.

Làng Việt và những “biểu tượng sống”

.

1.

Bây giờ, nếu có ai hỏi tôi đâu là biểu tượng của làng Việt ở thế kỷ 21, chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại trả lời: Đây, những gốc gạo, gốc đa già nua sần sùi này. Những gốc gạo luôn đứng ở đầu làng, chỉ im lặng đưa và đón những người ra đi và trở về, chỉ im lặng bừng thức những bông hoa lửa vào mỗi độ tháng ba.

Khung cảnh yên bình này ngày một khó tìm thấy ở các làng Việt.                      Ảnh: HOÀNG THU PHỐ
Khung cảnh yên bình này ngày một khó tìm thấy ở các làng Việt. Ảnh: HOÀNG THU PHỐ

Nhưng, những gốc gạo già này và cả những gốc đa, hay cái giếng làng, hay những sân kho, đình làng, ao làng kia nữa... thì rõ ràng cần để khu biệt với những phố xá hay làng bản mang sắc màu văn hóa khác. Và mãi mãi, những gốc cổ thụ mang màu thời gian này cần lắm sự bảo tồn, cần lắm sự chăm sóc và vun trồng để thật sự là biểu tượng của những ngôi làng Việt…

2.
 

"Tôi nghĩ để xây một tòa nhà trăm tầng nếu đủ tiền thì chậm lắm 10 năm là xong. Nhưng trồng cây thì có dùng bao nhiêu tiền đổ vào gốc cũng chẳng thể có được như cây đã chết. Cái cây nó cũng giống như con người, cũng sinh - lão - bệnh - tử, cuộc sống của nó cũng cần có thời gian và cả tình yêu nữa"

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Câu chuyện “cứu” cây đa Tân Trào cách đây vài năm đã được một số cơ quan truyền thông đề cập. Có khá nhiều người quan tâm, từ nhà sử học, nhà khoa học đến những người nông dân hay ông chủ của một vườn cây cảnh ở Hà Nội sẵn sàng lấy sinh mạng mình để bảo đảm. Bởi đây chính là cây đa lịch sử, cây đa gắn với nhiều sự kiện của dân tộc, đang là biểu tượng du lịch của một vùng cách mạng nên đã có cả một cuộc hội thảo được tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Nhiều ý kiến tâm huyết đã phát biểu, thậm chí có cả những phương án “cứu” cây đa Tân Trào được trình bày kỹ lưỡng trong nhiều trang văn bản.

Tôi may mắn được ngồi dưới tán cây đa Tân Trào để chụp một vài tấm ảnh khi cây còn xanh tốt. Và tới bây giờ, khi thấy những cành cây đa bị cắt cụt được đưa lên một diễn đàn du lịch trên mạng Internet, tôi thấy rõ sự trống rỗng giống như là mất mát. Ở Thanh Liêm - Hà Nam, cách đây chừng dăm năm, tôi đã bị mê hoặc suốt thời gian dài bởi con đường hoa gạo tuyệt đẹp bên dòng kênh dẫn nước. Dù đây chưa thật sự là những gốc cổ thụ lưu niên nhưng cứ mỗi dịp tháng ba đến, tôi đều ao ước trở lại. Tuy nhiên, chỉ với một quyết định mở đường, trong lần trở lại gần đây, những “biểu tượng” ấy cũng đã biến mất, hay nói cách khác, chỉ còn trong ký ức - trên những bức ảnh.

Cây đa ở cổng làng Đường Lâm (Hà Nội) - vốn là biểu tượng để nhận diện làng Việt cổ này - mấy năm trước cũng đứng trước nguy cơ chết rụi. Rất may sau đó, nhờ công luận lên tiếng kịp thời, các cơ quan chức năng vào cuộc và sau đó bằng một phương pháp “chữa trị” phù hợp, cây đa hàng trăm năm tuổi đã xanh tươi trở lại.

