Vừa lau chùi, dọn dẹp xong một ca mổ ruột thừa, đôi tay chị Nguyễn Thị Hồi lại thoăn thoắt phơi hàng trăm chiếc chiếu. Nhìn bên ngoài, công việc của chị tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng mấy ai biết đằng sau đó là thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Dù khó khăn, vất vả đến đâu, chị vẫn vươn lên như những đóa hoa mười giờ được chị trồng khoe sắc trước cửa nhà xác Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu dưới cái nắng vàng tươi.
Tranh thủ lúc rảnh, chị Hồi vào phòng bệnh nặng hỏi han, chăm sóc, vệ sinh cơ thể cho bệnh nhân. Trong ảnh: Chị Hồi ân cần hỏi han sức khỏe cụ Nguyễn Thị Lẫn (76 tuổi) vào buổi trưa. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
Chị Hồi tiếp tôi trong một căn phòng làm việc khá oi bức, không điều hòa, chỉ có tiếng máy quạt chạy phành phạch. Từ căn phòng nhìn ra ngoài cửa sổ là hàng trăm chiếc chiếu bệnh nhân đã được phơi tươm tất, sạch sẽ. Công việc chị trôi chảy bao nhiêu thì ngược lại, cuộc đời chị sóng gió bấy nhiêu.
Lận đận ở đợ, làm thuê
Gợi lại những ký ức đau buồn, nước mắt chị Hồi cứ trào ra khiến người đối diện không khỏi mủi lòng. Tuy xanh xao, hao gầy vì thức đêm và làm việc cực nhọc, chị vẫn giữ được đôi mắt tinh anh và tràn đầy nghị lực. Nhìn ra khoảng trời xa xăm, bao nỗi đau, cực khổ tột cùng ngày xưa bỗng ùa về, chị lại lấy khăn lau nước mắt rồi kể: Chị sinh ra trong một gia đình có 4 chị em. Lớn lên trong thời buổi chiến tranh, chị càng gặp nhiều khó khăn, vất vả hơn khi bố mất sớm lúc chị mới 6 tuổi. Một mình mẹ phải gồng sức nuôi 4 chị em ăn học nhưng cũng chỉ được 8 năm sau thì bà bị bệnh tâm thần. Chị nhớ như in, tuổi thơ là những ngày đi học trễ, bị cô phạt vì phải bận quét dọn nhà vệ sinh cho lính. Có những lúc không trụ nổi, 5 mẹ con lại đưa nhau về quê che trại ở tạm nhưng rồi cả 4 chị em đều chia nhau mỗi người một nơi đi ở đợ.
Chị bỏ học giữa chừng lúc mới hết lớp 5, rồi ở đâu cần người giúp việc thì chị đi, khi Hội An, lúc Duy Xuyên. Cũng may sau đó chị gặp được một chủ nhà tốt bụng đưa chị ra Đà Nẵng. Ông ấy là thủ trưởng một đơn vị quân đội và xin cho chị vào làm ở Công ty Lương thực miền Trung. Làm được 12 năm thì… hết việc, chị phải nghỉ theo chế độ 176 vào năm 1992. Thất nghiệp, lại phải nuôi 3 con ăn học, chị đi phụ thợ nề. “Ông chủ thầu tay nghề chưa cao nên đã làm sai kỹ thuật. Đột nhiên, ổng bỏ trốn khi bị người ta bắt làm lại.
Vậy là chị trắng tay, không được trả công đồng nào trong thời gian phụ việc. Trong khi đó, chồng chị làm nghề kéo xe bò không kiếm được bao nhiêu tiền. Thấy chồng bị bệnh trĩ làm việc nặng nhọc, chị lại đi vay tiền mua xe công nông cho chồng. Run rủi thay, anh lại tông phải một người trong xóm, cũng may chỉ bị phần mềm. Vừa trả nợ xong cho ngân hàng thì Nhà nước cấm chạy xe công nông, lúc đó là vào khoảng năm 1997”, chị Hồi xúc động kể.
Không còn con đường nào khác, chị Hồi quyết định đi bán vé số. “Lang thang ngoài đường suốt ngày nên rất phức tạp, nhất là đi vào mấy quán cà-phê, quán nhậu toàn tiếp xúc với những người cờ bạc, rượu chè bê tha. Có lần chị gặp một người xé nguyên cả xấp vé số mà không có tiền trả. Chị đến tận nhà tìm thì đứa con của gia đình ấy phỉnh mẹ nói là lấy chứng minh nhân dân đi xin việc làm nhưng thực tế là đưa cho chị làm vật tin. Lần sau chị lại đến đòi, mẹ cậu ta mắng xối xả vào mặt chị rằng sao chị lại bán vé số cho nó mà giờ còn đi đòi tiền”, chị Hồi ngấn lệ nhớ lại. Lúc đó một tờ vé số khoảng 2.000 đồng nhưng cậu ta xé hết khoảng 200.000 đồng.
