.

Sống nhờ... người đã khuất

.

(ĐNĐT) - Hằng ngày ở nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nơi ít ai muốn đặt chân đến, vẫn thấy bóng dáng hàng chục người phụ nữ đang tất bật quét dọn, lau chùi, thắp hương, đốt củi… sưởi ấm cho người đã khuất. Họ coi đây như cái nghiệp để mưu sinh.

Nghề toàn phụ nữ

Lúc chúng tôi đến nghĩa trang Hòa Sơn là 17 giờ, vì không phải ngày mồng một hay rằm nên không có nhiều người thắp hương ở những ngôi mộ trong nghĩa trang. Chỉ có lác đác bóng dáng những người phụ nữ đang cần mẫn lau chùi, dọn dẹp, thắp hương, đốt đèn dầu… cho những ngôi mộ được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Ở nghĩa trang này, ngày càng có nhiều ngôi mộ mới nên những người phụ nữ làm nghề “chăm người chết” lại có thêm việc để làm.

Chị Hào (ở xã Hòa Sơn) - người đã gắn bó với công việc này hơn 3 năm cho biết: Trước khi đến với nghề “chăm người chết”, chị đã làm công nhân ở KCN Hòa Khánh, nhưng hồi ấy lương công nhân bèo bọt quá. Làm việc quần quật cả ngày mà vẫn không kiếm đủ tiền trang trải những chi phí thiết yếu. Nghe người bạn giới thiệu công việc quét dọn mộ trong khu nghĩa trang Hòa Sơn nên chị đã làm đơn xin gia nhập đội “chăm người chết”. “Ngày đầu tiên làm công việc này cũng thấy sợ lắm. Xung quanh không có gì khác mà toàn là những ngôi mộ. Mỗi lần thắp hương, lau chùi bia mộ, những tấm ảnh trên bia của người đã khuất cứ như chăm chú nhìn và mỉm cười với chúng tôi. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ thôi thì làm tạm, chờ kiếm công việc khác chứ ai mà “chôn thân” ở nơi đất chết này. Nhưng làm mãi thành quen, không ngờ có thể gắn bó với công việc này cho đến ngày nay”, chị Hào tâm sự.

da
Các phần mộ ở nghĩa trang Hòa Sơn luôn sạch đẹp nhờ có sự "chăm sóc" của những người phụ nữ làm nghề "chăm người chết"

Đang dọn dẹp cho một ngôi mộ, chị L. cho chúng tôi biết: "Tôi làm việc tại nghĩa trang này đã được 7 năm, mọi người cứ nghĩ làm việc bên người chết là sợ, chứ chúng tôi quen rồi, hằng ngày phải đi "tuần", trò chuyện bên những ngôi mộ, công việc làm miết rồi thành quen. Ngày nào mà không đến nghĩa trang là thấy "nhơ nhớ". Nghề này tuy thu nhập không ổn định nhưng cũng còn hơn khối nghề khác. Tháng nào nhận được nhiều mộ thì thu nhập cũng kha khá. Còn nhận ít thì cũng đủ ăn”. Thế chị làm ở đây lâu năm đã khi nào gặp ma chưa? - Tôi hỏi đùa. “Làm nghề này lâu rồi nên quen, mồ mả cũng thành bạn. Cũng muốn "gặp" lắm nhưng gần 7 năm làm ở đây có thấy chi đâu”, chị L. cho hay.

Chỉ mong người đã khuất khỏi chạnh lòng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở nghĩa trang Hòa Sơn có 9 người phụ nữ làm nghề “chăm người chết” và được chia làm 2 đội. Mỗi đội đều được phân công chăm sóc phần mộ theo từng khu vực. Ở đây không có chuyện tranh giành phần mộ chăm sóc, mà tất cả mọi người đều phải tuân thủ theo quy định. Ngoài ra, giá cả chăm sóc phần mộ cũng phải theo quy định đề ra, như: đốt củi sưởi ấm cho phần mộ là 70.000 đồng/ngày; thắp nhang, đốt đèn dầu, quét dọn, lau chùi mộ là 200.000 đồng/tháng.

Len lỏi vào sâu nghĩa trang, chúng tôi tìm gặp chị Thủy, người đã có thâm niên trong nghề “chăm người chết” tại nghĩa trang Hòa Sơn. Đầu đội chiếc nón cũ đã ngả màu bạc vì nắng, chị tâm sự: Công việc của tôi ở đây là đốt củi, thắp hương, thắp đèn dầu, quét dọn và lau chùi mộ cho mới, sạch đẹp. Làm công việc này mãi cũng quen, suốt ngày ngồi đối diện với những tấm bia, làm bạn với những ngôi mộ, nhiều người thấy sợ, còn tôi thì lại thấy vui. Có những tháng cao điểm, tôi nhận “chăm sóc” vài chục ngôi mộ. Mỗi ngôi mộ nhận “chăm sóc” từ quét dọn đến thắp đèn, thắp nhang là 200.000 đồng/tháng.

"Ngoài kiếm tiền, lúc dọn xong, nhìn ngôi mộ khang trang mình cũng vui. Dù không thuộc “biên chế”, chỉ dọn thuê khi các chủ mộ yêu cầu nhưng hằng ngày nếu không có ai thuê, chị em chúng tôi vẫn dạo quanh cả khu nghĩa trang, lau chùi, thắp hương cho từng phần mộ. Khi người nhà đến thăm mộ, biết chị lau dọn, có người cho chị vài đồng, người cho quà bánh, trái cây...”, chị Thủy  nói.

Trời đã về chiều, lác đác những người đi thăm mộ người thân đã lên xe trở về thành phố, nhưng bóng dáng những người phụ nữ sống nhờ "người đã khuất" vẫn len lõi quanh nghĩa trang, cần mẫn quét dọn, thắp hương, đốt củi bên những ngôi mộ. Ngoài sự tận tâm với nghề sau thời gian dài gắn bó, các chị thấy mình như có trách nhiệm với những người đã khuất, vì vậy, để "người âm" khỏi "chạnh lòng", những ngôi mộ mà con cháu đi xa tận miền Nam, miền Bắc hay nước ngoài vẫn được những người phụ nữ ở đây chăm sóc không công, cần mẫn, liên tục qua nhiều năm tháng.

Bài và ảnh: Hoài Phong

 

 

;
.
.
.
.
.