.

5 lần gặp Bác Hồ

.

Nhiều người chỉ ao ước một lần được gặp Bác, còn chị có đến 5 lần được gặp, biểu diễn cho Bác xem. Dù đã hơn 40 năm nhưng những kỷ niệm, câu chuyện về Bác vẫn luôn sống mãi trong lòng chị.

Bà Lễ và bức thư Bác gửi để động viên mọi người trong đoàn.
Bà Lễ và bức thư Bác gửi để động viên mọi người trong đoàn.

Câu chuyện nhỏ, bài học lớn

Dù đã 74 tuổi, mỗi khi kể chuyện về những lần gặp Bác, bà Từ Công Lễ (tổ 57, phường An Khê, quận Thanh Khê) trông như trẻ hơn. Bà nhớ những lần gặp Bác từ cái ngày còn là cô bé quàng khăn đỏ cho đến khi đã trở thành diễn viên gạo cội của Đoàn văn công Quân khu 5. Bà Lễ kể: “Lần đầu tiên gặp Bác là năm 1956, khi ấy tôi mới 14 tuổi, là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc để học tập. Đó là dịp Tết Trung thu, với thành tích học tập xuất sắc, cô bé Lễ vinh dự có mặt trong đoàn học sinh đến Phủ Chủ tịch gặp Bác. Ban đầu, tất cả học sinh nhìn lên Phủ Chủ tịch đón đợi mà chưa thấy Bác. Chợt cô giáo reo to: “Các cháu quay lại, Bác ở phía sau đây này”. Cả đám liền ào ra đằng sau đón và vây quanh Bác. Bác xuất hiện hiền từ, giản dị trong bộ đồ bà ba rồi hỏi: “Các cháu có thích ăn kẹo không?”. “Dạ thưa Bác có ạ”, cả đám đồng thanh trả lời. Bác bảo các cô, các chú phát kẹo mà Bác chuẩn bị sẵn cho các cháu. Rồi các cháu hát cho Bác nghe bài Kết đoàn”.

“Thật may mắn là tôi được ngồi sát cạnh Bác. Trong đầu lúc đó chẳng để ý gì bài hát mà chỉ chăm chăm nhìn Bác từ đầu đến chân, sờ râu, sờ tay Bác”, bà Lễ nhớ lại.

Vậy là suốt cả buổi hôm đó, cô bé Lễ chỉ chăm chú nhìn Bác mà không để ý gì đến các hoạt động khác. Cô bé Lễ luôn cất kỹ trong túi cây kẹo được Bác tặng và luôn mang bên mình chứ không dám ăn.

Những lần khác, bà Lễ được gặp Bác khi Bác về thăm Đoàn văn công Quân khu 5. Có lần bà vinh dự được mang hoa ra sân bay đón Bác (lúc đó Đoàn văn công Quân khu 5 đóng tại Vinh, Nghệ An). Lần khác, bà Lễ gặp Bác ở quê nhà xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. “Khi đó mình và các bạn cũng được giao nhiệm vụ ôm hoa tặng Bác”, bà Lễ cho biết.

Lần cuối cùng bà được gặp Bác là năm 1967, khi Đoàn văn công Quân khu 5 ra Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác. Sau tiết mục Tổng ngốc sa lầy đả kích Tổng thống Nixon bị sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam là đến tiết mục Tay chài tay súng của bà Lễ và các đồng nghiệp. “Tại phòng chúng tôi biểu diễn, tường được lắp bằng kính nên chúng tôi vừa múa vừa nhìn Bác. Vì mải nhìn Bác nên khi có nhạc dạo, bà Lễ quên cả búi tóc khiến mọi người ở trong cánh gà nhắc nhở: “Tóc! Tóc!”. Bà liền búi vội vàng rồi ra múa mà lo lắng, chỉ sợ xảy ra sự cố, không hoàn thành vai diễn. Khi nghe Bác khen “Các cháu biểu diễn hay lắm, tốt lắm, Bác rất vui”, bà mới thở phào nhẹ nhõm. Xong, Bác quay sang nhà thơ Tố Hữu đứng cạnh và dặn: “Chú Hữu nhớ cho các cháu một tô phở thật to, để các cháu ăn thật no nhé!”. Rồi Bác hỏi: “Các cháu có chụp ảnh với Bác không?”. Khi đó Bác đã rất yếu, đi phải có người đỡ…

Bác luôn ở trong tim

Năm 1969, bà Lễ về làm giáo viên dạy múa Trường Nghệ thuật quân đội và đang có thai tháng thứ 8. Nghe tin Bác mất, mọi người đều khóc òa. Khi cả trường đi viếng Bác, bà Tần - một đồng nghiệp liền bảo: “Lễ ơi, tao với mày không đi viếng Bác để được nhìn Bác lần cuối thì lòng không yên được”. Bàn nhau, hai người cố xỏ bộ quân phục mới phát to đùng chưa sửa, len lén lên hàng ghế cuối trên chuyến xe cuối cùng chở đoàn người viếng Bác để ngồi sẵn. Khi xuống xe, tài xế la lên: “Hai bà bầu đi rồi ngất nữa thì sao?”. Hai chị quả quyết: “Nhìn được Bác lần cuối rồi tụi em về, có gì tụi em xin chịu kỷ luật”.

Trung tá Lê Tôn Sùng (76 tuổi), chồng bà Lễ, cũng may mắn được gặp Bác 3 lần trong những lần Bác thăm Đoàn văn công Quân khu 5 và vào Phủ Chủ tịch biểu diễn. “Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh Bác mặc bộ đồ bà ba màu nâu giản dị, quàng chiếc khăn ở cổ. Lúc nào Bác cũng sợ người khác nghe không rõ vì chất giọng hơi nặng của mình”, ông Sùng thổ lộ.

Bà Lễ quê gốc ở Quảng Ngãi, người dân tộc Hrê; còn ông Sùng quê ở Bình Định. Cả hai đều là diễn viên múa của Đoàn văn công Quân khu 5, quen nhau từ những lần đi diễn chung rồi nên nghĩa vợ chồng. Ông Sùng còn có dịp được biểu diễn cho Bác xem khi Bác đến thăm Đoàn văn công Mai Dịch. Và cũng chính Bác Hồ đã đồng ý cho đoàn văn công của ông Sùng đi Trung Quốc biểu diễn. Sau khi đến Trung Quốc được mấy ngày thì Bác gửi thư động viên mọi người trong đoàn. Đến nay ông Sùng vẫn giữ bức thư đó như một báu vật, đóng khung, treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Cứ đến ngày sinh nhật Bác, vợ chồng bà lại thắp một nén hương lên bàn thờ, tưởng nhớ về Bác trong niềm xúc động sâu sắc.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.