1. Mấy tháng trước, vào Sài Gòn, tôi gặp lại ông hề già kiêm “cây bút trẻ” Mạc Can. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu gặp ông, khi đó Mạc Can được người ta đặc biệt chú ý với những vai tấu hài, vai hề trên màn ảnh. Và tất nhiên ông chưa nổi tiếng trong giới văn chương như bây giờ. Tôi nhớ khuôn mặt ông khi đó: thoạt nhìn đã thấy vui, lại thêm cái dáng đi lù khù nữa, còn nụ cười thì luôn hề hề… Nói chuyện với ông cả buổi, chỉ thấy ông kể toàn chuyện đời vui vẻ. Lần này gặp lại, vẫn dáng đi ấy, khuôn mặt ấy, nụ cười ấy… nhưng nhìn sâu trong mắt ông thấy không còn cái vẻ nhàn như xưa nữa. Cứ một lúc một lại thấy chiếc điện thoại di động của ông kêu tít tít. Chỉ nghe những câu trả lời của ông qua điện thoại cũng biết đó là công việc, khi thì đoàn làm phim hỏi ông về bộ dao để “hành nghề phóng dao” trong phim; khi thì ông chủ Kiến Vàng thúc giục tập truyện tranh con nít; khi thì một nhà sách ở Hà Nội hối ông về tập sách kinh dị, hỏi ông viết đến đâu rồi. Trong những câu chuyện luôn bị đứt quãng như thế, Mạc Can vẫn còn kịp khoe rằng tập tiểu thuyết Phóng viên mồ côi ông viết xong nhưng không ưng ý, nên xé đi viết lại, giờ được hơn 300 trang...
Mạc Can không học trường lớp văn chương nào, nhưng ông bén duyên và bị văn chương chữ nghĩa cuốn hút. Cuốn hút đến mức, dù mới vào “nghề” nhưng ông có thể viết từ tin tức văn nghệ trên báo, qua truyện tranh, qua truyện ngắn, qua tiểu thuyết và đến tạp bút - một thể loại mà ông mới chợt yêu khi thấy thời gian này rộ lên mấy cuốn tạp bút vui vui. Nhưng “ông hề” bảo: “Tôi không thể viết được như mấy người kia, tôi thích nên viết theo cách của tôi”. Ngày, ông đi giải quyết mấy “sô” tấu hài rồi loanh quanh mấy quán cà-phê quen thuộc ở Sài Gòn để gặp gỡ bạn bè bên ly… trà đá. Tối, ông chong đèn ngồi viết trả nợ các “sô” văn chương, chán cái này nhảy qua viết cái khác. Văn chương ông viết ra, nhiều người rất thích, nhiều người thì chưa. Tất nhiên thôi. Vì đến sách của tác giả đoạt giải Nobel văn chương mà dịch, in ở xứ mình thì nhiều người - thậm chí cả người trong giới - còn không thích kia mà. Nhưng Mạc Can dường như không mấy bận lòng với những lời bàn tán. Ông vẫn lắng nghe thấy tiếng mọi người đấy thôi. Và ông im lặng. Và ông mỉm cười. Tôi luôn nghĩ, đó là cái cười và sự im lặng của một người “nếm” đời nhiều lắm. Ông nói với tôi rằng, ông viết văn không phải để kiếm tiền, cũng không phải để nổi tiếng hơn. Tôi nghĩ và nói với ông rằng ông đang bị con chữ xoay đến chóng mặt. Nghe nói thế, trong một khoảnh khắc thật lòng nhất, mắt ông nhìn chậm đi, không cười, không nói. Ông chỉ gật gật cái đầu.
