.

Khỏe và yêu đời như... lão nông

.

Mới đây đọc bài thơ “Sống lâu như lão làng” của nhà thơ Thanh Thảo: “Ở thành phố nhiều đại gia chết trẻ, ung thư/trong khi mấy chục cụ già quê tôi/trên trăm tuổi/lưng cong như đường làng/làng nhàng/trên trăm tuổi/ăn canh rau uống nước nón/đi chân đất mặc áo tơi/trên trăm tuổi...”, chợt nghĩ đến các lão nông Hòa Vang quê mình. Ở cái tuổi được coi là xưa nay hiếm, mấy cụ vẫn làm đồng, cày cuốc, đi lại thoăn thoắt, nói năng sang sảng và còn thừa năng lượng tham gia công việc cộng đồng, làng xã.

Ông Ngô Văn Tưởng (71 tuổi) trước đình làng Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.
Ông Ngô Văn Tưởng (71 tuổi) trước đình làng Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.

Mỗi lần đến Hòa Vang, chúng tôi lại có cảm giác như được trở về nhà, bởi gặp mấy cụ ở quê, tự nhiên thấy gần gũi tức thì.

1. Lần mới đây về Hòa Châu viết bài hoạt động sản xuất của người cao tuổi, chúng tôi được ông Ngô Văn Tưởng (71 tuổi, ở thôn Phong Nam) dẫn đường. Phải nói là cỡ thanh niên lái xe máy cũng “khớp” trước tốc độ và sự nhanh nhạy của ông. Cần tới điểm nào, ông phóng xe cái rẹt, ứng biến linh hoạt trên đường làng quanh co, nhỏ hẹp. Ông Tưởng còn đưa chúng tôi về tham quan ngôi nhà đầy cây trái đang vào mùa của vợ chồng ông. Chỉ vào hai khu vườn với tổng diện tích 3.000m2, ông nói liền: “Hai vợ chồng già làm tất tần tật, không thuê nhân công”. Đó là khu vườn với 1.000 gốc chuối, 20 con gà đẻ trứng, vài giàn bầu, bí, rau màu các loại. Chưa kể, ông có 5 sào ruộng, cộng

với việc nhận trổ nước đồng cho toàn thôn (450 sào). Mỗi chục trứng gà ta thu tại gốc 45.000 đồng, tiền bầu 600.000 đồng/tháng, rau 2 triệu đồng/tháng; chưa kể chuối, sắn các thứ cộng lại. Ngôi nhà 600m2 được xây dựng với hai phong cách hiện đại và truyền thống dành riêng cho đôi vợ chồng già đủ cho thấy kinh tế từ rau màu của ông vào loại kha khá.

Nguyên là Trưởng Công an thôn, khi về hưu, ngoài ruộng đồng, ông Tưởng còn hăng say giữ các chức vụ chi hội trưởng hội từ thiện, chữ thập đỏ, nạn nhân chất độc da cam. Công việc “réo” suốt ngày chẳng những không làm ông mệt, đã vậy chúng tôi còn được ông khoe: “Từ nhỏ tới chừ chưa vô bệnh viện. Ai cũng như bác chắc bệnh viện đóng cửa”. Thi thoảng nhức cái đầu, đau cái bụng, ông uống vài viên thuốc là xong. Cái chính giúp ông Tưởng khỏe như vậy nằm ở “bí quyết” là chịu khó giữ gìn bộ răng. Ông cười khoe hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp và tuyệt nhiên chưa hề lung lay cái nào: “Bộ răng có khỏe, mình mới ăn ngon. Ăn ngon thì sức khỏe tốt. Vậy thôi!”.

Ngoài ruộng đồng và công việc đoàn thể ở thôn, một tình yêu khác rất lớn trong ông đó là được lo chuyện lễ lạc của làng. Hôm chúng tôi đến gặp, dù chưa có kế hoạch ghé vào các khu đình đền miếu mạo, nhưng trước sự say sưa và niềm tự hào về nguồn cội của làng quá sôi nổi trong ông khiến chúng tôi cũng bị cuốn theo và dành nhiều thời gian dừng chân ở những chốn này. Cách đây 3 năm, ông tự bỏ ra 55 triệu đồng mua đất và xây dựng miếu bà Vàng của thôn với mong muốn khôi phục một nét văn hóa làng. Sau đó, người dân hiểu sâu sắc về việc làm của ông và sự cần thiết gìn giữ văn hóa làng nên đóng góp, gửi lại ông gần đủ số tiền này.

2. Bạn già của ông Tưởng là ông Lê Văn Tá (82 tuổi), người từng được báo chí ca ngợi với vai trò Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố (khu vực huyện Hòa Vang). Ông Tá trở thành nhân vật thân quen trong mắt mọi người với hình ảnh cụ già rắn rỏi, cao ráo bên “con ngựa sắt” chung tình suốt gần 40 năm. Từ Hòa Châu, ông Phó Giám đốc đạp xe đến trung tâm làm việc ở tận xã Hòa Nhơn, cách nhà vài chục cây số. Vài lần gặp ông đi họp ở Thành Hội (quận Hải Châu), chúng tôi hỏi thăm ông đến bằng phương tiện gì, ông Tá trả lời, giọng sang sảng: “Thì xe đạp chớ chi”, rồi ông cười khà. Nghe đâu, dù hơn 80 tuổi, ông Tá cũng “lơ” bệnh viện như ông Tưởng.

Lương bổng chẳng bao nhiêu, nhưng ông Tá vẫn nhận trợ dưỡng thường xuyên cho một cháu bị nhiễm chất độc da cam. Tình yêu của ông lúc này là được chăm cho các cháu lớn lên với niềm vui trong trẻo dù thân thể có hằn vết thương chiến tranh. Ông thích trồng cho các cháu vài gốc mận, chuối và mấy chậu hồng để nơi trước đây là nắng cháy sẽ rộn tiếng trẻ thơ và xanh tươi sự sống.

Về Hòa Vang, được ngắm các cụ cày cuốc khỏe re, nói cười sang sảng, hăng say với công việc cộng đồng, thấy tuổi già thật tràn đầy năng lượng.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.