.

Sống cạnh nghĩa trang

.

Vào một buổi trưa tháng 3, chúng tôi đến với các hộ dân hai thôn Hòa Khê và Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), nơi bà con nhiều lần phản ánh là họ phải sống trong tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và sắp bị mất đất sản xuất.

Một góc nghĩa trang Hòa Sơn.                       		Ảnh: Thanh Tình
Một góc nghĩa trang Hòa Sơn. Ảnh: Thanh Tình

Nỗi niềm Hòa Sơn

Từ đường ĐT602 rẽ vào, men theo con đường bê-tông nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, chúng tôi đi theo con đường nhỏ bằng đất, đá vào thôn Phú Thượng. Những ngôi nhà trong thôn nằm thưa nhau, bao bọc là những vườn cây ăn trái và những hàng cây chè cảnh, dâm bụt... Chúng tôi dừng lại trước một căn nhà nằm sát với những ngôi mộ nhất, đó là nhà chị Hoàng Thị Linh Thủy (thôn Phú Thượng). Chị Thủy tâm sự: “Gia đình tôi ở đây từ lâu rồi, vì nằm quá sát nghĩa trang nên theo quy hoạch là thuộc diện giải tỏa. Đã nhiều lần có mấy cán bộ đến khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh gì. Vừa rồi nghe đâu có mười mấy hộ được di dời, còn gia đình tôi không biết đến bao giờ. Chỉ mong thành phố khi giải tỏa hỗ trợ cho vợ chồng tôi xây được ngôi nhà cho con cái có nơi ở để học hành”.

Nhiều hộ dân sống trong 2 thôn Phú Thượng và Hòa Khê cho biết: Chưa được giải tỏa đi, bà con cứ phải sống trong cảnh nguồn nước bị ô nhiễm. Ngày xưa đi làm về mệt còn uống nước lạnh được, nay nước giếng đun sôi còn không ai dám uống vì nước tanh nhờn. Nhiều nhà cứ để cây cối và cỏ dại mọc um tùm cho cản bớt bụi bặm nhưng cũng không ổn, vì rắn rết bò tới nhiều hơn, rất nguy hiểm. Đám trẻ con khi được hỏi thì đứa nào cũng bảo sợ lắm, nhiều khi muốn đi ra đường lớn chơi mà chỉ dám đi vào ban ngày. “Buổi tối, tụi em đóng kín cửa và ở trong nhà. Có những buổi sáng, nhiều khi đang học bài mà nghe có tiếng đám ma tụi em không tập trung học được”, em Luân, học lớp 4, Trường tiểu học Hòa Sơn, nói.

Bà con ở thôn Hòa Khê lại còn thêm trăn trở khác, đó là lo lắng vì sắp tới dự án mở rộng Nghĩa trang Hòa Sơn sẽ lấy đi đất nông nghiệp, bà con sẽ không còn đất trồng trọt nữa. Bà Sáu, thôn Hòa Khê bức xúc: “Nhà thì để mà đất trồng trọt thì thu hồi, vậy thì chúng tôi lấy gì để làm ăn sinh sống. Bọn trẻ còn xin việc được ở các công ty, xí nghiệp chứ như chúng tôi ngoài 50 - 60 tuổi rồi thì ai thuê, mà ở nhà thì công việc ruộng đồng cũng không còn. Hồi trước có đất còn làm vụ lúa, vụ dưa rồi chăn nuôi thêm gà vịt sinh sống. Nay qua mùa ni thu hoạch xong, thành phố sẽ lấy đất, biết vậy mà bà con không biết kêu ai”.

Theo các hộ dân ở thôn Hòa Khê, lâu nay bà con vẫn bám vào nghề nông. Nay Nhà nước thu hồi đất sản xuất thì bà con cũng đồng ý, song mong muốn các cấp chính quyền tạo được công ăn việc làm phù hợp cho họ. Nếu giải tỏa hết đất đai vườn tược thì giải tỏa luôn nhà để bà con đến nơi khác làm ăn sinh sống.

“Có an cư mới lạc nghiệp”

Những hộ dân ở 2 thôn Phú Thượng và Hòa Khê mấy năm nay cứ phải sống trong cảnh nơm nớp lo lắng: Không biết có giải tỏa không, bao giờ mới giải tỏa, giải tỏa mình sẽ đi đâu và khi giải tỏa xong cuộc sống liệu có ổn định?... Đem những thắc mắc này của bà con, chúng tôi đến trao đổi với lãnh đạo xã Hòa Sơn. Ông Phạm Đình Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết: “Chúng tôi rất hiểu những bức xúc của bà con và hết sức chia sẻ với những hộ sống bên nghĩa trang. Chúng tôi cũng đang nỗ lực tìm mọi cách để hỗ trợ bà con. Trước mắt, chúng tôi sẽ lựa chọn những ngành nghề phù hợp để đào tạo cho bà con sớm có việc làm để ổn định như nghề trồng hoa, trồng nấm cần ít đất nhưng vẫn có hiệu quả… Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ đề đạt nguyện vọng của bà con lên chính quyền các cấp để có hướng giải quyết. Còn về vấn đề nguồn nước thì trong năm nay, thành phố cũng đã có quyết định đưa nước sạch về cho bà con. Hy vọng những việc làm đó sẽ khắc phục được phần nào vấn đề môi trường và công việc cho bà con”.

Chính quyền các cấp cần xem xét những nguyện vọng của nhân dân để có cách giải quyết phù hợp hoặc cho các hộ được tái định cư ở chỗ mới, tạo công ăn việc làm và cải thiện môi trường sống tốt hơn để bà con nơi đây được “an cư” và “lạc nghiệp”.

Theo đại diện Ban Nghĩa trang thành phố, hiện Nghĩa trang Hòa Khương đã hết chỗ, chỉ còn một ít chỗ ở Nghĩa trang Hòa Sơn và Hòa Ninh. Vì vậy, quỹ đất dùng để an táng mộ hạn hẹp mà nhu cầu giải tỏa mồ mả quá cao trong khi việc mở rộng nghĩa trang không phải dễ bởi liên quan nhiều đến việc giải tỏa, đền bù, giải quyết việc làm… Vì vậy, người dân nên dần làm quen với phương thức an táng bằng hỏa táng. Đây là hình thức vừa văn minh, sạch sẽ vừa không lãng phí quỹ đất và người dân cũng không phải tốn nhiều tiền để an táng.

THANH TÌNH - NGUYỄN TIẾN

;
.
.
.
.
.