.

Ghi chép từ Đông Bắc Thái

.

1. Nơi đầu tiên tôi “đạp đất” ở Thái Lan là sân bay quốc tế Don Mueang - nay đã chuyển thành sân bay nội địa. Trong chuyến công tác nước ngoài vào năm 2002, do máy bay của Thai Airways International cất cánh từ Đà Nẵng và chỉ quá cảnh mấy giờ đồng hồ ở sân bay Don Mueang trước khi bay tiếp sang Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, tôi mang tiếng là đến Bangkok mà chưa biết Bangkok. Lần này, tôi vẫn chưa đến và chưa biết Bangkok, nhưng qua chuyến tham quan kết hợp nghỉ dưỡng 6 ngày 5 đêm vào giữa tháng 5 vừa qua, tôi đã thực sự đặt chân lên đất nước Thái Lan - dẫu chỉ là mấy tỉnh vùng Đông Bắc nằm dọc hữu ngạn sông Mekong. Thật ra, khi ăn tối ở thành phố Kaysone Phomvihane trong một quán nhỏ bên bờ Mekong, tôi đã nhìn thấy tỉnh Mukdahan và trên đường tới Vientiane lại tiếp tục nhìn thấy các tỉnh Nakhon Phanom, Bueng Kan, Nongkhai. Có điều tôi rất háo hức sớm được vượt sông Mekong qua cầu Hữu Nghị Thái - Lào I nối Vientiane với Nong Khai để tận mục sở thị một nơi mà những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tôi vẫn thường nghe nhắc đến, đó chính là Udon Thani.

Lễ hội Songkran ở tỉnh Udon Thani. 							                         Ảnh: udonthaniattractions.com
Lễ hội Songkran ở tỉnh Udon Thani. Ảnh: udonthaniattractions.com

2. Udon Thani là tỉnh ở Đông Bắc Thái Lan nằm giáp với Nong Khai, nhưng người Việt thời chống Mỹ thường biết đến sân bay quân sự Udon như một căn cứ xuất kích các máy bay F-4 Phantom II (Con Ma II) - loại máy bay tiêm kích/ném bom tầm xa siêu thanh hai chỗ ngồi hoạt động trong mọi thời tiết - của Không lực Hoa Kỳ, để ném bom đánh phá miền Bắc nước ta và vùng Thượng Lào. Nhân đây, xin nói thêm là các pháo đài bay B52 không xuất kích từ sân bay này mà xuất kích từ sân bay Utapao gần Bangkok.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện buồn một thời trong quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã qua lâu rồi, chỉ mong sao lịch sử đừng lặp lại. Còn ngày nay, khi đến Udon Thani, người Việt không thể không đến thăm Khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở huyện Mueang được xây dựng nhằm ghi nhớ sự kiện năm 1928 Bác Hồ rời nước Đức đến Udon Thani sống với bà con Việt kiều và đã lập tại đây một trại cày để hoạt động cách mạng. Tháng 11-1955, hồi còn nhà tranh vách đất đơn sơ, khu di tích này từng vinh dự đón tiếp Đức vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej đến thăm. Mới đây, Hoàng gia Thái Lan cũng quyết định đưa Khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở huyện Mueang Udon Thani vào danh sách điểm Du lịch quốc gia.

3. Ngoài Udon Thani, ở Đông Bắc Thái Lan còn có thêm một nơi nữa lưu giữ hình ảnh Thầu Chín/Bác Hồ những năm Người hoạt động cách mạng trên đất Thái - đó là huyện Mueang, tỉnh Nakhon Phanom. Tại đây, đoàn tham quan chúng tôi đã đến thăm ngôi nhà Thầu Chín/Bác Hồ từng sống và làm việc. Ngôi nhà này nằm gần Làng Hữu nghị Thái - Việt được xây dựng theo sáng kiến của Tiến sĩ Atnăn Thachack hiện giảng dạy ở Trường Đại học Mahasarakham. Atnăn Thachack đã cùng với trường đại học này xây dựng đề án “Phát triển cụm làng du lịch mang tính lịch sử văn hóa và hữu nghị Thái Lan - Việt Nam tại huyện Mueang, tỉnh Nakhon Phanom”. Đề án này sớm được triển khai, qua đó Làng Hữu nghị Thái - Việt được khởi công và khánh thành vào năm 2004 là nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của Phó Thủ tướng Chavalit Yongchaiyudh, Đại tướng, nghị sĩ Quốc hội của tỉnh Nakhon Phanom (đến tháng 12-1996, ông trở thành Thủ tướng). Tại Làng Hữu nghị Thái - Việt vẫn còn ghi lại lời đánh giá trân trọng của ông về Bác Hồ và về tình hữu nghị giữa hai nước: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đặc biệt nhận được sự tôn kính của nhân dân Việt Nam mà còn là con người kiệt xuất được cả thế giới biết đến. Sự kính trọng nhà lãnh đạo của nước Việt Nam láng giềng đã từng có lịch sử gắn bó với đất nước Thái Lan sẽ là mốc son đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền vững và sâu sắc, đồng thời thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước”.

4. Nhìn dòng Mekong chảy giữa Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan những ngày này, người cả nghĩ như tôi không thể không liên tưởng đến cảnh khô hạn và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long - vùng châu thổ mà trong bài phát biểu mới đây tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi là a rice bowl of the world that we need to feed future generations (vựa lúa của thế giới mà chúng ta cần để bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều thế hệ sau).

