Công tác tại một tờ báo Đảng, tôi tâm niệm một điều, nghề báo luôn cần thông tin chính xác, hấp dẫn, khách quan, tránh lặp lại lối mòn, lá cải hóa và được bạn đọc tín nhiệm.
Phóng viên tác nghiệp tại Hội báo xuân 2013. Ảnh: M.TRÍ |
Tránh “lá cải hóa”
Tính chính xác là yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ bài báo nào, lớn hay nhỏ, dài hay ngắn. Phải chính xác trong từng chi tiết. Mọi cái tên phải được phát âm thật chuẩn. Mọi câu trích dẫn phải đúng với những gì đã được nói. Mọi dãy số phải được cộng lại. Điều đó vẫn còn chưa đủ. Bởi, bạn có thể lấy các chi tiết đúng và vẫn gây ngộ nhận nếu bạn không đặt đúng bối cảnh. Cùng một câu nói có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau, phụ thuộc vào tình huống nó được phát ngôn và lối diễn đạt trong khi nói.
Nghề báo cũng như thể thao, ngay cả với phóng viên cẩn thận nhất hay vận động viên giỏi nhất cũng có khi phạm sai lầm. Trong khi đó, tính công bằng, khách quan đòi hỏi người viết phải nỗ lực để tránh thành kiến trong cách tường thuật bài viết của mình.
Là phóng viên viết chuyên đề cho tờ Đà Nẵng cuối tuần, tôi được dạy rằng, mọi thông tin trên báo Đảng phải là thông tin chính thống, tránh tuyệt đối nguồn tin “lá cải hóa” để câu khách. Viết chuyên đề, nội dung thường “nguội”, đi sau sự kiện, vậy làm thế nào để bài viết vẫn hấp dẫn bạn đọc là điều mà tôi cùng đồng nghiệp luôn đặt ra và đi tìm lời giải trong từng bài viết của mình. Đi sau, nên phải đi nhiều. Đi để tìm ra “vấn đề mới” cho “bài viết cũ” là điều mà chúng tôi hướng đến.
Phụ trách một bài viết trong chuyên mục Thông tin giải trí của báo, tôi thường xuyên bị “đói” thông tin. Bởi tôi hiểu, không thể đưa vào báo Đảng câu chuyện đời tư ca sĩ, diễn viên, những scandal tai tiếng hay đơn giản là chuyện ăn mặc của người nổi tiếng để “câu khách”. Ngoài ra, ở Đà Nẵng, nhà hát thành phố lại “nghèo” chương trình biểu diễn; rạp chiếu phim kém hấp dẫn; chương trình ca nhạc ở phòng trà thì nhỏ giọt, thiếu tính chuyên nghiệp, sân khấu biểu diễn quần chúng hầu như không có… Trong khi đó, báo đến ngày vẫn phải ra sạp. Nhiều trường hợp, để “chữa cháy”, tôi chọn cách viết giải trí theo dạng tổng hợp, xâu chuỗi nhiều sự kiện nhỏ, hoặc giới thiệu một số album ca nhạc, chương trình truyền hình thực tế có chất lượng để giới thiệu đến độc giả.
Được bạn đọc tín nhiệm
Thời gian bước vào nghiệp báo chưa nhiều, nhưng đi đâu, làm gì, tôi vẫn luôn xác định mình là phóng viên báo Đảng để có cách hành xử thế nào cho đúng. Không chỉ giữ “hình ảnh” cho mình, mà còn cho tờ báo mình đang công tác.
Để trở thành nhà báo được bạn đọc tín nhiệm, điều đó không dễ. Bởi bạn đọc ngày nay rất thông minh và có nhiều kênh thông tin để kiểm tra những gì nhà báo đưa ra có thật sự chính xác, khách quan. Chưa kể, nhà báo phải có lối viết hay, thu hút, một cây bút có bản sắc, có chỗ đứng riêng trong lòng độc giả. Tuy nhiên, đó chỉ mới là sự tín nhiệm trên câu chữ. Còn với “người phát ngôn” và độc giả, nhà báo được tín nhiệm phải bao gồm cả yếu tố ứng xử, cách khai thác tư liệu thông minh, dí dỏm, tạo được sự tin cậy để nhân vật trải lòng mà không e dè, lo lắng. Đó còn là sự tôn trọng đạo đức nghề nghiệp.
Trong cuốn Information Anxiety (Mối lo thông tin), tác giả Richard Saul Warman nói rằng, hầu hết tin tức có thể chia ra thành 3 loại: tin mang lại hy vọng; tin về những chuyện lạ lùng tới mức vô lý và tin về các thảm họa. Nhà báo thường hay nhấn mạnh đến những chuyện lạ lùng và thảm họa, còn người đọc lại đói niềm hy vọng. Thông tin chưa phải là sản phẩm có giá nhất. Sự thông cảm là điều thiết yếu nhất để truyền thông có hiệu quả. Khi nhà báo tập trung tường thuật những vấn đề có liên quan và hữu ích thì rất có thể họ đã chuyển tải được sự cảm thông. Không có điều đó, độc giả sẽ bị trôi trượt và có khi bị chết đuối giữa biển thông tin ngày càng thăm thẳm.
Giữa tháng 5, có mặt trong đoàn công tác, thăm các đơn vị báo bạn ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội do nhà báo Trương Ngọc Phương, Phó tổng Biên tập Báo Đà Nẵng dẫn đầu, tôi đã cảm nhận đầy đủ sự ân cần, niềm nở của những anh, chị đồng nghiệp mà trước đó chưa một lần gặp mặt. Như câu nói vui mà nhà báo Trương Ngọc Phương thường nói với nhóm phóng viên trẻ chúng tôi: “Anh em làm báo địa phương trên cả nước, dù chưa một lần gặp mặt nhưng hễ gặp là tình thân như bát nước đầy”.
Báo Đà Nẵng đã tạo nên một diện mạo riêng, mang tính thời sự, định hướng cao, tiếng nói riêng đầy tính nguyên tắc của dòng thông tin chính thống, là kênh thông tin tin cậy đối với các cơ quan lãnh đạo Đảng và nhân dân thành phố. Và, cứ mỗi dịp 21-6 về, tôi lại hồi hộp chờ đợi những ghi chép, những tình cảm, kể cả những dòng chê trách của độc giả gửi về tòa soạn, để thấy rõ hơn trách nhiệm của người cầm bút, và thấy yêu hơn những năm tháng với nghề.
HUỲNH LÊ