Đây là số tiền lớn đối với chị. Thấy lãng phí thời gian cất công đi đòi mà không được gì, chị đành ngậm ngùi vay mượn trả tiền cho công ty xổ số. Tuy nhiên, cái xui vẫn chưa dừng lại ở đây. Có lần một ông đeo kính râm đến đưa cho chị một cặp vé bảo là vé trúng, rồi lấy tiền của chị và lấy thêm nhiều vé số khác. Nhưng khi đem vé số đến công ty thanh toán, chị mới phát hiện cặp vé đó đã bị ông ta sửa lại một con số cho đúng với kết quả xổ số. Đã quá sức chịu đựng của lòng tự trọng, chị quyết định nghỉ đi bán vé số.
Duyên nợ với nghề hộ lý
Đang định chuyển qua nghề đổ nước thì may mắn có một người bạn làm việc ở Bệnh viện Tâm thần giới thiệu cho chị công việc hộ lý ở Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu. Lúc đó thu nhập chỉ 210.000 đồng/tháng, thấp hơn nhiều việc bán vé số, bởi thu nhập trung bình từ bán vé số tầm 20.000-30.000 đồng/ngày và nếu có khách trúng, họ còn cho thêm thì cũng được 70.000 đồng/ngày. Nhưng chị Hồi vẫn quyết định làm vì không phải lang thang suốt ngày ngoài đường nữa.
Nhớ lại kỷ niệm ngày đầu tiên đi làm hộ lý, chị rưng rưng: “Lúc đó là vào khoảng năm 1999, có một bệnh nhân bị tai nạn trên đèo Hải Vân được đưa vào cấp cứu. Bệnh nhân nôn mửa, máu me đầy phòng mà chỉ có mình chị lau dọn. Biết là công việc rất vất vả và phức tạp nhưng chị vẫn làm. Dù gì thì mình cũng có nhiều năm đi ở đợ, lau chùi, quét dọn cho người ta nên có thể chịu vất vả được. Rồi nghề dạy nghề, làm dần cũng quen”.
Với sự cần cù, chịu khó, chỉ 2-3 năm sau, chị Hồi được bệnh viện ký hợp đồng dài hạn. Lúc đầu hộ lý ít người nên công việc rất nhiều. Mỗi năm lại chuyển khoa một lần, chị phải tiếp xúc với đủ thứ chất dơ bẩn thải ra từ bệnh nhân, thậm chí cả tử thi trong nhà xác. Vì công việc, chị vẫn ngày ngày âm thầm cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình với người bệnh, người nhà bệnh nhân và bệnh viện.
Hiện Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu có tất cả 8 hộ lý, riêng Khoa Chống nhiễm khuẩn có 4 hộ lý trực đêm, mỗi phiên trực chỉ có một người nên những lúc bệnh nhân cấp cứu mổ nhiều thì rất vất vả. Vì vậy, chị phải làm luôn tay mới hết việc, nếu không việc sẽ dồn lại không thể nào làm xuể. Có nhiều đêm, đến tận 12 giờ, chị vẫn còn ngồi giặt chiếu. Đặc biệt, việc dọn dẹp ở nhà xác sau khi mổ tử thi càng vất vả hơn. “Có những ca bị đâm chém đưa vào viện lúc 1-2 giờ, sau khi mổ tử thi xong là chị phải ra nhà xác dọn. Có hôm 2 giờ sáng, chị phải nhờ anh bảo vệ ra đứng cùng thì mới yên tâm dọn dẹp.
Hôm đó, không biết sao khi mổ tử thi, người ta lại cắt tóc nạn nhân rồi bỏ vào thùng rác mà lại để lên phía trên. Một mình giữa đêm khuya, chị vừa mở thùng rác lên đã thấy một đống tóc nổi lên mà thót tim. Nhiều ca, chị phải tự tay mở nữ trang, bông tai, dây chuyền cho tử thi. Không ít ca bị xe tông, tử thi sình lên cứng ngắc không cởi nổi áo”, chị Hồi tâm sự.
Theo chị Hồi, công việc này quen tay mới làm được. Có người say bia rượu bị thương khi đưa vào bệnh viện, máu loãng chảy ra nhiều bắn tung tóe khắp nơi buộc chị phải lau chùi suốt đêm. Chưa kể, mỗi ngày chị còn giặt thêm 200 tấm ga, 100 cái chiếu nhi. Tính chất công việc đã giúp chị càng ngày càng trở nên cần mẫn, chu đáo. Đặc biệt, gặp những bệnh nhân khó tính, chị phải ân cần, nhẹ nhàng làm sao cho họ hài lòng.
