.

Ngày đầu trong quân ngũ

.

Các chiến sĩ mới mang tâm trạng nhớ nhà, nhớ người thân và bỡ ngỡ trước một cuộc sống mới đầy tính kỷ luật. Nhưng điều đó qua dần, nhường chỗ cho sự tập trung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

130 chiến sĩ mới nhập ngũ tại Trung đoàn Bộ binh 971 - Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng mặc dù đã ổn định tư tưởng, nhưng với họ, những ngày đầu là khoảng thời gian khó khăn nhất khi giây phút nhớ nhà, nhớ người thân luôn thường trực.

Hướng dẫn chiến sĩ mới sắp xếp nội vụ.
Hướng dẫn chiến sĩ mới sắp xếp nội vụ.

Thích nghi môi trường mới

Chiến sĩ Phan Bảo Tài (23 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Ngày mới vào quân ngũ, em bỡ ngỡ lắm. Mọi thứ hết sức lạ lẫm, từ cái chén, chiếc đũa, ăn uống phải theo hiệu lệnh cho đến việc sắp xếp chăn màn vuông vắn. Không những em mà hầu hết các bạn đều luống cuống. Song, với sự tận tình chỉ dẫn của các sĩ quan, chúng em nhanh chóng hòa mình. Qua hơn nửa tháng sinh hoạt, mọi thứ bây giờ đã vào nền nếp”.

Tài tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và có công việc làm ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, xác định trách nhiệm của một người thanh niên nên sau khi có giấy khám nghĩa vụ quân sự, Tài không xin hoãn mà sẵn sàng lên đường nhập ngũ. “Em thấy một bộ phận thanh niên hiện nay ít quan tâm đến tình hình đất nước. Là công dân của thành phố Đà Nẵng, em xác định khi Tổ quốc cần và kêu gọi nhập ngũ thì mình không có lý do gì để trì hoãn. Hơn nữa, vào quân đội sẽ rèn luyện tính kỷ luật, sự trưởng thành để mình vững vàng hơn hơn khi vào đời”, Tài chia sẻ.

Không may mắn như Tài, với Xuân Lộc (20 tuổi, trú phường An Khê, quận Thanh Khê), mẹ mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Lộc vừa học xong lớp 12 thì có giấy khám nghĩa vụ quân sự. Vậy mà không chút đắn đo, Lộc hăng hái đến khám và trúng tuyển. Dù đã xác định tư tưởng trước nhưng hôm xe chở chiến sĩ mới dừng trước doanh trại Trung đoàn 971, mắt Lộc đỏ hoe. Lộc không nghĩ mình có cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân nhiều đến thế ngay từ những phút đầu tiên. Lộc kể: “Đêm đầu tiên em thao thức không ngủ được, phần lạ chỗ, phần vì nhớ nhà. May mắn là bên chúng em luôn có những người sĩ quan tốt bụng. Có lẽ vì cũng từng mang tâm trạng như chúng em khi mới nhập ngũ nên các chú, các anh luôn biết cách chia sẻ, động viên và giúp chúng em nhanh chóng tìm được cảm giác hứng khởi với môi trường mới”, Lộc cười tươi.

Xem lính mới như người em, người bạn

Chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 971 cho biết, trước ngày nhận quân, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ mọi cơ sở vật chất để đón chiến sĩ mới. “Các em là thanh niên mới lớn, sống cuộc sống tự do nên khi mới vào môi trường quân đội sẽ rất lạ lẫm. Để giúp các em hòa nhập, chúng tôi chỉ đạo các cán bộ sĩ quan trực tiếp theo dõi, chỉ huy, huấn luyện phải gần gũi động viên, giúp đỡ các em, không nên cứng nhắc, tạo khoảng cách”, Trung tá Đoàn Văn Tình, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn cho biết.

Theo Trung úy Phạm Mạnh Dũng, Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn bộ binh 1: “Uốn nắn từ một thanh niên tự do đến một người lính trong quân đội là quá trình. Người huấn luyện phải thật sự là người anh, người bạn với các em”. Cũng theo Trung úy Dũng, khi chiến sĩ mới vào đơn vị, nhiệm vụ đầu tiên chính là giáo dục tư tưởng cho các em. Bởi chỉ khi nhận thức đúng đắn nhiệm vụ của mình thì các em mới nghiêm túc trong công tác huấn luyện.

“Cũng như mình ngày xưa mới vào quân đội, rất buồn và nhớ nhà, cái gì cũng lúng túng, may nhờ có các anh đi trước động viên, chia sẻ nên mới dần thành thạo”, Trung úy Dũng nói. Với ý nghĩ đó, anh Dũng cùng các sĩ quan trong Đại đội đều xem lính mới như người em, tận tình hướng dẫn mọi việc, từ gấp chăn đến treo khăn, xếp chén bát, bỏ đôi giày. Sự gần gũi ấy chính là chìa khóa giúp không khí trong môi trường quân đội mang tính kỷ luật cao nhưng luôn nồng ấm, chan hòa...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.