Trong một lần đi tác nghiệp, tôi tình cờ bắt gặp những dòng nhật ký đầy xúc động của liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh, người từng được Tiểu đoàn 2 phong tặng danh hiệu Kiện tướng mang vác trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Tinh thần chiến đấu anh dũng của liệt sĩ Lếnh làm sống dậy những năm tháng chiến đấu bất khuất, kiên cường của quân và dân ta trên mặt trận Quảng Đà.
Đưa hài cốt liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh về nghĩa trang quê nhà. (Ảnh tư liệu) |
Mỗi ngày gùi 45 - 50kg leo dốc Ông Thủ
Giữa lúc chiến trường miền Nam đang ác liệt, chàng thanh niên Hoàng Kim Lếnh vừa tròn 18 tuổi từ biệt quê nhà Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau 11 tháng hành quân vào Trị Thiên, rồi sang Lào vào chiến trường B tại Arinh, Quảng Nam. Từ tháng 11-1968 đến 12-1970, Hoàng Kim Lếnh được bổ sung về d140, Mặt trận Quảng Đà làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược phục vụ cho chiến trường Quảng Đà và tham gia nhiều trận chiến đấu đánh địch càn quét, phục kích tại Vùng A, B (Đại Lộc) và Tây Duy Xuyên.
Trên cương vị là Tiểu đội phó rồi Tiểu đội trưởng, Hoàng Kim Lếnh và đơn vị được phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng vận chuyển gạo, lương thực, thực phẩm và vũ khí, đạn dược phục vụ cho các đơn vị trên chiến trường Quảng Đà và tham gia chiến đấu bảo vệ hậu cứ, mở đường vận chuyển. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi phải tự mang vác trong điều kiện địch dùng máy bay oanh tạc, đánh bom, pháo và rải chất độc hóa học, càn quét, phục kích, gài mìn nhiều nơi vô cùng ác liệt nhưng anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phục vụ kịp thời cho các các trận đánh trên chiến trường Quảng Đà. Trong cuốn nhật ký của anh có đoạn: “Tết đầu tiên xa nhà, Tết thứ nhất trong quân đội, Tết thứ nhất trong chiến trường ở núi giời Lộc Linh bên bờ sông Bung gần vòi nước không có nhà cửa và không có cơ sở vật chất”.
Có những lúc bị sốt rét, sức khỏe giảm sút, đơn vị đưa đi bệnh xá điều trị nhưng Hoàng Kim Lếnh một mực xin về để tham gia vận chuyển gạo, đạn dược cho chiến trường. Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thành, nguyên Tiểu đoàn trưởng D2, cho biết: “Tuy thân hình gầy yếu, nhưng đồng chí Lếnh bao giờ cũng gương mẫu, giúp đỡ các đồng chí ốm yếu, xung phong mang vác gấp đôi để hoàn thành chỉ tiêu của đơn vị giao. Điển hình trong một lần mang vác đạn ĐKB phục vụ cho Trung đoàn Pháo binh 575, 577 của Mặt trận Quảng Đà đánh địch; do đồng đội bị thương và đau ốm nhưng vì không thể thiếu vũ khí cho chiến trường, đồng chí Lếnh vừa vác thân pháo trên vai vừa gùi nguyên quả đạn trên lưng, vừa đi vừa chỉ huy đánh địch từ dốc Ông Thủ xuống triền Điện Xuân trong đêm”. Có những đợt cao điểm đồng chí Lếnh đi gùi hàng tháng, mỗi ngày trung bình từ 45 đến 50kg leo dốc Ông Thủ, vòng xuống gùi đạn, vòng lên gùi gạo, trung bình mỗi tháng từ 2.000 đến 2.500kg.
