.

Vì ta yêu nhau...

.

Ở tổ 55 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) mỗi chiều cuối tuần, mọi người lại thấy một phụ nữ trẻ đẩy xe lăn đưa chồng dạo phố. Người chồng ngồi xe lăn, dáng cao gầy, chỉ cử động được hai tay, còn người vợ khỏe khoắn với nét mặt tươi vui, hiền hậu. Chuyện tình của họ tưởng chỉ có trong cổ tích nhưng lại hiện hữu lung linh giữa đời thường.

Ngày ngày, anh Nguyễn Tấn Hiền miệt mài vẽ tranh. 							Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Ngày ngày, anh Nguyễn Tấn Hiền miệt mài vẽ tranh. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Chạm ngỏ tình yêu

Ngược dòng thời gian, vào năm 2002, khi đang là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, Nguyễn Tấn Hiền (SN 1978) bị tai nạn, gãy cột sống và liệt tứ chi. Gia đình đưa anh chữa chạy nhiều nơi, nhưng hai chân vẫn liệt hoàn toàn, còn hai tay cử động đầy khó nhọc. Giấc mơ trở thành thầy giáo của chàng sinh viên học giỏi đành dang dở.

Sau thời gian sống trong khổ đau, buồn bã, Hiền tự “đứng lên” bằng cách quyết tâm học vẽ, mong tìm cơ hội mưu sinh, giảm gánh nặng cho gia đình. Sớm chiều, anh miệt mài với màu, cọ, giấy, vải. Cả hai bàn tay chỉ còn 1 ngón cử động được, 9 ngón khác cứ cứng đờ nhưng anh cắn răng chịu đau để điều khiển cây cọ. Những ngày đầu tập vẽ, tay đau buốt, cả người ê ẩm không khiến anh nản lòng.

Qua một thời gian dài kiên trì tập luyện, bàn tay cầm cọ ít đau hơn, nét vẽ linh hoạt hơn, Hiền làm đơn xin thi vào một trường văn hóa - nghệ thuật nhưng không được chấp nhận. Nỗi buồn làm bệnh tật trở nặng. Gia đình đưa anh từ Đắc Lắc đến điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Hơn 4 năm điều trị tại đây, Hiền vẫn say mê vẽ tranh, ý tưởng sáng tạo phát triển không ngừng. Hằng ngày, hết giờ phục hồi chức năng, anh lại miệt mài bên giá vẽ.

Điều không ai ngờ và chính Hiền trong giấc mơ cũng không thể tưởng tượng rằng, tại bệnh viện bên bờ Biển Đông lộng gió đã nảy nở một tình yêu đẹp như tranh và dào dạt hơn cả sóng nước. Cô sinh viên thực tập xinh đẹp Nguyễn Thị Lý (SN 1985), nhỏ hơn Hiền 7 tuổi, đem lòng cảm mến chàng trai tật nguyền. Trong các bệnh nhân Lý hướng dẫn phục hồi chức năng, Hiền là người tập chăm chỉ và kiên trì nhất. Cảm mến nghị lực của anh, cô sinh viên nhỏ nhắn nhiệt tình đẩy xe lăn đưa bệnh nhân đặc biệt của mình đi dạo dưới rặng dừa ven biển, thế rồi, tình yêu nảy nở trong họ lúc nào không hay.

Tình yêu đến nhẹ nhàng như hơi thở, nhưng để được gắn bó bên nhau lại quá gian truân. Cha mẹ Lý ngăn cản quyết liệt vì sợ con gái khổ khi lấy người chồng tàn tật nặng. Trong khi đó, cha mẹ Hiền cho rằng, con trai mình đi không được, đứng không xong, ngay cả tiểu, tiện cũng tại chỗ thì làm sao có thể làm chồng, làm cha! Cả hai bên gia đình đều khẳng định: “Đó chẳng qua là tình cảm bồng bột nhất thời” và cùng ra sức cấm cản.

Không còn cách nào khác, Hiền và Lý gửi thư về nhận lỗi với cha mẹ, kèm theo bản sao tờ giấy đăng ký kết hôn. Rơi vào thế “con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”, không còn cách nào khác, đám cưới Hiền-Lý được tổ chức tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng vào đầu năm 2010 dưới sự chứng kiến của đại diện hai bên gia đình, các thầy thuốc, bạn bè, đồng nghiệp và những bệnh nhân cùng điều trị với Hiền.

Chị Nguyễn Thị Lý đưa chồng, con đi dạo phố.
Chị Nguyễn Thị Lý đưa chồng, con đi dạo phố.

Thắm tình chồng, nghĩa vợ

Không ít người cho rằng, yêu là thiên đường, kết hôn thì thiên đường… mất hút, nhưng thiên đường của Hiền và Lý chỉ thực sự đến sau khi họ được sống bên nhau. Càng khó khăn, họ càng yêu nhau nhiều hơn tất cả.

Thuở đầu mới cưới, hai vợ chồng thuê phòng trọ để ở. Lý được nhận vào làm điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dân Đà Nẵng. Hằng ngày, trước khi đến bệnh viện, Lý để sẵn giá vẽ, bột màu, nước uống cho chồng. Người vợ trẻ cũng không bao giờ quên treo mấy túi ni-lông trên xe lăn để chồng ở nhà “giải quyết việc riêng”. Quanh năm, trừ những ca trực hoặc được giao làm nhiệm vụ khác, hễ hết giờ hành chính thì Lý nhanh chóng trở về bên chồng. Bạn bè, đồng nghiệp rủ đi đâu, Lý cũng “xin lỗi”, “thông cảm”, “ông xã mình đang mong mình về”… Ngày ngày ở nhà, Hiền miệt mài vẽ tranh. Chính tình yêu quá đỗi lớn lao của vợ khiến tâm hồn anh bay bổng để sáng tạo nên nhiều tác phẩm tuyệt đẹp. Tranh của anh chuyên về phong cảnh trên chất liệu acrilic, sơn dầu, màu nước.

