Hiếm thấy ở phiên tòa nào mà bị cáo mang đầy mặc cảm với bị hại; bị hại thì thương bị cáo hết lòng, còn những người thân ngồi bên dưới sụt sùi xót xa cho cả hai khi mọi thứ bỗng chốc vỡ tan vì một miếng đất.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Buổi xét xử sơ thẩm tại TAND thành phố Đà Nẵng sáng 29-7 có khá đông người tham dự. Điều đặc biệt là người nhà của cả hai bên đều cùng đến từ một gia đình, bởi bị cáo và bị hại là anh em cột chèo.
Tin nhau hóa hại nhau
Buổi xét xử kéo dài nhiều giờ đồng hồ và thời gian thảo luận, nghị án của Hội đồng xét xử cũng lặp lại nhiều lần hơn thường lệ. Trước vành móng ngựa, người đàn ông tầm 50 tuổi nhỏ thó, gầy gò trong chiếc áo sơ-mi thùng thình cùng mái đầu bạc trắng cứ quay về phía sau, khi ngay hàng ghế đầu của người dự phiên tòa là vợ và anh rể (đồng thời là bị hại), tiếp đó là anh chị em, bà con thân thuộc đang ngóng chờ. Người nhà bị cáo có lúc ngồi theo từng cụm thủ thỉ, có lúc mỗi người chọn một góc suy tư, thất thần. Đôi lần quay lại bắt gặp người thân khóc nức nở, bị cáo đưa tay ra dấu như nhắn rằng mình không sao.
Ông C. và ông K. là anh em cột chèo thân thiết. Từ chỗ thân và quý nhau, ông C. đã đồng ý giao tiền mua miếng đất diện tích hơn 200m2 của em mình (tức của vợ chồng ông K.), trị giá 1 tỷ đồng chỉ thông qua tờ giấy photo không hiệu lực. Đến khi được anh yêu cầu đưa giấy tờ gốc, ông K. bèn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lấy lòng tin với anh, bởi trước đó sổ đỏ của mảnh đất này đã được thế chấp tại ngân hàng vay 700 triệu đồng.
Mất tiền, lại không có đất, ông C. khiếu kiện. ông K. bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ra tòa, ông K. không chối tội. Ông nói những ngày tháng tạm giam đã cho ông thời gian nhìn lại tất cả những việc làm sai trái. Cuốn theo cơn lốc nhà đất để rồi khi thị trường đất đóng băng, ông vỡ nợ, cùng đường nên nghĩ đến việc bán đất theo hình thức như trên cho anh để có tiền xoay xở.
“Tôi không thể dồn em vào đường cùng”
Thông thường, các bị hại chỉ mong bị cáo nhận hình phạt thật nặng để thỏa lòng phẫn uất. Nhưng ở phiên tòa lần này, bị hại nhiều lần “mong tòa xử thật nhẹ cho em tôi”. Người đàn ông vừa mất trắng gần 1 tỷ đồng nói rằng, ông là nông dân, tích góp, vay mượn đủ đường mới ra được từng nấy tiền đi mua đất. Một phần vì đang trong diện di dời giải tỏa muốn có đất làm nhà, phần vì thấy tình cảnh em đang nợ nần nên cũng muốn giúp đỡ bằng cách mua đất của em. Không ngờ tiền mất, đất không, anh em đổ vỡ tình cảm.
Được chủ tọa hỏi: “Tại phiên tòa hôm nay, ông yêu cầu xử lý số tiền đã bị chiếm đoạt như thế nào?”, ông C. vò trán nghĩ ngợi rồi nói: “Trong 1 tỷ đồng bị chiếm đoạt, gia đình em tôi đã hoàn trả 250 triệu đồng. Số tiền 750 triệu đồng còn lại, tôi chỉ xin lấy 500 triệu đồng, còn bao nhiêu thì cho”. Tòa lặp lại câu hỏi rằng ông đã suy nghĩ kỹ chưa trước yêu cầu xử lý số nợ, người anh rể với dáng vẻ nông dân, chân chất lại vò đầu: “Thôi tôi lấy 250 triệu đồng, còn cho 500 triệu đồng, chứ giờ nhà em tôi kiệt quệ rồi, đòi nhiều thì lấy chi trả”. Đến lần thứ ba, chủ tọa đề nghị ông C. khẳng định yêu cầu của mình, lần này ông nói dứt khoát: “Con người sống còn có đạo đức mà. Tôi không muốn con của em không có cha, nhà cửa tan nát nên chuyện tiền bạc xin để anh em tôi tự thỏa thuận sau vậy”.
Nghe những lời nói của anh, bị cáo cúi đầu vuốt những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má… Vợ bị cáo suốt buổi nghe tòa chất vấn hai anh em cứ ôm mặt xuống bàn, thi thoảng ngẩng lên bắt gặp cái nhìn của chồng, chị đưa tay lên miệng ý hỏi anh có cần uống nước.
Tâm sự với chúng tôi, người đàn bà trĩu nặng nỗi mệt mỏi trên gương mặt nhợt nhạt cho biết, bà không muốn chiếm đoạt tiền của chị ruột, chẳng qua bất động sản đóng băng, mua 10 chỉ bán được 5 nên mới xảy ra chuyện như vậy. “Hai đứa con tôi đang học rất giỏi, nhưng bây giờ bị sốc nặng vì chuyện của cha mẹ. Xin phóng viên đừng đưa hình chồng tôi lên báo tội nghiệp mấy đứa nhỏ. Con tôi thấy hình ảnh ba đứng trước vành móng ngựa tràn ngập trên báo thì chắc chắn không thể chịu đựng nổi”, người đàn bà nói trong tiếng khóc.
Buổi xét xử kéo dài đến 12 giờ trưa, bị cáo được áp giải ra xe với bản án 7 năm tù. Mặc cái nắng đúng ngọ chan chát trên đầu, toàn bộ người thân, kể cả bị hại đều tụm lại một góc trước sân tòa vẫy tay chào bị cáo, đôi mắt ai nấy đỏ hoe…
HƯỚNG DƯƠNG