.
Khe Đương - Bao giờ hết khổ vì vàng?

Bài 1: Theo chân phu vàng

.

Tin đồn người dân liên tiếp trúng vàng ở Khe Đương thuộc địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) lan rộng, khiến hàng nghìn phu vàng từ khắp nơi đổ về Khe Đương với mong muốn thay đổi số phận. Một lần nữa, ở Khe Đương lại dấy lên nỗi khổ - không chỉ của phu vàng mà của cả ngành chức năng và chính quyền địa phương khi phải loay hoay trong việc quản lý bãi vàng này cũng như tài nguyên, khoáng sản của thành phố.

Bên trong một đường hầm ở Khe Đương. Từ đường hầm này có hàng chục ngõ ngách tỏa khắp các hướng trong lòng đất (ảnh lớn). Các phu vàng nghỉ ngơi tại ngã ba “Đông Dương” để tiếp sức cho cuộc hành trình tìm kiếm vàng.
Bên trong một đường hầm ở Khe Đương. Từ đường hầm này có hàng chục ngõ ngách tỏa khắp các hướng trong lòng đất.

Hơn hai tháng nay, cả thanh niên trai tráng lẫn phụ nữ chân yếu tay mềm bản địa đến các vùng lân cận như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và cả cánh săn vàng ngoài Bắc cứ ùn ùn đổ về Khe Đương để nuôi giấc mơ đổi đời nhờ vàng.

Gian nan đường vào

Theo chân những phu vàng ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) vào giữa tháng 8, phóng viên Báo Đà Nẵng đột nhập vào khu vực tiểu khu 27 và 29 rừng Hòa Bắc để tận mắt chứng kiến cảnh khai thác vàng trái phép đang diễn ra tại đây.

Con đường độc đạo từ ngã ba khu vực cầu Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc) hướng lên phía núi vào bãi vàng Khe Đương chỉ vỏn vẹn chưa đầy 8 cây số, thế nhưng chúng tôi cùng “con ngựa sắt” đã phải mất tới cả buổi lội suối, vượt đèo mới đặt chân đến được bãi vàng Khe Đương.

Dẫn chúng tôi men theo con đường độc đạo này, anh M. (phường Hòa Khánh Bắc), người từng có thời gian “tung hoành” ở bãi vàng Khe Đương, bộc bạch: “Trước đây, Khe Đương ít người ra vào lắm, họa may chỉ có cánh săn thú rừng mới dám lội suối, vượt đèo ra vào khu vực này. Nhưng kể từ khi tin đồn người dân liên tiếp trúng đậm vàng lan rộng, đoàn người lũ lượt xe máy, cuốc bộ, cắt rừng tìm về tiểu khu 27, 29 Khe Đương để “săn” vàng. Nhiều người còn thuê cả xe tải chở máy móc, đồ ăn, thức uống vào bãi vàng để cắm chốt khai thác dài ngày”.

Các phu vàng nghỉ ngơi tại ngã ba “Đông Dương” để tiếp sức cho cuộc hành trình tìm kiếm vàng.
Các phu vàng nghỉ ngơi tại ngã ba “Đông Dương” để tiếp sức cho cuộc hành trình tìm kiếm vàng.

Đi được khoảng 3km, thấy chúng tôi có vẻ thấm mệt, anh M. trấn an: Gắng lên mấy chú, đến ngã ba “Đông Dương” - nơi giới làm vàng vẫn gọi cửa rừng Khe Đương, mấy chú sẽ được trò chuyện với cả chục phu vàng để lấy tư liệu viết bài. Quả thật, đến ngã ba “Đông Dương”, lúc này đã có tới cả chục phu vàng mang theo xẻng, búa, rìu, lương thực… ngồi nghỉ ngơi hút thuốc bàn ra tán vào về chuyện T., H…, những thanh niên ở Hòa Liên mới trúng đậm vàng.

Lân la hỏi chuyện về người dân ở xã Hòa Liên mới đây trúng đến cả 16kg vàng, một phu vàng tên Q. cất giọng: “Làm gì mà đồn ác vậy! Chuyện người dân trúng vàng ở Khe Đương không phải là không có, nhưng như đồn thổi cách đây khoảng hai tháng có người ở xã Hòa Liên trúng đến 16kg vàng ở Khe Đương là hoàn toàn không có. Ở Khe Đương này nát lắm rồi, chủ yếu là moi vàng sa khoáng tận thu. Mọi người ở nhà cũng chẳng biết làm gì nên mấy anh em tự góp vốn mua máy bơm nước rồi vào đây dặt dẹo kiếm tý mua gạo ăn qua ngày. Vàng ở dưới đất thì chẳng ai biết đâu mà lần.Vì thế nên mỗi khi bãi vàng Khe Đương bị “bỏ hoang” thì khu vực này lại trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút giới “săn” vàng đến từ khắp mọi nơi. Dẫu biết lao vào Khe Đương làm vàng là rất nguy hiểm, nhưng nếu lao động tích cực, mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/người. Biết đâu ông trời thương, cho trúng đậm vàng thì đổi đời ngay”.

Người dân tự phát đãi quặng, xái của Công ty Trường Sơn bỏ lại trong tiểu khu 27 và 29 ở rừng Hòa Bắc để tìm kiếm vàng.
Người dân tự phát đãi quặng, xái của Công ty Trường Sơn bỏ lại trong tiểu khu 27 và 29 ở rừng Hòa Bắc để tìm kiếm vàng.

