Với phương châm “Cho cần câu hơn cho xâu cá”, trong những năm qua, quận Cẩm Lệ thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với những hộ nghèo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của từng gia đình, từ đó trao cho họ “cần câu”, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Minh (tổ 45, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) được hỗ trợ vốn để mở quầy tạp hóa bán tại nhà, đến nay bà thoát nghèo. |
Năm 2010, gia đình anh Phạm Phú Minh Hải, trú tổ 24, phường Khuê Trung nằm trong vòng luẩn quẩn, không biết thoát nghèo bằng cách nào. Anh làm thợ xây, công việc không thường xuyên; vợ anh bán xôi, thu nhập thấp. Kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, trong khi phải nuôi 2 con nhỏ ăn học. Trước tình hình đó, đại diện lãnh đạo phường Khuê Trung đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với gia đình để tháo gỡ khó khăn. Sau khi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, phường đã đề xuất với quận, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng thường xuyên cho 2 con anh ăn học; ngày Tết, quận và phường hỗ trợ gạo, tiền giúp gia đình vui Xuân. Để giúp gia đình anh thoát nghèo bền vững, quận hỗ trợ tiền sinh kế 10 triệu đồng để vợ chồng anh làm vốn buôn bán. Nhờ biết cách sử dụng đồng vốn hiệu quả và chi tiêu tiết kiệm, đến cuối tháng 6 năm 2011, gia đình anh Hải đã thoát nghèo.
Cũng giống như gia đình anh Hải, gia đình bà Lê Thị Kinh, tổ 47, phường Khuê Trung cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn không kém. Bản thân bà bị câm điếc. Trong khi đó, vợ chồng đứa con gái đầu của bà là lao động phổ thông, thu nhập thấp, không ổn định và không có nhà ở, lại phải nuôi hai con nhỏ; đứa con gái thứ hai của bà bị tâm thần. Suốt một thời gian dài, gia đình bà không biết làm gì để sống. Đất sản xuất không có, bà phải mượn những khu đất trống để trồng rau, bán kiếm tiền sống qua ngày. Trước hoàn cảnh khó khăn của bà, phường Khuê Trung đã thường xuyên đến thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của gia đình. Qua đó, đã đề xuất với quận và thành phố trợ cấp hằng tháng cho bản thân bà Kinh và đứa con gái bị tâm thần. Các cháu của bà cũng được nhận học bổng hơn 1 triệu đồng/cháu/năm. Ngoài sự quan tâm hỗ trợ thường xuyên trong dịp Tết, phường Khuê Trung còn kêu gọi một doanh nghiệp hỗ trợ gia đình bà 5 triệu đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường hỗ trợ 1 triệu đồng. Nhờ số tiền này, gia đình bà thuê đất nông nghiệp để sản xuất rau sạch. Sau một thời gian sản xuất rau sạch, mẹ con bà Kinh đã tích góp được một số tiền và hiện nay, gia đình bà đã mua được một mảnh đất nông nghiệp ở phường Hòa Thọ Đông để sản xuất rau. Nhờ đó, gia đình bà đã có thu nhập ổn định từ trồng rau sạch và vươn lên thoát nghèo…
Gia đình anh Hải và gia đình bà Kinh là một trong hàng trăm trường hợp ở Cẩm Lệ đã thoát nghèo nhờ chương trình đối thoại trực tiếp giữa chính quyền địa phương với các hộ nghèo. Với cách làm này, trong 2 năm 2010, 2011 trên địa bàn quận Cẩm Lệ có 194 hộ đặc biệt nghèo đã thoát nghèo, vượt 200% chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao. Đến cuối năm 2012 quận Cẩm Lệ không còn hộ đặc biệt nghèo còn sức lao động, chỉ có 47 hộ thuộc diện trợ cấp xã hội.
Để giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo và hộ nghèo thoát nghèo, ông Trần Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, quận đã đề ra nhiều giải pháp phối hợp, trong đó chú trọng đến việc phân công thành viên đứng điểm tại các phường để tìm hiểu cụ thể về hoàn cảnh, nguyện vọng, đề xuất của từng hộ. Từ đó, cùng với các chủ hộ tìm ra những giải pháp thiết thực gắn với từng việc làm cụ thể, như hỗ trợ phương tiện sản xuất, dụng cụ, bằng tiền mặt, hỗ trợ học bổng... Định kỳ hằng tháng, các thành viên đứng điểm và UBND các phường đến từng hộ cập nhật những biến động của từng hộ nghèo và đặc biệt nghèo để giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn, phương tiện sinh kế đã được hỗ trợ. Đối với các hộ thuộc diện bảo trợ xã hội không còn khả năng lao động, quận đã huy động mọi nguồn lực để giúp đỡ; trong đó chú trọng đến việc ổn định nơi ăn chốn ở và việc làm cho các gia đình. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, thiết thực và phù hợp với từng gia đình, nhờ đó, kinh phí giúp đỡ hỗ trợ cho các hộ đặc biệt nghèo tăng lên từng năm. Phường Hòa Xuân có mức hỗ trợ cao nhất ở quận Cẩm Lệ, bình quân 25,3 triệu đồng/hộ; phường Hòa Thọ Tây, bình quân 20,5 triệu đồng/hộ… Nhờ sát dân để lắng nghe và hỗ trợ thiết thực với hoàn cảnh từng gia đình, nên sau khi nhận được vốn và phương tiện sinh kế, hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn quận Cẩm Lệ sử dụng nguồn hỗ trợ hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh: VĂN NỞ