Phóng sự - Ký sự

Khe Đương - Bao giờ hết khổ vì vàng?

Bài 3: Hụt hơi theo vàng...

07:16, 25/08/2014 (GMT+7)

Cuốn theo cơn sốt vàng và cuống cuồng trước tin đồn trúng bạc tỷ, những cuộc tìm kiếm của phu vàng tại Khe Đương như chạy theo cái bóng. Nhiều người đã phải cầm cố tài sản, vay mượn khắp nơi để đầu tư máy móc, thiết bị mang vào Khe Đương. Nhưng đằng sau khát vọng đổi đời là những tiếng thở dài, sự bế tắc mà chỉ những người từng ăn dầm ngủ dề hằng tháng trời trong rừng, tối ngày trong hang sâu mới cay đắng nhận ra.

Không ít người đã phải vay nóng tiền để mua máy móc mang lên Khe Đương khai thác vàng.
Không ít người đã phải vay nóng tiền để mua máy móc mang lên Khe Đương khai thác vàng.

Lỡ bước theo vàng

Rít dài một hơi thuốc, Nhật (trú ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) nhắm nghiền mắt khoan khoái, mặt ngửa lên trời thưởng thức. Ba ngày nay, Nhật mới được hút điếu thuốc và ăn một bữa cơm có thịt. Đã hai tuần ròng vùi mình khắp các hang sâu nhưng nhóm của Nhật vẫn chưa “trúng” dù chỉ một phần nhỏ so với tin đồn của những người may mắn khác. Làn da xanh xao, cổ họng đắng chát và ho sù sụ mỗi khi chiều về, Nhật đang ráng cầm cự “được ngày nào hay ngày đó, vì về thì lấy tiền đâu trả nợ”.

Nhóm của Nhật gồm 7 người, đều là anh em nội, ngoại quê ở xã Hòa Liên và quận Liên Chiểu.“Hôm trước nghe cả làng đồn ầm việc trúng vàng tại Khe Đương nên anh em quyết định đầu tư máy móc mang lên đây làm ăn, đánh cược một chuyến”. Chiếc máy nổ mới cóng giá 12 triệu đồng cùng 5 triệu tiền vận chuyển lên bãi của nhóm Nhật đã chạy suốt 2 tuần nay không ngưng nghỉ. “Mỗi ngày nó ngốn 30 lít dầu diesel để xay 9 khối đất, cộng với khoản tiền ăn của 7 anh em, mỗi ngày bọn tôi phải chi hơn 1 triệu đồng. Với tình hình này không biết khi nào mới về quê và trở lại cuộc sống bình thường đây”, Nhật thở dài.

Nhật vốn là công nhân may mặc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, dù liên tục tăng ca nhưng nguồn thu nhập ít ỏi, không đủ nuôi 2 đứa con cùng người vợ đang thất nghiệp. Khi được rủ lên Khe Đương tìm vàng, Nhật cầm chiếc xe máy lấy 5 triệu đồng góp cùng anh em làm kinh phí mua thiết bị, tiền ăn, đóng tiền bãi… mà không một chút đắn đo, suy nghĩ. Nhưng chỉ sau hai tuần, con đường về nhà của nhóm Nhật bỗng trở nên chông chênh, gập gềnh hơn cả chục con dốc dựng đứng phía ngoài rừng. “Giờ về thì tiền đâu trả nợ, làm gì để sống, máy móc bán ai mua. Lỡ rồi, lao luôn!”, Nhật buông lời bất cần, mắt hướng về phía cửa hầm.

Nhóm của Nhật không phải là trường hợp duy nhất đang rơi vào cảnh đi cũng dở ở không xong. “Thằng Được bên khu 29 cũng mới bỏ về hôm kia. Người nhà nhắn lên bảo con đau nên nó phải rút. Anh em góp cho nó được đâu 2 triệu đồng mang về, nó bán luôn cái máy nổ mới mua được bốn tháng nhưng chưa bù đủ tiền vận chuyển vào chứ nói gì chuyện gỡ vốn”, Xuân - người làm cùng nhóm Nhật, kể thêm.

Cạnh chiếc máy nổ đang xay đất, nồi cơm chiều của mấy anh em Xuân đang nghi ngút khói. Cái bếp dã chiến được ghép bởi ba hòn đá ngay sát chân núi để che gió. Cạnh đó, một bao gạo lớn và can nước mắm được đậy sơ sài bằng túi ni-lông để tránh mưa. Gần chục chiếc chén vứt chỏng chơ trên tảng đá lớn bên suối. “Ăn uống cũng phải tiết kiệm, chủ yếu là rau rừng, nước mắm và uống nước suối. Thỉnh thoảng mới cải thiện một ít thịt cá cho có chất”, Xuân cho biết thêm.

