Hơn một năm sau khi những căn nhà xây dựng trái phép để chờ giải tỏa bị cơ quan chức năng đập bỏ, chúng tôi trở lại thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) để tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây. Vẫn còn đó trên gương mặt của người nông dân những lo âu không thể diễn tả hết bằng lời, bởi sự việc dù xảy ra đã lâu nhưng những hệ lụy vẫn còn kéo dài dai dẳng, mông lung chưa rõ hồi kết.
Những căn nhà đóng cửa im ỉm, tường bao xây dở rêu bắt đầu phủ, người dân thôn Dương Sơn đang đối mặt với cảnh nợ nần vì xây nhà trái phép. Ảnh: PHAN CHUNG |
Dè dặt khi tiếp xúc với người lạ, cố lảng tránh khi nói về câu chuyện của gia đình, thật khó tìm được một người dân cởi mở, chân tình như vốn có trong lần trở lại này.
Làng đìu hiu
Năm tháng nay, bà L. (xin được giấu tên) phải dẹp cửa hàng buôn bán áo quần trước nhà để lấy mặt bằng cho người khác thuê kiếm thêm thu nhập, trang trải chi tiêu. Số áo quần còn lại bà xếp cẩn thận, cất vào góc nhà. Về phần mình, tận dụng khoảng đất trống trước sân, bà kê thêm 3 bộ bàn ghế thanh lý từ một quán nhậu đầu làng, đem về mở quán ăn.
Sáng bán bún, mì Quảng, chiều bán bánh xèo. “Ngày trước bán áo quần thì vốn nhiều, có thể quay vòng và chậm thu hồi vốn vì người dân trong làng họ mua nợ. Giờ vốn ít, bán quán ăn cho nhanh có tiền, mình còn cân đối để lo việc khác”, bà tâm sự.
Dè dặt nhắc lại câu chuyện của gia đình, bà L. trải lòng: “Cũng tại mình khó khăn, biết là sai nhưng vẫn cố làm để hy vọng nếu được giải tỏa thì Nhà nước sẽ đền bù thêm chút ít. Giờ dự án không đi qua, nhà cũng bỏ không chứ ở đâu hết, hai vợ chồng phải cố mà trả hết số nợ làm nhà”.
Giữa năm 2014, trước thông tin dự án Đường vành đai phía Nam giai đoạn 2 sẽ đi qua vệt đường chính của thôn, bà L. bàn với chồng vay mượn khắp nơi để xây thêm căn nhà đổ mái lợp trị giá hơn 100 triệu đồng. “Vừa rồi gia đình vay được 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để đem trả, cộng thêm khoản trả góp dần dần hơn 1 năm qua, số tiền nợ giờ chỉ còn 60 triệu đồng”, bà L. chia sẻ.
Ông V., chồng bà sáng tinh mơ đã ra khỏi nhà đi làm thợ nề dưới phố, đến tối mịt mới trở về. Cô con gái út của bà L. năm nay mới học lớp 7, thấy mẹ bận rộn buôn bán nên vừa đi học về cũng xắn tay vào phụ mẹ rửa chén bát, làm rau, trước khi đi học thêm cũng kịp trộn bột cho mẹ bán buổi chiều. Thấy bà con trong xóm rục rịch chuẩn bị Tết, bà L. bày số áo quần còn lại ra trước hiên nhà.
Bà con trong xóm, phần vì thấy rẻ, phần nữa cũng mua ủng hộ, chia sẻ khó khăn nên cũng kéo nhau xúm lại. Người mua áo, kẻ lựa quần, nhộn nhịp như một góc chợ quê phía bên kia đường tàu. Thế nhưng, trên gương mặt của bà L. luôn hiện sự lo lắng không yên.
Nhác thấy bóng người lạ bước vào, bà ráng nở nụ cười gắng gượng, ân cần phục vụ khách nhưng cũng dò hỏi, rào trước đón sau. Chị Hiền, một người hàng xóm kể rằng, gia đình bà L. lỡ vay nóng với lãi suất cao để làm nhà nên giờ đây mỗi ngày luôn có người tìm đến để đòi nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, cả gia đình cứ nhốn nháo theo từng con số. Hễ thấy bóng người lạ, đôi mắt người phụ nữ tuổi gần 50 này lại rơm rớm, miệng nhoẻn cười nhưng giọng vẫn run run.
Thôn Dương Sơn nép mình bên con đường ĐT605 nối quốc lộ 1A với trung tâm huyện Hòa Vang và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, dù không giàu có nhưng cuộc sống luôn an nhàn, đủ ăn, đủ mặc.
Nhưng đó là chuyện của hơn 1 năm về trước. Cơn “bão” nợ nần đang bủa vây nơi đây khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Giờ đây, đàn ông, đàn bà đều phải tứ tán khắp nơi tìm kiếm việc làm. Xóm làng vắng lặng, thưa thớt bóng người. Những căn nhà cửa đóng im ỉm suốt ngày.
