.

Những bóng hồng xe ôm

.

Nghề xe ôm tưởng chừng như chỉ dành cho đấng mày râu. Thế nhưng ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng lại có một nhóm những phụ nữ gắn bó với nghề này gần 10 năm nay.

Chị Trinh chở một sinh viên ĐH Bách khoa về KTX trường.
Chị Trinh chở một sinh viên ĐH Bách khoa về KTX trường.

Trong cái khó ló… nghề xe ôm

Một lần chúng tôi cuốc bộ từ Trạm trung chuyển phía Nam hầm đường bộ Hải Vân về đến ngã ba đường tránh bỗng nghe tiếng một phụ nữ hỏi: “Em đến đâu để chị chở về? Giá mềm thôi”. “Chị là xe ôm?”. “Ừ! Chở tận nơi”. Chúng tôi đồng ý lên xe ngay, lúc này mặt trời đứng bóng khiến mặt đường nóng ran kèm theo những cơn gió lớn như muốn thử thách tay lái của chị. Đường đông, phương tiện đang hối hả lao đi nhưng chị vẫn bình tĩnh điều khiển xe một cách an toàn. Đến nơi, chị nhận tiền công rồi vui vẻ cho chúng tôi số điện thoại và dặn: “Khi nào cần xe ôm gọi số này sẽ có người đến chở ngay”.

Ít thời gian sau chúng tôi đến lại ngã ba đường tránh Nam Hải Vân tìm gặp người xe ôm hôm trước. Cận ngã ba có một căn nhà gỗ lợp tôn đơn sơ cũng là quán nước phục vụ khách đi đường. Trong quán lúc này có một nhóm chị em phụ nữ đang ngồi quây quần bên nhau trò chuyện, họ chính là… “đội nữ xe ôm”. Khi nghe chúng tôi có nhã ý muốn tìm hiểu để viết về người phụ nữ chạy xe ôm hôm trước, các chị thoái thác: “Có gì đâu mà viết, cũng là nghề làm ăn thôi, lên báo rồi mọi người biết sợ mấy đứa con xấu hổ với bạn bè, tội chúng”. Thế nhưng, sau một hồi bị chúng tôi thuyết phục, các chị vui vẻ bộc bạch những nỗi niềm. Các chị vốn là những người bán hàng rong ở đường đèo Hải Vân, hàng chục năm làm công việc “bám thành xe” mưu sinh tuy vất vả nhưng cũng có đồng ra đồng vào. “Hồi đó chị em tui làm khá lắm, một ngày chỉ cần vài chuyến xe cho khách dừng lại trên đỉnh đèo cũng bán được cả mớ hàng, cứ nghĩ sẽ được làm mãi, ai ngờ…”, chị Lê Thị Nhỏ (trú tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) giọng còn tiếc nuối. Nguyên do là, năm 2005 khi Hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành đưa vào hoạt động, xe khách chạy thông qua hầm, không còn leo đèo. Lúc này đời sống chị em như rơi vào bế tắc. Chuyển về bán ở đường dẫn vào hầm đường bộ một thời gian nhưng hàng hóa luôn ế ẩm vì rất ít xe khách dừng. “Có nhiều ngày mang hàng ra nhìn dòng xe qua lại đến tối mịt về không bán được chai nước, bịch bánh nào”, chị Nhỏ nhớ lại.

Một thời gian sau, khi đường tránh phía Nam hầm đường bộ Hải Vân đi vào hoạt động, nhiều lần bắt gặp khách xuống xe lỡ đường các chị nảy ra ý định làm nghề xe ôm. Cả nhóm bán hàng rong họp lại thống nhất kế hoạch “chuyển nghề”. Để có “cần câu cơm” có chị về bán đi chiếc Cub cũ kỹ rồi vay thêm tiền mua xe mới, có người mua lại xe cũ. Ban đầu nhóm có khoảng 9 người làm nhưng vì quá vất vả nhiều người không trụ nổi, nay còn 5 người kiên trì bám nghề.

Chạy xe nuôi cả gia đình

"Nghề này cũng như bao nghề khác, có sướng có khổ, đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm. Khách đã lên xe thì nhất định phải chạy thật an toàn, như thế lấy tiền công từ khách mới cảm thấy hạnh phúc."

Chị Lê Thị Trinh

Các chị trong đội “nữ xe ôm” đều trú tại phường Hòa Hiệp Bắc, ai cũng có giấy phép hành nghề. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng thuộc diện hoàn cảnh khó khăn. Có chị phải vượt lên chính mình để sống như chị Nguyễn Thanh Tuyền (trú tổ 20), một mình dãi nắng dầm sương nuôi hai đứa con khôn lớn. Vào mùa tựu trường, tiền mua áo mới, sách vở, tiền học cho hai con chị đều trông chờ vào những cuốc xe ôm. Ở tuổi 42 nhưng tóc chị đã ngả màu muối tiêu, làn da rám nắng, đôi mắt sâu gợn buồn. Chị Tuyền bộc bạch: “Trời kêu ai nấy dạ, biết sao giờ. Chừng nào tay còn cứng thì cầm tay lái chạy xe kiếm sống, chỉ mong sao mấy đứa con ra trường có việc làm ổn định”.

Còn chị Lê Thị Trinh, 50 tuổi (trú tổ 3), khi các con còn bi bô thì đã phải chịu cảnh “nhà không nóc”. Vắng chồng, chị đắng lòng nhìn các con thơ, rồi bằng những cuốc xe ôm chắt chiu từng đồng nuôi con đến nơi đến chốn. Chị phải dậy rất sớm lo xong cơm nước cho các con, gói ghém chai nước, hộp cơm mang đi ăn trưa rồi đến chỗ hẹn gặp những đồng nghiệp bắt đầu ngày mới mưu sinh. “Nắng mưa gì cũng phải đi làm, chứ ở nhà lấy tiền đâu chi phí”, chị Trinh thổ lộ.

Hơn 8 năm các chị chia sẻ ngọt bùi, xem như chị em, chưa khi nào tranh giành khách của nhau. Có một quy định như “luật bất thành văn” là cứ mỗi sáng ai đến “địa điểm tập kết” trước thì người đó được chở người đầu tiên rồi đến người tiếp theo. Không được lấy giá cao để bảo đảm uy tín có khách thường xuyên, tạo nguồn sống cho tất cả mọi người. “Từ khi thành lập đội đến giờ chưa một lần chị em chúng tôi cãi nhau vì tranh giành khách, mong mỗi ngày ai cũng có vài chuyến để có thu nhập nuôi sống gia đình”, chị Hải cho biết. Những ngày có khách mỗi chị cũng được 100.000-200.000 đồng, nhưng có ngày không thu được đồng nào.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết: “Trước đây phường cũng đã gặp các chị để lắng nghe tâm tư nguyện vọng nhằm tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, do đã lớn tuổi, các chị khó tìm công việc mới phù hợp. Hiện, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các chị để có thể tiếp cận vay vốn làm ăn”.

Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN

;
.
.
.
.
.