.

Trận đánh sinh tử trên cầu Đờ-lát

.

Cầu Đờ-lát (lấy theo tên Tướng De Lattre de Tassigny, Tổng Chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương, nay là cầu Trần Thị Lý) đã bao lần thay “áo mới” nhưng trong suốt những năm tháng chiến tranh, trên chính cây cầu ấy diễn ra một trận đánh lịch sử. Đó là trận đánh vào đêm 25-4-1954 của đội đặc công nước do ông Huỳnh Ngọc Châu làm mũi trưởng.

Ông Huỳnh Ngọc Châu trong một lần ghé thăm công trình cầu Trần Thị Lý.
Ông Huỳnh Ngọc Châu trong một lần ghé thăm công trình cầu Trần Thị Lý.

Đã gần 60 năm trôi qua kể từ cái đêm lịch sử ấy, người thanh niên can trường năm nào giờ bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng khi kể về trận đánh đêm 25-4-1954, ông vẫn nhớ rành rọt từng chi tiết. Cuốn sách Đặc công nước Đà Nẵng ghi chép về trận đánh được ông cất giữ cẩn thận như báu vật. Để chúng tôi dễ hình dung diễn biến trận đánh, ông còn phác thảo lại cây cầu và địa điểm quân ta ẩn náu.

Ông Châu kể: Theo kế hoạch, đêm 25-4, trinh sát Đặc công 15, trinh sát Đại đội bộ binh Điện Bàn và Đại đội Đặc công 11 của Đà Nẵng hợp đồng chiến đấu trong chiến dịch Liên khu V và tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cùng tiêu diệt các cụm cứ điểm đồng bằng và vùng ven đô thị của Đà Nẵng. Đại đội đặc công 11 chia 4 mũi đánh địch ở các địa điểm Mân Thái, Cổ Mân, Mỹ Khê và cuối cùng là cầu Đờ-lát do ông Châu làm mũi trưởng nhằm không cho địch từ phía Tây sông Hàn sang cơ động cứu viện quân Pháp ở phía Đông.

Mũi đánh cầu Đờ-lát khi ấy gồm 4 người: Huỳnh Ngọc Châu, Kiều Sơn Đen, Tạ Bán và Nguyễn Văn Khai đều bơi lặn giỏi, được Tỉnh đội trưởng Quảng Nam-Đà Nẵng Võ Thứ trực tiếp tuyển chọn.

Để có thể hạ được mục tiêu một cách chắc chắn, mũi trưởng Huỳnh Ngọc Châu xin cấp trên chi viện 1 tạ bộc phá. Nếu chỉ sử dụng 20-30kg như những mục tiêu khác thì không đủ “đô” trước sự kiên cố của cây cầu. Nhưng do toàn chiến dịch khi ấy chỉ có tổng cộng 3-4 tạ bộc phá nên cuối cùng trận đánh cầu Đờ-lát chỉ được cấp một khối bộc phá 60kg.

Đêm 25-4, quân địch tuần tra dày đặc trên cầu, đèn pha rọi xuống dòng sông Hàn sáng rực như ban ngày, gây nhiều khó khăn cho quân ta trong việc tiếp cận mục tiêu. Bằng sự mưu trí của người chỉ huy, ông Châu tính thời gian mỗi lần pha đèn tầm 15 - 17 giây. Như vậy, nếu lặn trung bình 16 giây, đèn tắt thì ngoi lên lấy hơi sẽ không bị địch phát hiện. Bằng cách đó, các anh em trong mũi đánh này đã mang được số bộc phá và hột nổ ra đặt tại chân trụ số 3 và số 4 của cầu một cách an toàn.

Giờ G đến, trong khi quân ta ở các đồn Mân Thái, Mỹ Khê đã hiệp đồng nổ súng, chiếm lĩnh các mục tiêu, thu vũ khí của địch thì tại một cồn cỏ cách cầu Đờ-lát không xa, mũi trưởng Huỳnh Ngọc Châu bấm kíp điện đến lần thứ ba nhưng trái phá vẫn không nổ do dây cháy bị nhiễm nước. “Ngay lập tức, tôi hạ lệnh cho đồng chí Kiều Sơn Đen bơi ra móng cầu, bí mật vượt qua hệ thống canh gác, tiếp cận khối thuốc nổ, dùng kíp nổ nụ xòe và lựu đạn Mỹ điểm hỏa. Khi đồng chí Kiều Sơn Đen lao xuống sông, bơi được 30m thì bộc phá phát nổ. Sức công phá của khối thuốc 60kg làm rung chuyển cả thành phố, những nhà có cửa kính gần đó đều vỡ. Địch một phen hú vía, chạy nháo nhào khi dầm cầu giữa trụ số 3 và số 4 đổ sụp xuống sông”, ông Châu nhớ lại.

Thắng lợi làm cho quân địch không thể cơ động lực lượng, phương tiện từ phía Tây sông Hàn sang phía Đông, tạo điều kiện cho các mũi khác và lực lượng địa phương đánh tiêu diệt hàng loạt cứ điểm của địch ở khu Đông. Đồng thời, quân ta còn diệt hàng trăm tên, bắt sống gần trăm tên địch và thu được nhiều chiến lợi phẩm đưa về vùng an toàn ở Điện Bàn.

Với ông Châu, những năm tháng kề vai sát cánh cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ thành phố luôn là những hồi ức đẹp nhất của cuộc đời. Niềm vui khi tổ đánh cầu Đờ-lát được đơn vị tuyên dương, riêng đồng chí Kiều Sơn Đen với tinh thần cảm tử được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.

Bài và ảnh: BÌNH AN

(Ghi theo lời kể của ông Huỳnh Ngọc Châu)

;
.
.
.
.
.