Để chồng không bị cảm giác ngột ngạt vì ở nhà quá nhiều, Lý thường xuyên đưa chồng đi tham gia các hoạt động xã hội dành cho người khuyết tật hoặc ra ngoài hít thở không khí, ngắm phong cảnh hay có khi chỉ để nhìn thấy các công trình mới. Nhờ đó, Hiền có nhiều bạn bè, người quen thân và tìm được sự chia sẻ, nguồn động viên từ những người cùng cảnh ngộ. Trong tình cảnh đồng bệnh tương lân, một người bạn ở 103 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã nhận bán tranh giúp Hiền. Từ đó, anh có nơi tiêu thụ tranh khá tốt, nhiều lúc vẽ không kịp bán. “Tại Hội An, bình quân giá mỗi bức tranh 50 USD, ở nhà thỉnh thoảng cũng có người đến mua. Vào những thời điểm hút hàng, mỗi ngày bán được từ 7-10 bức tranh ”, Lý nói.

Những năm qua, tranh của Hiền theo chân khách tham quan phố cổ đi đến nhiều nơi và có mặt tại nhiều cuộc triển lãm tranh trong nước. Đặc biệt, Hiền là họa sĩ duy nhất của Việt Nam được chọn tham dự triển lãm tranh quốc tế tại Đài Loan vào tháng 10-2013. Trên bước đường thành công đó, cùng với tình yêu, đôi khi Hiền cảm nhận Lý hơn cả một người vợ mà là một ân nhân của đời mình. Chàng trai tật nguyền thầm nghĩ đây là hạnh phúc hy hữu có một không hai trên thế gian nên khi có con trai đầu lòng, anh đã đặt tên là Nguyễn Tấn Hy Hữu.

…Chiều nay, Lý lại đẩy xe đưa chồng đi ngắm phố. Tôi xin chị dừng lại để chụp một tấm hình. Chị nhoẻn cười, nói nhỏ: “Anh thông cảm, hôm nay trở trời, anh Hiền đau hai tay và các khớp chân. Sợ em lo, ảnh cố không rên, nhưng ảnh đang gồng người chịu đau đó. Chắc chụp, hình sẽ xấu và có thể làm ảnh không vui, vì ảnh đang đau lắm! Xin hẹn anh hôm khác vậy”.

Đến chủ nhật sau, tôi điện lại. Câu đầu tiên Lý nói với tôi: “Cả tuần nay, anh Hiền thức trưa, thức tối để vẽ tranh cho kịp, vì người bạn ở Hội An điện báo nhờ gặp mấy đoàn khách “sộp” nên bán gần hết tranh rồi. Anh Hiền thương yêu và lo lắng cho vợ con lắm, hễ tranh bán được là ảnh miệt mài vẽ, không kịp ăn cơm, nên anh đừng đến nhé!”, Lý phân trần giọng chan chứa yêu thương.  

Nhờ việc bán tranh, thu nhập của đôi vợ chồng trẻ ổn định dần. Hiện tại, Hiền và Lý đã sở hữu được một ngôi nhà nhỏ khang trang với 2 đứa con ngoan (một trai, một gái). Hoàn toàn khác với lo lắng ban đầu của cha mẹ, vợ chồng Hiền - Lý đã không hề là gánh nặng của nhau mà trở thành niềm tự hào của cả hai bên gia đình.

Một buổi chiều, tôi lại đến nhà Hiền-Lý để ghi thêm thông tin và xin chụp ảnh bữa ăn tối của gia đình. Chuyện trò với Hiền hồi lâu, Lý mới đi làm về. Người vợ trẻ tươi cười chào khách, rồi ân cần hỏi chồng: “Hôm nay, anh có mệt không?” - “Anh vẫn khỏe thường và lúc nào cũng mong em về sớm”, Hiền âu yếm đáp. Lý ngọt ngào đặt hai tay lên vai chồng. Tôi áng chừng chị muốn cúi xuống hôn chồng nhưng vì nhà có khách, liền giả vờ có điện thoại rung, nhanh nhảu bước ra ngoài cửa...

Sau một hồi “độc thoại”, tôi trở vào nhà. Lý vừa thu dọn mấy bao đồ thải của Hiền, vừa nói chuyện với chồng một cách dịu dàng, trìu mến, khiến ai chứng kiến cũng “chạnh lòng” thầm mong một tổ ấm bình yên như vậy. Lý nhanh nhẹn nấu cơm tối, rồi đi đón hai con ở nhà trẻ. Lát sau, Lý dẫn hai con vào nhà và nói như reo: “Anh ơi! Hy Hữu hôm nay được điểm 10 và được cô giáo khen”…

Tôi chào tạm biệt vợ chồng Hiền-Lý. Khi tôi cúi xuống bắt tay Hiền, Lý đứng bên cạnh chồng, vui vẻ nói: “Nếu bây giờ được lựa chọn một lần nữa thì người em chọn duy nhất vẫn là anh chàng giàu nghị lực và tài năng này!”. Lý vừa nói vừa choàng tay qua vai chồng, đôi mắt người vợ trẻ rạng ngời hạnh phúc.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.