trong thực hiện nhiệm vụ này khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW. Thực hiện Nghị quyết quan trọng này, Thành ủy Đà Nẵng xác định nhiệm vụ quy hoạch đô thị Đà Nẵng phải bao gồm công tác chỉnh trang đô thị và mở rộng không gian đô thị, trong đó có phát triển không gian đô thị về hướng Nam, Tây và Tây Bắc… Hòa Vang từ một huyện thuần nông trở thành một đại công trường với hàng trăm dự án lớn, nhỏ. Điều đó cũng cho thấy rằng, nếu không có sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố thì công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Huyện ủy Hòa Vang, tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện có 181 dự án lớn, nhỏ với tổng diện tích đất thu hồi phục vụ cho các dự án là 15.379ha, nằm trên 11 xã của huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Phước, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Châu và Hòa Sơn. Ước tính số hộ phải giải tỏa đi hẳn khoảng 5.000 hộ. Đây là một con số không nhỏ đối với một huyện thuần nông trong việc sắp xếp lại chỗ ở mới cho nhân dân. Đặc biệt, nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn như dự án Khu Công nghệ cao, dự án Khu Công nghệ thông tin, dự án Khu Đô thị sinh thái Quan Nam-Thủy Tú với nguồn vốn đầu tư hơn nghìn tỷ đồng thì việc di dời giải tỏa cả một vùng rộng lớn với hàng nghìn hồ sơ giải tỏa là không hề đơn giản.

Ông Nguyễn Nhân, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang cho biết: “Một trong những khó khăn trong quá trình vận động thực hiện dự án là đa số dự án triển khai nhưng tái định cư cho dân quá chậm, thậm chí khi triển khai có dự án chưa xác định tái định cư cho dân ở đâu. Đó là chưa kể có dự án kéo dài cho nên chế độ chính sách giải tỏa đền bù chưa sát, chưa phù hợp với tình hình thị trường ở từng thời điểm; có dự án đền bù cho dân rồi nhưng sau phải thu hồi lại vì lập giá sai với chỉ đạo của thành phố”.

Bài học dân vận khéo

So với các địa phương khác của thành phố, người dân huyện Hòa Vang chủ yếu sống bằng nghề nông và trải qua nhiều thế hệ nên việc di dời đến nơi ở mới lại càng gặp nhiều khó khăn hơn bởi liên quan đến giải quyết việc làm cho người lao động; việc di dời mồ mả, nơi thờ tự ảnh hưởng đến tâm linh, tác động sâu sắc đến tư tưởng tình cảm của người dân. Do đó, để thực hiện tốt công tác giải tỏa đền bù, cả hệ thống chính trị phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thấu hiểu về chủ trương của thành phố và mục đích, yêu cầu của dự án; nắm rõ mọi chế độ, chính sách liên quan đến công tác giải tỏa đền bù để tạo sự nhận thức và hành động đúng đắn trong dân, cán bộ và đảng viên. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cũng cho rằng: “Trong công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư, nếu chỉ thực hiện bằng phương pháp hành chính thì không đạt kết quả cao mà cần phải áp dụng những bài học, kinh nghiệm hay từ dân vận khéo”.

Từ thực tế nêu trên, các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở đã tập trung tăng cường lãnh đạo về công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của thành phố về giải tỏa đền bù; chỉ đạo về công tác phối hợp phải được thường xuyên, đồng bộ, thống nhất khi giải quyết vấn đề liên quan đến dự án. Hệ thống dân vận, Mặt trận, các đoàn thể huyện Hòa Vang đã tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng những chủ trương, chính sách của thành phố về từng dự án đến với từng hội viên. Đối với chính quyền, phân công cán bộ theo dõi, bám sát quá trình thực hiện dự án, từ đó nắm tình hình vướng mắc, bức xúc của nhân dân, tổ chức sinh hoạt, đối thoại với nhân dân và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm. Trong quá trình triển khai, công khai thông báo việc kiểm định, áp giá đền bù bằng văn bản đến từng hộ để người dân kiểm tra, đối chiếu, so sánh với toàn bộ vật kiến trúc, cây cối, đất đai hiện hữu… Nếu hộ nào chưa đồng ý hoặc còn vướng mắc thì xã chủ động mời Hội đồng Giải phóng mặt bằng, Ban Giải tỏa đền bù và các ngành liên quan cùng với địa phương tổ chức đối thoại.

Nhờ vậy, đến nay, trong 181 dự án triển khai trên địa bàn huyện có 33 dự án đã hoàn thành, nhiều khu dân cư mới mọc lên khang trang, văn minh, sạch đẹp như khu dân cư Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh... tạo cho bộ mặt đô thị nông thôn Hòa Vang ngày càng khởi sắc.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.