Giữ vững quyết tâm chiến đấu cho đến ngày thống nhất
Trong cuốn nhật ký, Hoàng Kim Lếnh viết: “Tháng 3-1969: Địch đã rút khỏi hậu cứ của ta, chúng tôi trở về C3 (Thành Mỹ). Tôi bị sốt đợt hai, 4, 5 ngày không ăn nổi hạt cơm, thậm chí sữa cũng không nuốt nổi. Trong khi đó, đơn vị chuyển về chân dốc Ông Thủ. Sau hơn một tuần sốt liên miên, tôi quá mệt và được đi bệnh xá D. Bệnh xá lúc này ở bên kia dốc Gió, nếu khỏe vừa đi vừa về một ngày nhưng tôi đi hai ngày mới tới, nhiều đoạn phải có y tá cõng. Sau mấy ngày điều trị ở bệnh xá, có đêm tôi bị ngất trong lúc đi giải vì kiệt sức. Sau hơn một tháng, tôi đã bớt tuy người vẫn ớn và xanh, sức còn yếu nhưng tôi vẫn xin về đơn vị. Về đơn vị lúc này vẫn nhận nhiệm vụ cũ, vừa chuyển đạn, vừa chuyển gạo. Thời gian này địch đánh bom pháo hết sức căng thẳng và ác liệt. Chúng tôi toàn ngủ dưới hầm vì ngày đêm bom đạn, cứ ít ngày là có người hy sinh. Mặc dù ác liệt, đơn vị vẫn tiếp tục nhiệm vụ và công việc cũ, tức là hai ngày đi xuống đồng bằng một lần, ngày bị chết hụt 4-5 lần do bom pháo, biệt kích”.
Tháng 9-1969, tiểu đội gồm 6 đồng chí do Hoàng Kim Lếnh chỉ huy, được giao nhiệm vụ chốt điểm trên dốc Ông Thủ chống địch đổ bộ lên hậu cứ, kho vũ khí của ta tại Thành Mỹ. Đây là nơi địch đánh phá ác liệt, trong cả tháng trời, tiểu đội đã nổ súng chiến đấu nhiều trận và tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, bảo vệ an toàn hành lang căn cứ của ta. Riêng cá nhân Hoàng Kim Lếnh đã tiêu diệt được 15 tên lính Mỹ và được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1”. Nhiều năm liền, Hoàng Kim Lếnh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua của tiểu đoàn và là 1 trong 2 người được tặng danh hiệu Kiện tướng mang vác của tiểu đoàn, được cấp trên khen thưởng.
Trong một đợt chỉ huy đại đội 3 đánh thẳng vào trung tâm cứ điểm Giáng La vào năm 1974, Hoàng Kim Lếnh bị thương rất nặng ở đùi, bụng và đầu. Vì vết thương quá nặng, lại nhiễm trùng uốn ván hoại thư sinh hơi, chân sưng tấy rất to, vô cùng đau đớn nên bác sĩ phải cắt bỏ đến đùi chân phải mới có thể cứu được. Hoàng Kim Lếnh biết nếu cắt bỏ một chân sẽ khó có thể sống được nên đã gọi đồng chí Đán – Chính trị viên Phó Đại đội 1 bị thương nhẹ đưa vào Trạm phẫu và nói: “Mình có khả năng không thể sống được, Đán và anh em ở lại giữ vững quyết tâm chiến đấu cho đến ngày thống nhất Tổ quốc và trả thù cho anh em trong đơn vị đã hy sinh - đặc biệt là trận Giáng La, anh em ta hy sinh, tổn thất quá nhiều...”. Vì vết thương quá nặng, mất máu nhiều, thuốc men quá ít nên Hoàng Kim Lếnh đã hy sinh sau khi phẫu thuật.
Gần 40 năm sau, ngày 27-7-2007, đơn vị và gia đình đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Lếnh tại xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và đưa về nghĩa trang quê nhà.
Xét thành tích, những chiến công xuất sắc của liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh, tháng 11-2012, Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 2 (V25) đã đề nghị Thành ủy, UBND, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xem xét đề nghị Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Quốc phòng và Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh. Hiện nay đề nghị tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh đã được Thành ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và Ban Thi đua-Khen thưởng thành phố thông qua và đang chờ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xem xét. |
ĐOÀN LƯƠNG