2. Chị làm ở một cơ quan truyền thông có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn nhất nước, nên công việc vì thế bận rộn vô cùng. Chị bảo, công việc cơ quan, bổn phận của một người con, một người vợ, trách nhiệm của một người mẹ nên dường như chẳng có… phút nào sống cho riêng mình. Đến thói quen gửi tin nhắn một thời bây giờ cũng bỏ. Còn người khác mà nhắn tin cho chị ư? Đa phần là không trả lời, ai “may” thì nhận được những từ đơn giản nhất. Lúc đầu, tôi không quen, nên thường trách chị. Chị bảo, nên thông cảm, vì công việc nó bắt chị phải thế. Thậm chí, nhiều khi người khác gọi còn không kịp nghe nữa là… Mỗi lần gặp, bao giờ cũng thấy chị kêu công việc bận kinh khủng, thiếu thời gian, và mỏi mệt. Đến nỗi, chị vẫn còn “nợ” tôi nhiều thứ... Bởi, chúng tôi gặp nhau, lần nào cũng vội…
Rồi một ngày, có tin nhắn của chị “rơi” vào máy điện thoại của tôi: “Chị thấy đúng là hâm thật. Làm việc nhiều như thế để làm gì kia chứ…”. Tôi giật thót người. Một người Việt trẻ yêu nghề, luôn hối hả như chị đã bắt đầu có suy nghĩ “làm việc nhiều như thế để làm gì” rồi ư?... Thì ra không phải thế. Chỉ vì chị có những cảm nhận khác khi thoát khỏi vòng quay thường nhật, bước lạo xạo trên lối đi rải nhiều đá cuội của chùa Từ Hiếu (Huế), lắng nghe những thanh âm rất nhẹ của bước chân thiền sư, và nhất là sau khi đã đọc xong hai cuốn sách: Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức…
3. Ở thành phố, hầu hết những đứa trẻ đã bị tước đi chuyện chơi những trò chơi con trẻ chỉ vì… thiếu thời gian.
Ở thành phố, chỉ mất điện 15 phút - nhất là mùa hè - đã thấy vô cùng khó chịu. Phòng chật, người đông, hiệu ứng nhà kính,…
Ở thành phố, một lúc nào đó, bật máy tính lên, bị “rớt mạng”, không vào được Skype, không check được email, không lên facebook, người chợt bần thần, chợt cảm thấy thiếu vắng, thấy cô đơn, thấy hụt hẫng, như là bị bỏ rơi, như là bị out khỏi vòng quay của… trái đất.
Ở thành phố, ngày mỗi ngày, chúng ta bị chi phối lúc nào không hay bởi những cụm từ đại loại như: ăn nhanh, tàu tốc hành, máy bay, nhịp sống số, đường truyền tốc độ cao, điện thoại di động…
4. (…)
5. Cả “ông hề”, cả chị, cả bọn trẻ con thành phố, cả tôi và nhiều người khác nữa có những điểm khác nhau nhưng cũng lại rất giống nhau. Không hiểu sao lúc này tôi cứ nghĩ rằng công việc, cơ hội, sự kỳ vọng, những phương tiện hiện đại quấn quanh mình (như laptop, Internet, cầu thang máy, điện thoại di động…) đang giam hãm chúng ta trong chiếc lồng ngọt ngào và cô độc có tên “Bận Rộn”. Trên trái đất này, có một thứ mà Thượng đế công bằng với tất cả mọi người, để chúng ta luôn luôn bình đẳng với nhau: mỗi ngày đều có 24 giờ! Có một điều mà tôi chợt nhận ra từ bè bạn, từ bọn trẻ con, từ 15 phút mất điện, từ chuyện rớt mạng sáng nay,… rằng, tất cả là do thói quen, do ta đã tự cho “công việc”, cho “điện”, cho “mạng”… những quyền lực quá lớn, để tự ta lại biến mình thành “nô lệ”.
Từ nay, tôi sẽ tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo quê xứ nghèo, tập đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường thay lá, tập sống chậm lại, chậm lại để nhận thấy tình đời - tình người lấp lánh bên tôi.
Tôi còn rất trẻ. Tôi nghĩ thế có phải tôi đã già? Dẫu có là như thế, tôi vẫn tập để sống chậm, từng ngày.
MAI HOÀNG