Học nghề để có công ăn việc làm là chuyện gần như đương nhiên với nhiều bạn trẻ. Nhưng với trẻ em nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), học nghề trước hết giúp các em nhận ra rằng, mình cũng biết làm việc như mọi người.
Các em NNCĐDC học nghề có rất nhiều niềm vui. Nhưng niềm vui đó chưa trọn vẹn khi sản phẩm của thầy và trò làm ra tuy được đánh giá “khá ổn”, nhưng vẫn mãi loay hoay bài toán tìm nơi tiêu thụ.
Bà Lamb David Sherman xúc động: “Chúng tôi sẽ mang chậu hoa này của các em về Mỹ để khoe với bạn bè”. |
Thầy và trò cùng học
Những người từng biết các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc NNCĐDC, thuộc Hội NNCĐDC thành phố, đều tỏ ra bất ngờ trước sự thay đổi theo thời gian của những đứa trẻ tại đây. “Lý lịch” trích ngang lúc các em mới vào trung tâm học tập là: tự kỷ, không kiểm soát hành vi, dễ kích động, trầm cảm… Tuy nhiên, hiện nay, nhiều em trong số khoảng 200 đứa trẻ thuộc 3 trung tâm của Hội đã biết làm một số sản phẩm đẹp mắt và hoàn toàn có thể sử dụng được như hương, hoa vải, kết cườm, may…
Từ khi mở rộng các hoạt động dạy nghề, không khí học tập tại các trung tâm thay đổi đáng kể. Nếu trước đây các em chủ yếu học hát múa, vẽ hay rèn luyện một số kỹ năng cơ bản, thì nay nhiều bạn nam chuyển sang học làm hương, các bạn nữ học làm hoa, may áo.
Ông Lâm Văn Sự, một tình nguyện viên đến dạy nghề may nói: “Mỗi đường may thẳng, có khi phải dạy suốt một tháng, bởi tay, chân và trí tuệ của các em không bình thường như những học viên khác. Tuy nhiên, nhờ học nghề, các em được rèn luyện thân thể và làm việc mình yêu thích”. Ông Sự còn giới thiệu một số mẫu do các em vừa hoàn thành, đường chỉ tuy còn chệch choạc, nhưng chiếc áo thành hình cũng là điều kỳ diệu với nhiều em.
Đến nay Hội NNCĐDC thành phố đã đào tạo được 5 em làm nghề may “kiếm tiền nhiều hơn cô”, theo cách nói vui của giáo viên tại đây. Những em này đã trở thành công nhân may tại Khu công nghiệp Hòa Khánh với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.
Lớp bên cạnh, thầy giáo trẻ Bùi Xuân Hiếu đang cùng các trò làm những giỏ hoa vải đủ màu sắc. Sản phẩm này đã theo chân nhiều đoàn du khách và các nhà hảo tâm đến khắp mọi miền của Tổ quốc, thậm chí còn đến với đất nước xa xôi như Mỹ, Nhật… Trong chuyến làm phim và thăm NNCĐDC Đà Nẵng, được tặng một chậu hoa do chính các nạn nhân làm ra, bà Lamb David Sherman - người Mỹ xúc động nói: “Chúng tôi sẽ mang món quà này về nước để kể với mọi người về nạn nhân chiến tranh tại Việt Nam. Các bạn rất tuyệt vời và đáng yêu”.
Tiêu thụ ở đâu?
Dạy nghề cho các em vốn không dễ, nhưng tìm đầu ra cho sản phẩm, với Hội NNCĐDC thành phố, còn là điều khó hơn. Cách đây 2 năm, Hội được hỗ trợ cho thuê quầy hàng miễn phí tại một trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố để trưng bày, bán các sản phẩm thủ công do thầy và trò làm ra. Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên quầy hàng đóng cửa.
Điều đặc biệt của Hội NNCĐDC là các thầy cô tại đây có thể làm được đủ các nghề bằng cách học lẫn nhau và tự học. Không những thế, khi sản phẩm làm ra, thầy cô cũng trở thành “nhân viên kinh doanh” đi chào hàng khắp nơi. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố, cho biết: “Thấy hương các em làm đạt yêu cầu nên thầy cô giáo mạnh dạn mang vào chợ mời người ta mua giúp. Một số người ủng hộ bằng cách mua hàng của các em. Hội cũng sẽ liên hệ với Sở LĐ-TB&XH thành phố nhờ đặt mua hương cho các nghĩa trang lớn trên địa bàn”.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, với cách làm này, nguồn tiêu thụ sản phẩm của các NNCĐDC rất bất ổn, phụ thuộc nhiều vào sự “hên, xui”. “Sắp đến, Hội tiếp tục “lấn sân” sang nghề sản xuất nước uống đóng chai. Các thủ tục cơ bản đã hoàn thiện, điều cần nhất là sự đón nhận của mọi người đối với sản phẩm mới này”, bà Hiền chia sẻ.
Bài và ảnh: THU HOA