Từ ngày 18 đến 23-7, Đoàn Thanh niên thành phố Đà Nẵng gồm 70 tình nguyện viên (TNV) là các thầy thuốc trẻ, cán bộ, công nhân viên, sinh viên, thầy giáo tham gia chiến dịch tình nguyện tại hai tỉnh Atapu và Sekong... đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Trải qua một ngày dài ngồi trên xe, vượt qua quãng đường hơn 400km, cuối cùng chúng tôi cũng đến được trung tâm tỉnh Sekong trong niềm háo hức xen lẫn tò mò. Sekong là tỉnh nghèo nhất của Lào với mật độ dân số chỉ 8 người/km2, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Vì quá đông người, có lúc các tình nguyện viên ngồi bệt trên nền nhà để hướng dẫn người dân cách sử dụng thuốc. |
Cháy hết mình cho hành trình tình nguyện
Dù mới trải qua một ngày dài khá mệt mỏi nhưng ngay từ 5 giờ sáng hôm sau, cả đoàn đã thức dậy, chuẩn bị hành trang để bước vào ngày làm việc đầu tiên tại bản Đàn (huyện La Mam, tỉnh Sekong). Đây là một trong những bản nghèo nhất của huyện La Mam với diện tích khoảng 134ha, toàn bản có 150 hộ gia đình, trong đó gần 20 hộ nghèo, trẻ em chiếm từ 30 - 40% dân số toàn bản, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông.
Đi theo hỗ trợ cho đoàn là 5 phiên dịch viên với những cái tên Lào nghe thật lạ tai: Kẹo, Căng, Saichay, Mêm... Khi chúng tôi đến, hầu hết người dân đã tập trung tại ngôi chùa chính của bản. Tại xứ sở của Phật giáo này, bản, làng nào cũng có một ngôi chùa, nó không chỉ là ngôi nhà chung để họ đi lễ hằng ngày, chứng kiến giờ phút sinh - tử của mỗi người mà còn là niềm tự hào, thể hiện tiềm lực kinh tế của địa phương. Bản Đàn nghèo nên ngôi chùa cũng đơn sơ, chỉ vài tấm gỗ dựng lên trên nền xi-măng, xung quanh là nền đất gồ ghề, cỏ mọc xanh um. Không có đủ bàn ghế, các TNV phải tận dụng ngay chiếc bàn đá đặt cạnh gốc cây phía sau chùa làm nơi đo huyết áp.
Vui mừng khi đón đoàn thanh niên tình nguyện từ Đà Nẵng sang, Trưởng bản Khăm Xong Khăm Xa Nhưn bày tỏ: “Đây là lần thứ hai bản đón đoàn Việt Nam sang khám bệnh cho người dân, chúng tôi rất phấn khởi. Cảm ơn các anh chị rất nhiều!”.
Ông Khăm Xong cũng cho biết thêm, bản Đàn nghèo nên người dân ít được chăm sóc y tế. Có người từ lúc sinh ra đến khi về với đất mẹ chưa một lần được khám chữa bệnh. Hiếm khi được khám bệnh và nhận thuốc miễn phí nên hầu hết người dân dù ở xa 2 - 3 cây số vẫn đi bộ đến. Mới hơn 6 giờ sáng, anh Dê (20 tuổi) đã cõng bố bị liệt hai chân vì bệnh khớp đi bộ gần 2 cây số đến. Anh Dê cho biết, bố anh bị khớp gần 10 năm nhưng vì nhà nghèo, không có điều kiện chữa trị, 2 năm nay bệnh nặng thêm, giờ thì không đi lại được nữa. Qua thăm khám, anh được bác sĩ tư vấn nên chuyển bố về bệnh viện tuyến trên để chữa trị. Đắn đo một lúc, anh chỉ xin bác sĩ ít thuốc giảm đau rồi ra về. Nhìn ánh mắt ánh lên tia hy vọng rồi trở nên thất thần của anh Dê, chúng tôi biết rằng, cơ hội chữa trị bệnh cho bố anh thật mong manh, bởi gia đình anh là một trong những hộ nghèo nhất bản.
Cách bản Đàn gần 10km là bản Kongtadun (huyện Ta Leng, tỉnh Sekong). Tại đây, số lượng người dân đến khám đông gấp 3 lần ngày đầu tiên với gần 2.000 người. Trong ngôi chùa của bản, người lớn, trẻ em ngồi đợi la liệt. Những đứa trẻ được bố, mẹ địu trên lưng hoặc trước bụng, hết ngủ lại thức dậy chơi rồi ngủ lại.