Phía bên ngoài, bức tường bao mới xây xong phần thô rêu bắt đầu phủ, những hòn non bộ nằm chỏng chơ giữa sân nhà, bên trong hồ cá không một giọt nước. Tất cả đều dở dang, đìu hiu.
Gia đình lục đục
Ông Nguyễn Văn Tư, một trong những người đứng ngoài cơn sốt làm nhà chờ giải tỏa ngày trước, lắc đầu nói: “Ai cũng vì cái lợi của mình mà bất chấp quy định, luật pháp để rồi giờ đây đều phải gánh lấy hậu quả. Nhà này nhìn nhà kia xây cái bờ rào, đổ thêm vài cái trụ cũng cố làm theo cho được, không có tiền thì đi vay mượn. Đang yên đang lành giờ lại ôm vào cục nợ không biết đến bao giờ mới trả nổi”.
Theo lời kể của ông Tư, nhiều gia đình vì cảnh nợ nần mà sinh ra lục đục, rồi cãi vã. “Bố đi đường bố, mẹ đường mẹ, chỉ tội mấy đứa nhỏ thôi. Nhưng mà biết đi đâu để kiếm tiền bây giờ, trình độ thì hạn chế, nếu có việc làm thì cũng chỉ công nhân, lao động chân tay, cố gắng lắm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống và trả số tiền lãi chứ đừng nói chuyện trả tiền gốc”, ông Tư cho biết thêm.
Là một trong những người bị thiệt hại ít nhất vì chạy theo cơn sốt làm nhà chờ giải tỏa, đến giờ anh Trần Văn Anh vẫn còn nhớ như in những ngày đầu đối mặt với cảnh nợ nần. Khi thông tin dự án Đường vành đai phía Nam giai đoạn 2 đi qua, anh đã mạnh dạn bán chiếc xe tải đang chạy, mượn thêm của nội ngoại một ít để xây trên miếng đất bên cạnh một ngôi nhà mới.
“Khi bị cơ quan chức năng đập bỏ, tôi biết rõ là mình đã sai nhưng cũng vì túng thiếu, hám lợi nên nhắm mắt làm liều. Đến khi biết được sự thật thì lại đối mặt với cảnh nợ nần”, anh Anh kể. Sau khi ổn định tình hình, thống kê thiệt hại, ngoài số vốn làm ăn đã mất sạch, anh còn nợ 30 triệu vay mượn của người thân, anh em. Sau một thời gian đi làm thuê thấy không hiệu quả, hai vợ chồng mới quyết định tìm cách khác để làm ăn.
Nghĩ là làm, anh mạnh dạn mang “sổ đỏ” cầm ngân hàng vay 100 triệu đồng mua chiếc xe tải nhỏ, tiếp tục trở lại với nghề trước đây. Giờ anh Anh nhận chở hàng vật liệu cho các công trình, hộ gia đình trong vùng, vợ làm công nhân gần nhà. Bất kể đêm hôm, mưa gió, hễ có khách gọi anh lại chạy ù đi. Hai vợ chồng làm việc quần quật chỉ mong món nợ sớm được trả, gia đình lấy lại cân bằng để tiếp tục ổn định cuộc sống.
Không may mắn như gia đình anh Anh, gia đình ông M. cuối làng đã đổ vỡ trước cả khi chủ nợ tìm đến nhà. Cũng mạnh dạn vay mượn khắp nơi, ông M. bỏ ra hơn 300 triệu đồng để đầu tư nhà cửa, hạ tầng “chờ” dự án.
Đến khi biết được sự thật thì số tiền nợ đã tăng cao do lãi mẹ đẻ lãi con. Giờ không ai biết chính xác số tiền ông M. nợ bao nhiêu nhưng theo nhiều người dân kể lại, có thể đã lên đến 500-600 triệu đồng bởi ngày nào cũng có người lạ tìm đến nhà để đòi nợ. “Giờ chuyện vỡ lở, vợ nóng ruột quá nên quay sang trách chồng, đàn ông thì nóng nảy, lại túng quẫn không tìm được cách giải quyết nên đâm ra cãi vã nhau thôi”, bà Hòa, một người dân địa phương, buông tiếng thở dài…
Dải đất hoang nằm dọc đường ĐT605 người ta đang tận dụng để trồng hoa. Những đóa cúc vạn thọ bắt đầu hé nụ, đung đưa trong làn gió se lạnh sắp sửa đón xuân về. Liệu mùa xuân có sum vầy, ấm áp với những ngôi nhà phía đầu làng khi chủ nhân của nó vẫn đang tất bật mưu sinh, chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả sau một lần trót dại?
ĐẠI BÌNH