.

Một chuyến đi Lào

.

1. Nơi đầu tiên tôi “đạp đất” ở Lào là phía bên kia cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên và nơi thứ hai là phía bên kia cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Nói đạp đất là vì tôi chỉ được bước qua địa phận cửa khẩu quốc tế Sobhun, tỉnh Phongsaly và cửa khẩu quốc tế Densavan, tỉnh Savannakhet đứng một lúc cho có cảm giác xuất ngoại rồi… về nước. Thế nên lần này - trong một chuyến theo đoàn tham quan kết hợp nghỉ dưỡng 6 ngày 5 đêm vào giữa tháng 5-2016, tôi mới thật sự đến với đất nước Triệu Voi/Lane Xang.

Một con phố trung tâm Kaysone Phomvihane. 					Ảnh: savanpark.com
Một con phố trung tâm Kaysone Phomvihane. Ảnh: savanpark.com

Xe chạy dọc theo quốc lộ 9 Việt Nam từ Đông Hà - thủ phủ của tỉnh Quảng Trị - đến biên giới Việt- Lào ở Lao Bảo. Ngồi trên xe, tôi cứ hình dung cảnh các sĩ phu đất Quảng như : Đỗ Đăng Tuyển, Dương Thưởng, Lê Bá Trinh, Lê Cơ... bị thực dân Pháp và Nam triều đày đi Lao Bảo do tham gia hoặc liên lụy trong hai sự kiện lịch sử Trung Kỳ dân biến năm 1908 và Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916.

Đường đi Lao Bảo hồi đó gập ghềnh hơn bây giờ, nắng bụi hơn bây giờ, rồi gông cùm xiềng xích... và hầu hết trong số họ đều một đi không trở lại: Đỗ Đăng Tuyển tuyệt thực trên đường và chết khi vừa đặt chân đến nhà tù, Dương Thưởng và Lê Cơ thì bị thảm sát vào năm 1916 do cầm đầu một cuộc phản kháng bọn cai ngục tàn ác, chỉ có Lê Bá Trinh là vượt ngục hồi đầu năm 1925 và trốn về quê ẩn cư tại một am vắng dưới chân Ngũ Hành Sơn...

2. Bên kia cửa khẩu Lao Bảo là cửa khẩu Densavan - tên một bản Lào thuộc huyện Tchépone. Lào cũng có 4 cấp hành chính giống Việt Nam, nhưng Việt Nam dưới cấp xã còn có cấp thứ bốn rưỡi là thôn; trong khi đó ở Lào, bản là cấp thứ tư, không có cấp xã. Qua cửa khẩu Densavan, xe tiếp tục hành trình về thành phố Kaysone Phomvihane - thủ phủ tỉnh Savannakhet, cũng theo quốc lộ 9 nhưng là quốc lộ 9 Lào.

Như vậy, đây là con đường xuyên qua hai nước: quốc lộ 9 Việt Nam nằm trọn trên địa bàn Quảng Trị, còn quốc lộ 9 Lào nằm trọn trên địa bàn Savannakhet. Quốc lộ 9 Việt Nam và quốc lộ 9 Lào nổi tiếng thời chống Mỹ với thắng lợi của Quân Giải phóng trong Chiến dịch Đường 9 Nam Lào - phía đối phương gọi là Chiến dịch Lam Sơn 719 hay Cuộc hành quân Hạ Lào (thực ra nói Nam Lào hay Hạ Lào đều không hoàn toàn đúng, bởi Savannakhet là một tỉnh Trung Lào).

Chiến dịch Đường 9 Nam Lào từng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học quân sự đương thời trên thế giới, chẳng hạn báo Le Nouvel Observateur/Người quan sát mới của Pháp số ra ngày 29-3-1971 đăng bài bình luận thời sự, trong đó có đoạn: “Ý nghĩa sâu sắc của cuộc hành quân Lam Sơn 719 là chỉ ra thất bại lớn đầu tiên của loại máy móc từ trước đến nay vẫn được giới quân sự Mỹ dương dương tự đắc trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam - đó là máy bay lên thẳng”.  

