Tại bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) hằng ngày luôn có khoảng 400 người từ sáng sớm đến chiều tối đào bới các loại phế liệu lẫn lộn rác thải để mưu sinh, trong đó hầu hết là phụ nữ.
Vì cuộc sống gia đình, nhiều phụ nữ bất chấp nguy hiểm làm công việc nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn. |
Chịu cực cho con cháu sướng
Chiếc xe chở rác vừa dừng ngay giữa bãi rác Khánh Sơn, bà N.T.M (67 tuổi, trú Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam) vội cầm đồ nghề tất tả chạy đến bên xe rác. Hòa vào số đông phụ nữ đang nhặt rác, hai tay bà M. thoăn thoắt đào bới tìm kiếm các loại phế thải như chai nhựa, que sắt, bìa cạc-tông, bao nilon... Cứ vài phút sau, hễ có xe rác khác đến, đôi tay chai sần của bà M. lại hì hục đào bới, tìm kiếm phế thải trong những đống hỗn lộn, hôi thối.
Bà M. có 3 người con. Vợ chồng người con trai ly hôn, gửi 2 cháu cho bà nuôi nấng. Thương cháu, sợ chúng thiếu đói, bỏ bê việc học nên từ nhiều năm nay, bà M. kiếm sống bằng việc nhặt rác ở bãi rác Khánh Sơn. Bà cho biết, trung bình mỗi ngày làm việc cật lực ở bãi rác, đồ phế liệu bà lượm được đem bán thu được từ 100.000-130.000 đồng. Số tiền này đủ để mấy bà cháu sinh sống qua ngày. “Cực khổ mấy cũng được, tôi chỉ mong mình có sức khỏe để tiếp tục làm việc lo cho các cháu”, bà M. tâm sự.
Tương tự hoàn cảnh bà M., chị H.T.H làm nghề nhặt rác hơn chục năm nay kể rằng, do hoàn cảnh quá khó khăn, lại không có nghề nghiệp ổn định nên chị chọn cách nhặt rác để kiếm sống. Hằng ngày, mở mắt ra là chị vào bãi rác. Công việc vất vả nhưng chị nuôi 3 đứa con ăn học đàng hoàng. “Tôi luôn tự nhủ chịu cực khổ một tí để cố gắng lo cho con cái sau này không sống vất vả như ba mẹ nó”, chị H. nói.
Nguy cơ bệnh tật cao
Hằng ngày phải đối mặt với các loại rác thải dơ bẩn, hít thở không khí ô nhiễm, với những người nhặt rác, nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh da liễu... rất cao.
Chị L.T.B (trú Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam) cho hay, do làm nghề lâu rồi nên mũi đã quen mùi, không còn cảm giác hôi thối, chứ nhiều hôm đi làm về, da sẩn đỏ, ngứa ngáy là chuyện xảy ra như cơm bữa. Còn chị N.T.T tâm sự thêm, biết công việc này độc hại nhưng bỏ nghề thì lấy gì mà sống.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có 294 người dân trên địa bàn quận Liên Chiểu làm nghề nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn, trong đó có 216 người nhặt rác thường xuyên. Ngoài ra, còn có hàng trăm người đến từ huyện Hòa Vang và quận Thanh Khê.
Ông Phan Châu Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho biết những năm trước đây, UBND quận Liên Chiểu đã có đề án hỗ trợ những người nhặt rác chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, đa số lao động nhặt rác không chịu chuyển đổi công việc vì cho rằng nhặt rác dễ kiếm sống và cho mức thu nhập ổn định. Cũng theo ông Tuấn, chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp với UBND quận Liên Chiểu thăm hỏi, tặng đồ bảo hộ lao động như ủng, khẩu trang và găng tay cho những người làm nghề nhặt rác, giúp họ bảo vệ sức khỏe, an toàn trong quá trình làm việc. Ngoài ra, với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, UBND phường cũng có những chính sách hỗ trợ để giúp đỡ họ.
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH