.

Tỏa sắc giữa đời thường

.

Các chị thuộc nhiều ngành nghề, độ tuổi, sở thích khác nhau nhưng giữa họ có điểm chung là... ở đâu cần, ở đó có phụ nữ. Nhiệt tình hết lòng, yêu thương hết sức, bằng những việc làm nhỏ bé cá nhân, các chị tưới mát cho cuộc đời thêm đẹp.

Thu gom phế liệu để gây quỹ giúp trẻ em nghèo tiếp bước đến trường là công việc thường xuyên của chị Võ Thị Hồng Đức (trái).
Thu gom phế liệu để gây quỹ giúp trẻ em nghèo tiếp bước đến trường là công việc thường xuyên của chị Võ Thị Hồng Đức (trái).

Ước mơ xanh từ gánh ve chai

Chị “ve chai hưu trí” Võ Thị Hồng Đức (56 tuổi, Chi hội trưởng 35, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cứ cuối tuần lại đẩy xe đến từng nhà hội viên để thu gom rác thải phế liệu. 3 năm nay, dù mưa gió bất thường thế nào, chị vẫn đều đặn làm tròn vai trò “ve chai” của Hội. Ngày qua ngày thu gom từng chút, vậy mà trung bình mỗi tháng Chi hội cũng tích lũy được hơn 1 triệu đồng.

Lúc đầu, mỗi kiệt hẻm, đôi khi chỉ có 2 nhà chịu góp phế liệu cho chuyến xe từ thiện này. Nhưng đến nay, dọc các con đường quanh nhà chị Đức (60 Đinh Công Tráng), nói đến chị Đức và xe ve chai thì không ai không biết. Bởi từ bao giờ, hình ảnh chị đội mưa nắng đi gom phế liệu cho các em nhỏ được đến lớp đã lay động mọi người. Để rồi không chỉ có hội viên tham gia mà tất cả hộ dân trên địa bàn cùng nhiệt tình hưởng ứng. Điều đáng nói, vì bị thoái hóa cột sống, mất sức lao động nên cô giáo mầm non Võ Thị Hồng Đức (Trường mầm non Bình Minh, phường Thuận Phước) phải nghỉ hưu sớm. Vậy mà dù sống chung với bệnh kiêng việc nặng, chị vẫn quyết không bỏ “nghề” ve chai đặc biệt này. Hỏi chị có ngại không khi bỗng dưng chọn một phần việc nặng nhọc như thu gom ve chai, chị cười: “Mình yêu công việc này vô cùng, cứ nghĩ sẽ có biết bao nhiêu người nghèo được giúp đỡ từ đây là tự dưng không thấy mệt, xe càng nặng vì phế liệu nhiều thì mình càng vui”.

Được Hội LHPN thành phố vinh danh là Phụ nữ tiêu biểu năm 2012 và được báo chí “hỏi thăm”, chị lại bẽn lẽn: “Có bị người ta cười không em? Làm chút xíu mà tự khen mình thấy ngại quá!”. Cái việc chị Đức cho là “chút xíu” đó là 2 năm qua, đã có hơn 35 triệu đồng thu được từ nguồn ve chai của chị để giúp trao học bổng cho trẻ em con nhà nghèo. Bao ước mơ bé nhỏ được nuôi lớn từ đây. Nhiều em không đủ sách vở, áo mới đến trường cũng đã được tiếp sức.

Trẻ khiếm thính đã có “nhà”

Đó là căn nhà tại 272 Trần Cao Vân của chị Nguyễn Thị Minh Hải từ 2 năm nay trở thành địa điểm sinh hoạt định kỳ của CLB khiếm thính Đà Nẵng. Thiếu không gian hoạt động là nỗi khổ chung của các em khiếm thính. Nhiều năm qua, Hội Người khuyết tật thành phố loay hoay tìm lời giải cho bài toán này nhưng vẫn bế tắc.

Cuối cùng, Hội khiếm thính phải chọn vỉa hè đường Bạch Đằng làm nơi gặp gỡ, giao lưu. Trong một lần tình cờ bắt gặp các em họp mặt tại vỉa hè, chị Minh Hải - nguyên Giám đốc Khách sạn Bamboo Green Phan Châu Trinh - đã mời các em về nhà riêng của mình để vui chơi, học tập. Đây cũng được xem là địa chỉ chính thức của CLB trẻ em khiếm thính thành phố. Không chỉ tạo điều kiện về chỗ ở, chị Hải còn trực tiếp dạy 5 em học nghề pha chế và 3 em học nghề làm đẹp. Hiện tại, quán cà-phê và spa của chị cũng thu nhận những em thật sự có khả năng và mong muốn có công việc vào làm.

Chị Hải có một nguyện vọng giản dị là mỗi người đến quán sẽ mang lại cho các em khiếm thính một cơ hội thành người có ích cho xã hội. Bây giờ, Minh Hải đã là “mẹ”, là “chị cả” của trẻ em khiếm thính. Bởi nếu không có sự xuất hiện của chị trong buổi chiều tình cờ ấy, thì giờ đây có lẽ các em vẫn chưa có một “mái nhà” thật sự.

20 cá nhân tiêu biểu được Hội LHPN thành phố tuyên dương điển hình năm 2012 nhân dịp 8-3 năm nay, trong đó có chị Đức, chị Hải vẫn chưa nói hết được các khía cạnh, ngành nghề và công việc mà phụ nữ Đà Nẵng đang đóng góp. Bởi với rất nhiều chị, lặng lẽ làm đẹp cho cuộc sống mới chính là mục đích lớn nhất để các chị hướng tới. Mỗi phụ nữ là một bông hoa, và mỗi việc làm tốt đẹp của họ lại góp thêm một sắc hương để tỏa ngát giữa đời thường.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.