Báo Tuổi Trẻ ngày 16-3-2016 có bài Toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long đã bị xâm nhập mặn khẳng định: Mức độ xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40-60km, với tỷ lệ độ mặn từ 1-3 phần nghìn, có nơi lên đến 5-6 phần nghìn và dự báo sẽ còn tăng cao, kéo dài cho đến tháng 5 năm nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố môi trường đáng quan ngại đó, chẳng hạn do biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng có lẽ không nên đổ hết lỗi cho trời đất, bởi biến đổi khí hậu toàn cầu trước hết cũng xuất phát từ những sai lầm của chính con người trong quá trình phát triển thiếu bền vững. Và cũng không thể không kể đến một nguyên nhân dẫn đến bi-kịch-hạ-nguồn mà đồng bằng sông Cửu Long đang hứng chịu - đó là việc phát triển thủy điện thượng nguồn Mekong, tập trung chủ yếu trên lãnh thổ Trung Quốc và Lào. Rồi các dự án chuyển nước ở Thái Lan cũng tác động hết sức to lớn đối với vùng hạ lưu: do nhu cầu phát triển nông nghiệp vùng Đông Bắc Thái Lan và vùng đồng bằng sông Chao Phraya, người Thái đã kịp thời nghiên cứu các dự án chuyển nước Mekong khỏi lưu vực này. Rõ ràng sự “tinh khôn” ấy của người Thái càng làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long.

5. Mukdahan là một tỉnh nhỏ vùng Đông Bắc Thái Lan - xếp thứ 72/77 tỉnh, mới được thành lập ngày 27-9-1982. Mukdahan kết nối với Đà Nẵng trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây qua cầu Hữu Nghị Thái - Lào II, qua quốc lộ 9 của Lào và qua quốc lộ 9, quốc lộ 1A và quốc lộ 14B của Việt Nam. Công tâm mà nói, so với trước đây, các tỉnh nằm trên Hành lang Kinh tế Đông Tây đã có sự phát triển rõ rệt nhờ giao thương và du lịch ngày càng sôi động. Tuy nhiên, đây vẫn là những tỉnh nghèo, chưa đủ sức để thúc đẩy tăng trưởng trên toàn tuyến và chính vì thế dù nằm ở cuối Hành lang Kinh tế Đông-Tây, Đà Nẵng cũng chưa thật sự khởi sắc. Cho nên, ngồi trên xe, tôi cứ nghĩ hoài về dự án mở thêm một Hành lang Kinh tế Đông- Tây nữa nối Đà Nẵng với Chongmek, Nakhon, Bangkok của Thái Lan và cao nguyên Boloven ở Hạ Lào qua cửa khẩu Nam Giang (tương ứng với cửa khẩu Dak Tà Ooc thuộc huyện Dak Chung, tỉnh Sekong) cùng cửa khẩu Tây Giang (tương ứng với cửa khẩu Kaleam thuộc huyện Kaleam, tỉnh Sekong). Đây sẽ là con đường bộ ngắn nhất từ Đà Nẵng đến Bangkok và các tỉnh trù phú của Thái Lan. Và giao thông vận tải trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây II trong tương lai sẽ không chỉ có đường bộ mà còn có thể có đường sắt, chẳng hạn ngay từ bây giờ có thể nghĩ đến một con đường sắt nối từ tỉnh Ubon Ratchathani bên Thái Lan về Đà Nẵng với tổng chiều dài chừng 500km; trong đó, chạy qua Quảng Nam và Đà Nẵng khoảng 150km, chạy qua Lào khoảng 250km và chạy qua Thái Lan khoảng 100km. Xin nói thêm tên tỉnh Ubon Ratchathani có nghĩa Thành phố Hoàng gia Hoa sen, bởi loài hoa đặc trưng của tỉnh này chính là hoa sen - cũng là loài hoa đang được đề nghị vinh danh là quốc hoa của nước ta…

6. Sang đất Thái, đoàn chúng tôi nghỉ lại một đêm ở Udon Thani trong Grand Naga Hotel và một đêm ở Mukdahan trong Mukdahan Grand Hotel. Hai khách sạn này cũng nhỏ thôi nhưng đều mang tên Grand (nghĩa là rất lớn). Chắc không phải người Udon Thani thích khoa trương hoành tráng, bởi Naga có nguồn gốc từ tiếng Phạn dùng để chỉ một vị thần hay một sinh vật có hình dạng là con rắn mang bành chúa được thấy trước hết trong truyền thống văn hóa Hindu, sau đó rất phổ biến trong kinh văn, trong Phật thoại và trong nghệ thuật tạo hình Phật giáo ở hầu hết các quốc gia châu Á và ở miền Bắc Thái Lan, Naga trở thành một quy ước kiến trúc phổ biến. Vì vậy, Grand Naga chính là Thần Rắn Naga vĩ đại - một cách đặt tên đầy tôn kính mang màu sắc tín ngưỡng. Còn người Mukdahan khi đặt tên Mukdahan Grand Hotel chắc cũng nhằm thể hiện một khát vọng vươn lên thành một tỉnh lớn, chí ít cũng thể hiện lòng tự hào của người Mukdahan về sự phát triển vượt bậc hiện nay của địa phương này với tư cách là đầu cầu của Thái Lan trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Đương nhiên cái hấp dẫn của Mukdahan không phải ở những ngôi nhà cao tầng che khuất tầm nhìn mà là ở phong cảnh thiên nhiên và nếp sống bình dị gần gũi - gần gũi đến mức người mình đến Mukdahan thường gọi nơi đây bằng một cái tên thuần Việt ngắn gọn là Mục - đi Mục/sang Mục/tới Mục…     

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.