.

Ký ức một thời

.

Chương trình giao lưu “Tháng 3 - Ký ức một thời” vừa được tổ chức tại quận Thanh Khê, nhân kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, làm bao người xúc động, cảm phục và tự hào về truyền thống cha anh.

Các nhân chứng lịch sử kể lại những năm tháng hào hùng.
Các nhân chứng lịch sử kể lại những năm tháng hào hùng.

Những nhân chứng lịch sử

Câu chuyện của cựu chiến binh (CCB) Bùi Hồng Khanh, nguyên cán bộ chỉ huy lực lượng biệt động quận 1 Đà Nẵng, làm sống lại hình ảnh lớp thanh-thiếu niên còn rất trẻ, có người mới 12 tuổi, nhưng đầy nhiệt huyết diệt thù cứu nước và hết sức mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, làm nên bao chiến công vang dội ngay từ những năm đầu đánh Mỹ. Cựu biệt động thành Bùi Hồng Khanh kể lại cách trinh sát mục tiêu bằng trò chơi trốn tìm của các “biệt động nhí”, cách chuyển vũ khí, đạn dược, tài liệu vào thành phố, cách đặt mìn diệt mục tiêu bằng kíp nổ hẹn giờ... Qua đó, người nghe như được sống trong những ngày tháng 3-1975 lịch sử với những chiến sĩ trẻ trung, gan góc trực tiếp tham gia cuộc tấn công, giải phóng Đà Nẵng.

CCB Huỳnh Ngọc Kim, một chiến sĩ của đơn vị K36, khu Đông Hòa Vang, có mặt trong trận tấn công Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968 và bị rơi vào tay địch, kể lại cuộc đấu tranh biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Qua lời kể của ông, bao bạn trẻ hiểu về sự tàn ác của địch với những cách tra tấn như đục răng, bẻ răng, đóng đinh vào đầu gối, đổ nước xà phòng vào miệng, rồi giẫm lên bụng, kẹp mạch điện vào núm vú, rồi nhấn nút phát điện, nhốt vào chuồng dây thép gai rất chật (không ngồi thẳng được) và rải vôi bột lên...

Cùng với chuyện kể của các nhân chứng là những đoạn phim, bài thơ, bài hát và khá nhiều hình ảnh tư liệu về cuộc chiến đấu trong tù ngục, giúp lớp trẻ hiểu sâu sắc hơn về sự hy sinh của thế hệ cha anh để có được độc lập, tự do ngày nay.

Lý tưởng cách mạng và niềm tin

Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày kể lại phương pháp tổ chức, hoạt động của các chi bộ, chi đoàn trong lao tù đế quốc năm xưa, qua đó liên hệ với công tác thanh niên và công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hôm nay. Cụ Ngô Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Tù yêu nước phường Xuân Hà, khẳng định khi lý tưởng cách mạng và niềm tin đã tỏa sáng trong tim, thì sức mạnh được nhân lên gấp bội; có lý tưởng, có niềm tin, những con người trong tay không một tấc sắt vẫn đủ sức chiến đấu và chiến thắng mọi cực hình man rợ của quân thù. Các đoàn viên thanh niên nghẹn ngào xúc động trong căm hờn và cảm phục trước những hình ảnh tư liệu tại các nhà tù Phú Quốc, Pleiku... Đó là ảnh chụp một tốp ác ôn đè người tù ra “nướng” trên chảo than đang cháy hừng hực, ảnh hai tên lính nện búa tạ vào tấm bê-tông đặt ngay trên ngực một người tù gầy guộc, ảnh tốp tay sai khát máu cột dây treo ngược chân người tù kéo lên cao và chận đầu dìm xuống nước...

Đặc biệt, sự có mặt của cụ Trần Hữu Nhã (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) trong buổi giao lưu gây xúc động cho hàng trăm khán giả khi cụ là chiến sĩ Tiểu đoàn R20, bị quân thù đày ải suốt 5 năm ròng (từ năm 1968-1973) và bị tên giám thị phân khu A1, trại tù binh Phú Quốc, dùng kềm bẻ gãy 4 cái răng. Cụ Nhã cho biết, chi bộ cũng như chi đoàn trong tù đều hoạt động theo nguyên tắc bí mật, hội họp không có bút tích và thường chỉ biết nhau trong tổ Đảng, hoặc tổ Đoàn từ 3-4 người. Họp bằng cách rỉ tai nhau một cách kín đáo, khéo léo, vậy mà nghị quyết của chi bộ đề ra, các đảng viên, đoàn viên đều nghiêm chỉnh thực hiện, bất chấp xiềng xích, khảo tra...

Lớp người tóc bạc và những thanh-thiếu niên, học sinh tham dự buổi giao lưu cùng có chung cảm nhận: Công tác thanh niên bây giờ dù có nhiều khó khăn, công cuộc bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc dù còn nhiều gian nan, thử thách, nhưng nếu tâm huyết, có phương pháp phù hợp, sáng tạo và luôn giữ vững ý chí, niềm tin cách mạng, thì sẽ giành được thắng lợi.

Anh Lê Trường Tiệp, Ủy viên BCH Quận Đoàn Thanh Khê chia sẻ: “Qua buổi giao lưu, tuổi trẻ chúng tôi thấy cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa, phải lao động, học tập, công tác tốt hơn nữa, để có đủ khả năng tiếp bước cha anh, kế thừa sự nghiệp cách mạng và làm tròn trách nhiệm đối với quê hương, đất nước”.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.