Hỗn loạn Khe Đương  

Đến Khe Đương, trước mắt chúng tôi như một “trận địa”: các căn lều tạm lụp xụp, xiêu vẹo dựng chênh vênh bên các vách núi; tiếng máy nổ rền vang, xé toạc không khí âm u cả khu rừng rộng lớn. Quan sát cho thấy, con số phu vàng gồm cả thanh niên, phụ nữ cũng lên đến vài chục người, chưa kể những người đang đào khoét trong hầm vàng. Đội quân phu vàng ở đây cũng được phân công công việc cụ thể. Người vào hầm đào đất, người căng mắt đãi vàng sa khoáng… Số ít người chỉ làm nhiệm vụ “chỉ tay 5 ngón” và cảnh giới, báo tin khi các đoàn kiểm tra xuất hiện.

Anh Bình (quê Thái Nguyên), nhân viên Công ty CP Tư vấn và đầu tư Bông Sen Vàng (Công ty Bông Sen Vàng) - doanh nghiệp đang chờ thành phố Đà Nẵng cấp phép cho khai thác vàng tại khu vực Khe Đương, cho biết: “Chúng tôi được công ty cử vào đây được hơn 1 tháng để bảo vệ máy móc, tài sản công ty mua lại của Công ty TNHH Trường Sơn (doanh nghiệp trước đây khai thác vàng tại khu vực Khe Đương - P.V) chứ chẳng phải làm gì cả. Ban đầu vào đây cũng sợ lắm vì những người khai thác vàng chuyên dùng mìn phá đất, đá. Mỗi ngày, các mũi hầm khoét sâu vào lòng núi cả chục mét. Cứ nghe tiếng nổ là hết cả hồn”.

“Vậy tại sao mấy anh không báo chính quyền địa phương?”, chúng tôi hỏi. “Chính quyền địa phương lên đến nơi thì họ cũng cao chạy xa bay rồi”, Bình trả lời. Thấy tôi nhắc đến hai chữ “chính quyền”, một phu vàng tiến sát lại nói: “Dân làm vàng ở đây đâu có ngán mấy ông dân phòng, Công an xã… Chú em đừng nhắc đến chính quyền, anh T. mà nghe được là mệt đấy. Nói thật, chẳng qua chú em quen với anh M. nên anh mới nhắc nhở, chứ thằng khác anh cho vài bạt tai rồi”.

Cũng theo lời của phu vàng này, cách đây ít bữa có đến cả trăm người ở khắp mọi nơi kéo về đây tìm vàng nhưng chỉ vì không biết quy định ở đây nên đã xảy ra cảnh hỗn chiến giữa người dân và giới bảo kê bãi vàng. Chỉ đến khi có sự xuất hiện của anh T. thì bất kỳ ai muốn lên đây khai thác vàng đều phải tuân thủ theo “quy định”. Còn nếu ai trái lệnh sẽ bị xử theo “luật rừng” ngay.

Mặc dù các đội liên ngành Hòa Vang tuyên bố sẽ cắm chốt chặn, truy quét đội quân “vàng tặc” tại khu vực Khe Đương, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trên tuyến đường độc đạo dẫn vào bãi vàng Khe Đương vẫn không thấy có một chốt chặn nào được dựng lên; thậm chí ngay ở bãi vàng Khe Đương cũng chẳng thấy bóng dáng lực lượng chức năng. Về vấn đề này, ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc thừa nhận, người dân xã Hòa Bắc tuy cũng có tham gia “săn” vàng nhưng vì không chuyên nghiệp nên số lượng người lên Khe Đương tìm vàng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên, từ khi người dân các nơi đổ về Khe Đương đào đãi vàng thì đó là mối họa lớn cho chính quyền địa phương. Cũng theo ông Phúc, chỉ sau một thời gian ngắn, Khe Đương đã xuất hiện hàng trăm “vị khách không mời mà đến”. Họ là những phu vàng từ khắp các nơi kéo về để mong có cơ hội đổi đời nhờ vàng. Cũng vì tin đồn trúng vàng, người dân cứ ồ ạt kéo đến khiến chính quyền địa phương cũng không kịp trở tay.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng:

Điểm khoáng hóa vàng Khe Đương, thuộc địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) được Đoàn địa chất 501 phát hiện và mô tả trong “Báo cáo kết quả tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1/25.000 vùng quặng Bà Nà, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng năm 1993” có quy mô nhỏ, không nằm trong danh mục các khu vực quặng và thuộc quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken…

Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc:

Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã cử lực lượng Công an xã, dân phòng… tổ chức truy quét “vàng tặc” thường xuyên tại khu vực Khe Đương. Thế nhưng sau mỗi đợt đẩy đuổi, tháo dỡ lán trại, lực lượng chức năng rút đi thì đâu lại vào đấy. Hơn nữa, do lực lượng của xã mỏng, kinh phí thiếu cộng với địa hình hiểm trở, phức tạp… nên việc xây dựng chốt trạm để ngăn chặn “vàng tặc” là rất khó.

Ông Nguyễn Thế Tuấn, đại diện Công ty Bông Sen Vàng:

Hiện bãi vàng Khe Đương đang để không, người dân đổ xô lên khoét núi, tìm vàng, huy động máy móc và đặc biệt liên tục đánh mìn tác động rất lớn vào các hầm cũ. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, chuyện sập hầm, chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện UBND thành phố Đà Nẵng đã đồng ý về mặt chủ trương, còn quyết định cho phép khai thác vàng tại khu vực này phía công ty vẫn phải chờ nên đơn vị không có bất kỳ quyền hành gì tại bãi vàng này.

Bài và ảnh:  TRỌNG HÙNG - ĐẠI BÌNH

;
.
.
.
.
.