.
NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG

Kỳ cuối: Người khuyết tật "đi" chỗ nào?

.

Không thiếu quy định, quy chuẩn, văn bản về xây dựng, bố trí nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) cho người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa với những điều tốt đẹp được trình bày trên giấy.

Người khuyết tật sử dụng xe lăn, xe lắc không thể tiếp cận các nhà vệ sinh lưu động vì muốn vào bên trong phải lên 3 bậc cầu thang.              Ảnh: THU HOA
Người khuyết tật sử dụng xe lăn, xe lắc không thể tiếp cận các nhà vệ sinh lưu động vì muốn vào bên trong phải lên 3 bậc cầu thang. Ảnh: THU HOA

“3 nhịn”...

Bà Đoàn Thị Tâm (56 tuổi, quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cụt hai chân đến sát đùi từ năm 14 tuổi do bị trúng mìn. Hiện nay, bà sống bằng nghề bán vé số dạo và ở tại nhà một đại lý vé số trên đường Trần Phú (Đà Nẵng). Với chiếc xe lắc thay đôi chân, hằng ngày từ sáng sớm đến tối mịt, bà Tâm rảo khắp các con đường thuộc nội thành qua Trần Phú, Yên Bái, Nguyễn Chí Thanh, Phan Chu Trinh, Thái Phiên, v.v… Điều đáng nói, đã 7 năm đi lại trên lộ trình quen thuộc đó, nhưng khi được hỏi có biết NVSCC nào dọc đường mình đi không, bà Tâm thản nhiên cho hay: Không biết!

Từ lâu nay, mỗi khi “mắc”, bà Tâm thường vào nhà người dân hoặc trạm xăng xin “đi” nhờ. “Mấy chỗ này người ta tốt lắm, thấy mình tật nguyền nên nhiệt tình giúp đỡ, nhưng cửa nhà vệ sinh rất chật, xe lắc không vào được nên tôi phải để xe bên ngoài rồi dùng tay chống vào bên trong”, bà Tâm chia sẻ.

Để tránh tình huống bất tiện như vậy, bà Tâm thực hiện phương pháp “3 nhịn” gồm: nhịn uống, nhịn ăn và nhịn “đi” mỗi lúc ra đường. “Ăn sáng xong, tôi chỉ uống ngụm nước tráng miệng rồi bắt đầu đi bán. Từ đó đến trưa, tôi không ăn hay uống bất cứ thứ gì để tránh bị đau bụng hay phải “giải quyết nỗi buồn”. Đợi trưa về nhà mới uống nước cho đã đời, sau đó chiều lại tiếp tục hành trình “nhịn” cho đến tối”, bà Tâm nói.

Chuyện của bà Tâm cũng là vấn đề mà nhiều người khuyết tật (NKT) gặp phải khi đến nơi công cộng. Anh Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội NKT thành phố Đà Nẵng bức xúc: “Bản thân tôi đến nhiều nơi như khách sạn, cửa hàng, cơ quan, công ty, v.v… cũng gặp trở ngại như vậy. Có nơi có NVSCC nhưng cửa… khóa, có nơi ghi biển báo NVSCC cho NKT, nhưng vào bên trong thì thấy chất toàn đồ lau chùi giống một cái kho. Lúc đó, tôi cảm thấy bị tổn thương”, anh Nghiêm nói.

Đến bao giờ mới được thoải mái “đi”?

Hiện nay, các NVSCC đặt ở lề đường trên địa bàn thành phố chủ yếu được hai đơn vị quản lý là Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà & các bãi biển Đà Nẵng và Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng với tổng 5 NVSCC cố định và 30 NVSCC di động.

Anh Nguyễn Đình Phúc, Phó trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng cho hay, các NVSCC cố định được xây dựng từ 10 năm trước nên có thể thời điểm đó, việc thiết kế chưa chú trọng tới yếu tố sử dụng của NKT. Đối với các NVSCC di động thì NKT đi xe lăn, xe lắc hoàn toàn không thể sử dụng được. Vì công trình này có bồn chứa nổi ngang với mặt đất nên nền của NVSCC phải cách mặt đất bằng những bậc tam cấp. Như vậy, người bị yếu tứ chi thì đành chịu.