Nhiều người trong chúng ta hẳn vẫn chưa quên những gốc cây cổ thụ từng là hình ảnh thân thuộc gắn với các thắng cảnh ở Hà Nội như cây gạo trước cổng đền Ngọc Sơn, cây đa trong khu di tích Cổ Loa. Còn bây giờ, suốt hàng chục năm nay, cây gạo được người ta trồng thế vào vị trí cũ trước cổng đền Ngọc Sơn vẫn chưa thể tỏa bóng che được khoảng trống đó. Thế mới biết, phải đặt mình vào vị trí người trồng cây, hằng ngày vun trồng và chăm sóc thì mới thấy được để một mầm cây trở thành cổ thụ cần bao nhiêu sức lực và thời gian.

Cây đa ở cổng làng Đường Lâm (Hà Nội) - vốn là biểu tượng để nhận diện làng Việt cổ này - mấy năm trước đứng trước nguy cơ chết rụi. 			                    Ảnh: HOÀNG THU PHỐ
Cây đa ở cổng làng Đường Lâm (Hà Nội) - vốn là biểu tượng để nhận diện làng Việt cổ này - mấy năm trước đứng trước nguy cơ chết rụi. Ảnh: HOÀNG THU PHỐ

Trong chuyện bảo tồn những giá trị phi vật thể ở làng quê, có một sự thật: chúng ta thường hành động muộn. Rất nhiều ao làng đã bị san lấp, nhiều sân kho ngày xưa là chỗ cho xã viên hợp tác xã phơi thóc, phơi rơm cũng đã biến mất bằng những “dự án” giãn dân. Khuôn mặt thôn quê giờ đây đã khó nhận ra sự khác biệt so với thị thành. Và những gốc cổ thụ, như cây dã hương ngàn tuổi ở Bắc Giang - độc đáo nhất nhì trong khu vực Đông Nam Á - phải tới khi bị mối xông gần chết thì mới được quan tâm. Hay 3 gốc gạo cổ thụ gắn liền với thủy đình của quần thể thắng cảnh chùa Thầy ở Hà Nội, từng được quay phim Nguyễn Hữu Tuấn khai thác trong phim Bến không chồng đến lúc sắp chết rụi và báo chí lên tiếng thì mới được quan tâm.

Khu vực Hà Tây (cũ) là một trong những vùng có nhiều cây cổ thụ nhất ở miền Bắc. Theo kết quả điều tra của đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản cây cổ thụ”, trên địa bàn này có 1.140 cây cổ thụ được phân bố rải rác, trong đó chiếm gần 70%, nằm ở các di tích lịch sử, văn hóa, còn lại là ở trong các khu dân cư, ngõ làng, cổng xóm hay ngoài đồng... Tuy nhiên, mấy năm trước, hàng loạt cây gạo cổ thụ đã chết, trong đó đáng chú ý có một cây gạo cổ thụ gần trăm tuổi chỉ nằm cách cổng chùa Tây Phương hơn 1km cũng đã chết rụi.

3.

Trôi theo thời gian, tránh đi sự tụt hậu, làng quê đang dần dần khoác lên mình tấm áo mới. Những con đường quê đang được cải thiện bằng bê-tông, hay trải nhựa. Những ngôi nhà tranh, nhà ngói phải dần được thay bằng những nhà mái bằng, nhà tầng. Cuộc sống thôn quê của những người nông dân phải được cải tiến theo chiều hướng tích cực với những tiện nghi sinh hoạt. Do đó, “khuôn mặt quê” đương nhiên phải đổi khác. Chúng ta không nên mong muốn hoặc yêu cầu người dân quê suốt đời lam lũ kiếm tiền chân chính mà lại cứ phải ở trong những ngôi nhà ẩm thấp, thiếu thốn tiện nghi... Rồi đây làng quê sẽ “thay da đổi thịt” với những ngõ xóm khang trang, sạch sẽ; những con đường làng rộng rãi và ô-tô đậu ven đường. Khi đó, chúng ta chỉ có thể nhận diện ra làng quê qua những cây đa, gốc gạo cổ thụ tỏa bóng xuống ao làng hay đình làng. Một làng quê cổ kính và truyền thống, ấy là khi có những “nhân chứng” sống qua thời gian.

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.