Tại mỗi điểm, thuốc, gạo và những phần quà (gồm mì chính, dầu ăn, nước mắm) nhanh chóng được các TNV chuyển từ trên xe xuống. Hai ngày làm việc diễn ra trong không khí rộn ràng, hối hả. Các TNV quay cuồng khám bệnh, phát thuốc, anh em nhiệt tình làm việc đến quên cả đói và mệt. Trừ đội ngũ bác sĩ trực tiếp khám bệnh, còn lại các TNV đều phải đứng hơn 8 tiếng đồng hồ để phát thuốc và hướng dẫn người dân cách sử dụng thuốc. Có lúc vì quá mệt, họ ngồi bệt luôn xuống nền nhà. Không đủ phiên dịch viên, chúng tôi phải tự học tiếng Lào, cứ 3-4 TNV thì có một bảng “từ điển dã chiến”, trong đó là những tiếng Lào được phiên âm qua tiếng Việt. Từ những người không có kiến thức về thuốc men, không biết một chữ tiếng Lào, chúng tôi trở thành những “dược sĩ” phát thuốc và hướng dẫn người dân sử dụng rất… chuyên nghiệp. Suốt cả hai buổi làm việc, chúng tôi chỉ biết lặp đi lặp lại những cụm từ: nâng mi tăng xạo (sáng uống một viên), tai len kim nâng mít (chiều uống một viên), nưng mít (ngày uống 1 viên), chim xẻo la (uống sau khi ăn no), tha (thoa lên), khẩu chay, leo (xong rồi)… Có những đơn thuốc, vì phát âm không chuẩn, chúng tôi phải dùng cả ngôn ngữ cơ thể thì người dân mới hiểu được. Đôi lúc các TNV trở nên lúng túng nhưng cảm giác đó qua nhanh khi chúng tôi nhận được nụ cười và cái nắm tay đầy cảm thông, chia sẻ của người dân nơi đây. Mọi khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ, đều xóa tan, chỉ còn lại tình người thật ấm áp…
Lần thứ hai tham gia tình nguyện tại Lào, bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết: “Rút kinh nghiệm từ lần trước, năm nay số thuốc đoàn mang theo nhiều và đặc trị hơn. Qua mỗi chuyến đi, bản thân tôi cùng anh em trong đoàn muốn làm nhiều hơn nữa để góp một phần nhỏ bé giúp bà con ở đây bớt đau đớn vì bệnh tật”.
Tăng cường tình hữu nghị Việt - Lào
Những ngày ở tỉnh Sekong, đoàn thanh niên tình nguyện chúng tôi nhận được sự đón tiếp, hỗ trợ rất nhiệt tình của Tỉnh Đoàn Sekong cũng như người dân địa phương. Ngoài chương trình khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho người dân tại hai bản Đàn và Kongtadun, đoàn còn có nhiều hoạt động giao lưu với thanh niên tỉnh Sekong như đá bóng, văn nghệ. Trong số 70 TNV tham gia chuyến đi tình nguyện quốc tế lần này, 2/3 số thành viên đi lần đầu tiên nên ai cũng chung cảm xúc hồi hộp, tò mò xen lẫn háo hức.
Từng có mặt trong nhiều chuyến đi tình nguyện ở trong nước, với bác sĩ Nguyễn Thị Trà Lộc (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), hai ngày làm việc tại tỉnh Sekong đã để lại những dấu ấn đặc biệt: “Mình cảm thấy rất tự hào vì được đại diện cho thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Đà Nẵng nói riêng làm công tác tình nguyện trên đất nước bạn. Một chuyến đi tuyệt vời và nhiều ý nghĩa”.
Anh Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Đà Nẵng, Trưởng đoàn thanh niên tình nguyện tại Lào cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng vì chuyến công tác thành công ngoài mong đợi. Ngoài phần việc tình nguyện, chuyến đi là cơ hội để thanh niên Đà Nẵng hiểu biết thêm về đất nước và con người Lào, cũng như ý thức hơn trong việc giữ gìn và bồi đắp thêm mối quan hệ anh em thân thiết giữa hai đất nước”.
Sự cởi mở, thân thiện của thanh niên hai tỉnh, thành phố Đà Nẵng - Sekong đã góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào. Mối quan hệ này càng thêm keo sơn khi Sekong và Atapu là hai trong 5 tỉnh kết nghĩa với Đà Nẵng.
Ngày khám bệnh, phát thuốc cuối cùng kết thúc khi trời đã về chiều, chúng tôi chia tay những người dân hiền lành, chất phát ở bản Kongtadun khi cơn mưa chiều bất ngờ ập xuống. Trên xe, chúng tôi nhìn thấy một số người dân đến muộn, nét mặt hiện rõ sự tiếc nuối. Tạm biệt Sekong, chúng tôi mong một ngày trở lại để được làm những việc ý nghĩa hơn cho người dân nơi đây.
Sau khi trở về Đà Nẵng, chúng tôi nhận được thông tin: Qua tư vấn của các bác sĩ trong đoàn tình nguyện, có một bệnh nhân Lào vượt hơn 400km về Đà Nẵng để chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA