Lúc ầm ầm giận dữ thét gào, khi vỗ về dịu nhẹ với nhịp đập mơn man, những con sóng như nói thay cho tâm trạng của biển, của những vùng đất thiêng liêng ở phía đông đất nước. Và rồi, bất cứ ai khi ra biển, dập dềnh trên những chuyến tàu nơi khơi xa đều có thể cảm nhận, lắng nghe hơi thở của biển qua những đợt sóng nhấp nhô. Tình yêu với biển vì thế mà ngày một lớn dần. Tình yêu đó khiến cho bao người thà hy sinh thân mình, chứ nhất quyết không để biển, đảo quê hương rơi vào tay kẻ thù.
Đoàn cán bộ TP. Đà Nẵng bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa. Ảnh: M.C.M |
Khi theo những con sóng hiền hòa đưa tàu ra đảo Đá Tây (một đảo chìm trên quần đảo Trường Sa), hình ảnh ấn tượng đập ngay vào mắt những người đến từ đất liền là đôi chim bồ câu được nuôi ngay trong khuôn viên làm việc của các chiến sĩ Hải quân. Một hình ảnh quen thuộc nhưng sao đong đầy cảm xúc và thật nhiều ý nghĩa. Đôi chim bồ câu mang lại cho những vị khách phương xa một cảm giác bình yên đến khó tả, xua tan đi bao nhọc nhằn khi vượt sóng đến với đảo xa xôi và chỉ cần vậy thôi cũng đủ hiểu những người lính biên cương lúc nào cũng khát khao hòa bình. Và từng ngày từng giờ, họ kiên cường bám trụ nơi biển khơi xa, mỗi ngày mong cho con sóng thôi không giận dỗi để đưa những chuyến tàu từ đất liền ra đảo, sẻ chia bao tâm tư, tình cảm cùng những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương.
Nhưng, lắm lúc sóng khiến những người đến từ đất liền sợ hãi khi hất tung những chiếc xuồng nhỏ lên đỉnh sóng cao hơn một mét, rồi tiếp nước với sự va đập mạnh cùng bọt sóng phủ đầy. Sóng làm buồn lòng người khi không cho phép họ cập bến nhà giàn, để rồi tiếc nuối khi quay về mà chưa một lần được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người lính đang canh giữ thềm lục địa của Tổ quốc. Những lời nói thân tình, những thanh âm ngọt ngào của ca sĩ hay khúc ca oai hùng của lính biển chỉ có thể gửi gắm qua bộ đàm, hòa chung với sóng gió biển khơi và những giọt nước mắt nghẹn ngào, nuối tiếc của những người con đất liền khi không thể lên thăm nhà giàn.
Thế mới thấy, không phải lúc nào sóng cũng chiều lòng người. Sóng như cô gái tuổi đôi mươi, ồn ào mà dịu êm, đôi khi đỏng đảnh đến khó ưa nhưng lắm lúc tươi vui, nhẹ nhàng đến say lòng người. Nghe sóng hát sẽ thấy trong đó bao nhiêu lời tâm sự sâu lắng. Chỉ có sóng mới hiểu được rằng ở nơi biển khơi trùng điệp ấy, có biết bao người đang ngày đêm đau đáu nỗi nhớ quê hương và lắng sâu trong lòng tình cảm dành cho gia đình, người thân. Ngày cũng như đêm, sóng khắc ghi bóng hình những người lính đảo đang tuần tra, canh gác biển trời. Và chỉ có sóng mới đưa được những bông hoa tươi thắm, những lời nhắn gửi thân thương của bao người con đất Việt đến những anh hùng liệt sĩ đang nằm lại tại vùng biển quanh đảo Gạc Ma. Đảo nhỏ thiêng liêng ấy nhuộm máu những anh hùng đất Việt khi chiến đấu giành giữ mảnh đất này trước kẻ xâm lấn hung bạo và giờ đây, những niềm thương của người con đất liền chỉ có thể gửi gắm từ phía xa xa, không thể đến gần nơi các anh đã hòa mình cùng sóng nước. Khi chúng tôi thả những vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” xuống vùng biển Trường Sa để tưởng nhớ những người con đất Việt đã hy sinh trong trận chiến năm 1988 ở đảo Gạc Ma, trong tâm mỗi người đều thầm nguyện cầu những đợt sóng nhấp nhô sẽ cuốn vòng hoa này đến tận nơi các anh nằm lại. Hương hoa sẽ làm ấm lòng người đã khuất nhưng cũng góp thêm phần khẳng định với kẻ xâm lấn rằng người Việt không bao giờ quên những đau thương mà kẻ chiếm đảo gây ra.
Chia tay Trường Sa, trở về đất liền, những chuyến tàu mang nặng tình người lại nhấp nhô trên cánh sóng, bỏ lại sau lưng bao niềm thương mến, cảm phục sự quả cảm của những người con đang canh giữ biển trời quê hương. Giờ đây, mỗi lần nhìn những con sóng mơn man vỗ bờ, nỗi khắc khoải nhớ Trường Sa không bao giờ phai trong tâm trí những “vị khách” đã từng đặt chân đến vùng biển thiêng liêng này. Để rồi, chỉ mong thêm một lần nữa lại theo cánh sóng đến với Trường Sa, đến với nơi đất, trời, biển hòa làm một, nơi những người dân Việt vẫn ngày đêm bám trụ, giữ bình yên cho mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.
HÀ AN