3. Quốc lộ 9 Lào chạy dài từ biên giới Lào - Việt ở cửa khẩu Densavan đến biên giới Lào - Thái ở cửa ô thành phố Kaysone Phomvihane chừng 200 cây số, bằng khoảng cách từ cửa khẩu Lao Bảo về thành phố Đà Nẵng. Trong cái nắng chói chang của mùa hè, tôi thấy hai bên đường hoa phượng dường như đỏ hơn, hoa muồng hoàng yến dường như vàng hơn và hoa sứ  dường như cũng trắng hơn. Nhưng có lẽ ấn tượng hơn hết là những mái nhà Lào.

Người Lào không làm nhà một mái. Theo anh Hoàng Minh Chín, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cùng đi trong đoàn, đây chắc là do người Lào sợ cô đơn/sợ phải đứng một mình. Và hầu như người Lào cũng không thiết kế mái nhà theo số chẵn hai bốn sáu… mà luôn là số lẻ ba năm bảy - tính theo mặt nghiêng.

Kiểu mái nhà nhiều mặt nghiêng độc đáo như vậy cứ thoắt ẩn thoắt hiện dọc hai bên đường dẫn đến thành phố Kaysone Phomvihane, đến các tỉnh Khammouane, Bolykhamxay và thủ đô Vientiane, sang cả các tỉnh Đông Bắc Thái Lan mà đoàn đi qua như Nong Khai, Udon Thani, Nakhon Phanom, Sakon Nakhon, Mukdahan và thậm chí đã sang Quảng Trị…

4. Đến thành phố Kaysone Phomvihane trước giờ cơm tối, đoàn chúng tôi nghỉ đêm tại Savan Vegas Hotel and Casino. Nghe nói mỗi ngày có hàng ngàn người bên Thái Lan đến vui thú đỏ đen ở đây và do vậy, không phải ngẫu nhiên mà báo Le Monde/Thế Giới của Pháp từng ví liên hợp khách sạn - sòng bài này là “Las Vegas bên dòng Mekong”. Tuy nhiên, hôm chúng tôi đến Savan Vegas là ngày thứ năm, không phải thứ bảy và chủ nhật, nên khách chơi bài cũng không nhiều.

Cũng nghe nói chủ đầu tư ban đầu của Savan Vegas là một Lào kiều định cư ở Mỹ nhưng đến nay người này đã chuyển nhượng Savan Vegas cho một chủ đầu tư mới - Công ty Sanum của Trung Quốc có trụ sở tại Macao. Người Trung Quốc đang phát triển mạnh dịch vụ sòng bài ở vùng Thượng Lào giáp với tỉnh Vân Nam, chẳng hạn sòng bài ở Boten thuộc tỉnh Luang Namtha, hay sòng bài The Kings Romans ở tỉnh Bokeo...

Có lẽ người chơi bài ở các sòng bài trên Thượng Lào phần lớn là người Trung Quốc, khác với người chơi bài ở Savan Vegas hầu hết là dân Thái Lan, cho nên theo quan sát của tôi thì dấu ấn Trung Quốc ở sòng bài Savan Vegas hiện vẫn chưa thật đậm nét. Ngủ trọ một đêm trong khách sạn - sòng bài “Las Vegas bên dòng Mekong”, tôi cứ nghĩ hoài về các dịch vụ vui chơi có thưởng đang ngày càng phát triển ở Đà Nẵng quê mình, kể cả sòng bài ở phía Nam cầu Cửa Đại trong tương lai không xa, và chắc là đêm hôm ấy không chỉ có một mình tôi thao thức…  

5. Quốc lộ 13 Bắc chạy từ Savannakhet đến Vientiane dọc theo sông Mekong. Hồi còn nhỏ, tôi chỉ biết Vientiane qua tên gọi Vạn Tượng. Người Trung Hoa xưa rất giỏi khi phiên âm Vientiane thành Vạn Tượng萬象.

Với cách phiên âm này, họ đọc na ná âm Lào là Viên-Chăng, nhưng nghĩa hai chữ Vạn Tượng萬象 lại gợi lên tên gọi Triệu Voi/Lane Xang. Ngồi trên xe chạy qua nhiều đoạn Quốc lộ 13 Bắc và cả Quốc lộ 13 Nam, có thể nhìn thấy rất rõ phong cảnh Thái Lan bên hữu ngạn. Dòng sông Mekong đoạn chảy ngang qua Lào và Thái Lan ngày nay là đường biên giới tự nhiên giữa hai nước.