Một kiến trúc sư từng tham gia thiết kế nhiều NVSCC trên địa bàn thành phố cho biết, về mặt kinh phí, NVSCC cho NKT không tốn kém hơn đáng kể so với NVSCC thông thường. Chỉ thêm lối đi phù hợp, bên trong có tay vịn và không gian đủ rộng để NKT xoay xở. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố tác động đến việc có hay không NVSCC cho NKT, cụ thể như khâu thiết kế không để ý yếu tố này, hoặc chủ đầu tư không quan tâm, hoặc do điều kiện khách quan như vốn, diện tích đất.

Kiến trúc sư này cũng đề cập đến một vấn đề được cho là một trong những nguyên nhân khiến NVSCC hiện nay ít có chỗ cho NKT: “NKT tại Đà Nẵng còn sống thụ động, đa phần họ chỉ sinh hoạt quanh quẩn ở nhà, ít ra ngoài tham gia các hoạt động xã hội. Do đó, xây dựng hoặc lắp đặt NVSCC cho NKT phải tính tới lưu lượng sử dụng để tránh lãng phí. Nơi nào hiếm khi có NKT lui tới thường xuyên thì phải cân nhắc nên hay không xây NVSCC dành riêng cho đối tượng đó. Khi NKT có “nhu cầu”, người khỏe mạnh giúp họ một tay là xong, vừa linh hoạt, vừa ít tốn kém”, kiến trúc sư trên nói.

Trong khi đó, đứng ở góc độ NKT, anh Trương Công Nghiêm có ý ngược lại: Muốn NKT chủ động tham gia xã hội thì cơ sở hạ tầng, cụ thể như toilet phải sẵn sàng đáp ứng để mọi người dễ dàng tiếp cận. Tới không xong, dùng không được, dần dà NKT không tới những chỗ công cộng nữa. Thế rồi xã hội lại nhìn NKT như những người bị động. Đó chẳng khác nào là cái vòng luẩn quẩn. Chuyện vào toilet là điều hết sức tế nhị. Chẳng ai mong muốn có người bồng, ẵm mình vào rồi bồng, ẵm mình ra.

Tóm lại, lúc nào NKT có thể đến nơi công cộng và thoải mái đi vào toilet? Đó là câu hỏi mà nhiều NKT đã và đang trăn trở. Anh Trương Công Nghiêm cho biết, đầu năm 2014, với tư cách là Chủ tịch Hội NKT thành phố, anh đã làm việc với Sở Xây dựng để nêu những bất tiện mà NKT gặp phải khi tiếp cận các công trình công cộng, trong đó có NVSCC. Qua đó, đề xuất nên điều chỉnh một số điểm để NKT dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên, ngày 5-11-2014, chúng tôi liên hệ Sở Xây dựng để nắm thông tin kế hoạch điều chỉnh như nêu trên, thì Sở này trả lời không có văn bản nào về cuộc làm việc đó.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình bảo đảm người khuyết tật (NKT) tiếp cận được, cứ trung bình 5 phòng vệ sinh công cộng sẽ có 1 phòng dành cho NKT. Thêm vào đó, theo quy định của Bộ VH-TT&DL về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) đối với thành phố du lịch như Đà Nẵng, ngoài yêu cầu khá nghiêm ngặt về chất lượng, thẩm mỹ, những nơi này còn phải bắt buộc có ít nhất một NVSCC cho NKT. Văn bản của Bộ VH-TT&DL ra đời từ năm 2012, yêu cầu đến hết năm 2014, toàn bộ các điểm du lịch phải có NVSCC đạt chuẩn. Tuy nhiên, đến nay, khi năm 2014 sắp hết thì việc NKT dễ dàng tiếp cận NVSCC còn là chuyện... tương lai?

HOÀNG NHUNG - THU HOA

;
.
.
.
.
.