Mê hoặc bởi tin đồn

Trong cuộc nói chuyện với hơn 10 phu vàng trên đỉnh “ngã ba Đông Dương”, chúng tôi nghe được những câu chuyện mà đối với nhiều người, đó như một sự mê hoặc, rủ rê.

Khánh (quê Liên Chiểu) dẫn đầu nhóm 6 người cắt rừng lên phía khu vực giáp huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) để “tăm” (tìm, thăm dò) vàng, bĩu môi khi kể về Khe Đương: “Vàng trong Khe Đương không còn bao nhiêu, có làm ngày làm đêm chưa chắc đã đủ chung chi tiền bãi, bảo kê”. Giới làm vàng đều có những nguyên tắc chung chi, bảo kê rất riêng. Giữa chốn hoang sơ rừng thẳm, những đối tượng có “máu mặt” sẽ đem lại sự bình yên cho phu vàng, bảo đảm trật tự tại bãi và báo tin nhanh nhất khi có lực lượng chức năng.

Theo lời rỉ tai, khu vực tiểu khu 27 Khe Đương lâu nay được công nhận là “lãnh địa” riêng của T. Nếu muốn vào đây làm ăn, phu vàng phải đóng tiền bảo kê cho T. Giới làm vàng hết sức dè chừng T. bởi sự hung dữ, manh động và sẵn sàng “xử đẹp” những đối tượng bất tuân. Họ còn truyền tai nhau T. là cháu của một cán bộ huyện nên có mối quan hệ khá rộng, sẵn sàng chung chi và nắm được thông tin kiểm tra, truy quét của lực lượng chức năng. Đó cũng là lý do vì sao T. tồn tại suốt một thời gian dài tại Khe Đương, trở thành bảo kê khét tiếng, người lạ không dễ dàng đột nhập và xuất hiện tại khu vực Khe Đương.

Từ ngày Khe Đương nóng sôi vì thông tin trúng vàng, hàng trăm phu vàng khắp các vùng Hòa Vang, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Quảng Nam cho đến các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên ồ ạt kéo về đây. “Đất có thổ công, sông có hà bá”, quy luật bất thành văn này buộc các nhóm phu vàng phải đóng tiền bảo kê, bảo đảm trật tự, không trộm cướp, tranh giành nhau.

“Vàng trúng đâu không thấy nhưng tin đồn vẫn cứ vang xa, càng lúc càng đông người tìm đến, chỉ có bọn bảo kê là vớ bở thôi”, một phu vàng trong nhóm Khánh nói chen vào. Trên thực tế, mỗi ngày tại khu vực Khe Đương đều “xì” ra ngoài một, hai tin trúng vàng. Tin đồn bay xa, một đồn thành mười, mười đồn thành trăm khiến người dân khắp nơi đều cố chen về để tìm vận may cho mình. “Cái nghề này nó vốn vậy, của cải ở trong lòng đất, ai biết được. Thế nên ai cũng nghĩ rằng mình sẽ may mắn hơn người khác, rằng vận may sẽ mỉm cười với riêng mình mà thôi”, bà Liên, chủ quán nước dưới con dốc thôn Tà Lang, nơi giới làm vàng vẫn nghỉ chân trước khi bước vào rừng, trầm ngâm nói.

Cũng theo lời kể của những người địa phương đang ngồi tại quán nước này, nhiều phu vàng khi trở ra không còn một đồng dính túi, bụng lép kẹp vì đói, bà con thương tình nấu cơm trắng cho ăn và cho ít tiền bắt xe đò về quê. “Ở đâu xa xôi nghe tin đồn cứ tưởng vàng đầy núi, ăn của rừng rưng rưng nước mắt thôi. Mà trên thực tế là có ăn được đâu, toàn khi đi trai tráng khi về bủng beo, thêm nợ thêm nần”, một người đàn ông nói thêm.

Giữa trưa 13-8, từng tốp người lặng lẽ rời Khe Đương trong tâm trạng nặng nề, mệt mỏi sau những ngày vùi mình trong lòng đất. Dọc đường, những chiếc xe máy cà tàng của người dân địa phương liên tục chở từng tốp người mới đến tiếp cận Khe Đương. Bỏ ngoài tai những lời khuyên chân thành, những phu vàng mới vẫn phăm phăm bước tới, bãi vàng Khe Đương vì thế mãi trở thành vòng xoáy không thể tự tìm ra lối thoát nếu không có sự can thiệp của lực lượng chức năng.

Bài và ảnh: ĐẠI BÌNH - TRỌNG HÙNG

.