Những năm gần đây, cả người Lào và người Thái đều cố níu đôi bờ gần lại bằng một số cây cầu mang tên Hữu Nghị Thái - Lào, trong đó cầu Hữu Nghị Thái - Lào 1 nối Vientiane với Nong Khai khánh thành năm 1994 và cầu Hữu Nghị Thái - Lào 2 nối Savannakhet với Mukdahan khánh thành năm 2006. Dễ nhận ra sự khác nhau giữa hai bên bờ sông Mekong, chẳng hạn bên Thái xe chạy bên trái trong khi bên Lào xe chạy bên phải, hay chẳng hạn dọc đường bên Lào có thể thấy nhiều nơi treo cờ búa liềm trong khi dọc đường bên Thái có thể thấy nhiều nơi treo ảnh Đức vua Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit...

Thế nhưng, cũng dễ nhận ra sự tương đồng, trước hết là dấu ấn của Phật giáo tiểu thừa, rồi kiểu mái nhà nhiều mặt nghiêng mang phong cách kiến trúc Lào... Đáng chú ý là tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan có nghĩa “thành phố của núi”, nhưng ngồi trên xe chạy dọc sông Mekong theo Quốc lộ 212 từ Nakhon Phanom về Mukdahan, có thể thấy Nakhon Phanom không có núi, trong khi đó nhìn tỉnh Khammouane bên kia sông thì lại thấy rất nhiều núi đá vôi.

Và không phải ngẫu nhiên mà Thiền sư Bounlua Suliat sau khi chọn một địa điểm bên tả ngạn Mekong cách Vientiane 23km để thỏa sức sáng tạo một không gian mang đầy màu sắc Phật giáo tên là Wat Xiengkuane/Vườn tượng Phật, đã tiếp tục thực hiện một công trình tương tự thứ hai mang tên Wat Khaek/Bãi Phật Sala Keoku bên hữu ngạn, trên địa phận tỉnh Nong Khai.

6. Đến thăm một số cơ sở Phật giáo tiểu thừa ở Lào như Thánh địa That Ing Hang nằm cách Savannakhet 15km theo hướng Đông Bắc ngay bên quốc lộ 9, hay như các ngôi chùa nổi tiếng ở ngay thủ đô Vientiane: chùa That Luang - di sản văn hóa thế giới, biểu tượng của nước Lào, được in hình trên tiền giấy và quốc huy của CHDCND Lào, chùa Mẹ/Wat Simeuang ở giữa đường Setthathilath và Samsenthai, chùa Ho Prakeo trên đường Sathathirath - nơi từng được đặt một bức tượng Phật ngọc nhưng đã bị người Xiêm cướp mang về nước vào năm 1828 và xây dựng một ngôi chùa y hệt để thờ, và một số chùa khác nữa, tôi bỗng nhớ đến Tam Bảo tự gần nhà tôi - một ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa trên đường Phan Châu Trinh nên chùa này còn có tên là chùa Nguyên Thủy.

Đặc biệt ấn tượng là khi đến tham quan chùa Sisaket nằm đối diện với chùa Ho Prakeo. Sở dĩ nói Sisaket là ngôi chùa đặc biệt ấn tượng không chỉ vì ở đây có một kho tượng Phật khổng lồ với 6.840 pho tượng được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau, mà còn bởi đến tham quan Sisaket, du khách thập phương còn nhận được một thông điệp hòa bình của các bộ tộc Lào.

Cũng như nhiều du khách, tôi đã áp máy ảnh sát vào vách kính nhà kho để chụp hàng trăm tượng Phật, có tượng chỉ còn thân, có tượng mất tay mất chân, có tượng chỉ có đế, nhưng tất cả đều có một điểm chung là mất đầu.

Những tượng Phật mất đầu này được người Lào tập kết từ nhiều chùa trên đất Lào để tạo ấn tượng cho thông điệp của mình chứ bản thân chùa Sisaket là một chùa thuộc Hoàng gia nên không bị người Xiêm chặt đầu tượng Phật làm chiến lợi phẩm. Thật ra thì cố đô Phra Nakhon Si Ayutthaya của người Xiêm cũng từng bị người Miến Điện xâm lược và phá hủy tất cả, chỉ còn trơ lại những tượng Phật không đầu.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.