Khi được hỏi “tại sao cuộc đời chị toàn gặp nhiều bất trắc và người xấu mà chị vẫn sống lạc quan, yêu thương mọi người”, chị Hồi cho biết: “Vì mình quá khổ nên hiểu cái khổ của họ. Nhìn lên có bao nhiêu người sướng hơn mình, nhưng nhìn xuống cũng còn nhiều người cực khổ hơn. Nhiều đêm làm khuya, thấy cảnh người ta đạp xe vô viện đào thùng rác tìm bao ni-lông, nhựa là chị nhói lòng”. Đồng cảm với số phận những người nghèo khó, chị thường dồn cất chai, lọ, nhựa... để dành cho những người khó khăn hơn nhưng chị vẫn thấy chưa đủ. Chị còn cho họ ít đồng ăn trưa, uống nước.
Những lúc rảnh rỗi, chị lại tranh thủ vào phòng bệnh nặng xem có bệnh nhân nào cần giúp thì chị xoa bóp, lau mặt, vệ sinh thân thể cho họ. Đôi khi đang bận việc nhưng hễ bệnh nhân không có người nhà nên nhờ chị đi mua ổ mỳ, tô bún chị cũng nhiệt tình giúp ngay. Vào những ngày rằm, 30, mồng 1, chị vẫn thường ra nhà xác thắp nhang, đốt điếu thuốc cho người quá cố.
Với những nỗ lực cống hiến trong công việc, năm 2013, chị Hồi vinh dự được nhận giải thưởng “Tỏa sáng blouse trắng” của thành phố. Và dù năm nay đã 53 tuổi nhưng ngoài giờ trực ở bệnh viện, chị vẫn dành thời gian đi dọn dẹp nhà cửa thuê. Hầu hết thời gian của chị là ở bệnh viện và ở nhà người thuê giúp việc. Chị cho biết, chị cố gắng làm để dành dụm cho con, cho mình khi già yếu và để dành làm từ thiện.
Tuy bây giờ chị Hồi đã bớt khó khăn hơn trước nhưng chị vẫn sống giản dị và tiết kiệm. Nhiều lúc có bệnh nhân nghèo bồi dưỡng cho chị, chị cũng không nhận. Bạn bè thường mắng chị mắc cái tội không ăn diện, thậm chí đi đám cưới cũng chỉ bận áo sơ-mi, quần tây bình thường. Ở bệnh viện, chị dành hết công sức cho công việc để chăm lo tốt cho bệnh nhân, về nhà chị là người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng con. Nhưng đôi khi con cái cũng gây ra biết bao điều làm chị phải buồn lòng và tự giải quyết cho những lỗi lầm của con gây ra. Chị chia sẻ với tôi rất nhiều về gia đình nhưng vì là chuyện riêng nên không thể đưa lên báo.
Dù vậy, trong ánh mắt chị, tôi vẫn cảm nhận được những giọt nước mắt hạnh phúc vì chị đã dành trọn cuộc đời mình cho chồng, cho con và giờ thấy con ngày càng trưởng thành hơn, đã biết lo, biết nghĩ. “Hôm rồi, lần đầu tiên đứa con trai út đi làm về đưa cho chị 200.000 đồng, chị vui rơi cả nước mắt. Mặc dù số tiền này không thấm vào đâu so với cây đàn mình mua cho con cả mấy chục triệu đồng”, chị Hồi xúc động nói.
Tôi chia tay chị khi những khóm hoa mười giờ trong hành lang nhà xác Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu vẫn còn thắm sắc. Nhờ bàn tay chăm bón của chị mà từ một nơi của sự chết chóc, hoang vu, lạnh lẽo, những đóa hoa trở nên tươi đẹp hơn. Chị bảo, lúc nào làm mệt, chạy ra đây ngắm những bông hoa mười giờ, chị cảm thấy thanh thản đến lạ. Chị mong sao những người quá cố, bất hạnh đã từng ghé qua nơi đây sẽ được yên nghỉ và phù hộ cho những cuộc đời kém may mắn để họ vươn lên như những đóa hoa mười giờ tươi sắc trong nắng giữa trưa hè oi bức, khắc nghiệt.
Mong muốn làm từ thiện để sẻ chia với người khốn khó Mong ước của chị Hồi là làm ra thật nhiều tiền để sau này có điều kiện đi làm từ thiện. “Cuộc đời mình cực khổ, nghèo khó giờ thấy ai khổ là muốn giúp. Nhà chị ở gần chùa nên mỗi lần thấy người ta làm từ thiện là chị cũng muốn tham gia nhưng lại không có thời gian. Bây giờ mình có thể giúp được gì cho bệnh nhân thì mình giúp. Sau này nghỉ hưu rảnh rồi chị cũng sẽ đi làm từ thiện”, chị Hồi chia sẻ. Ở bệnh viện, nhìn người ta vào làm từ thiện đôi khi chưa phù hợp là chị tự nhủ sau này mình sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. |
Đoàn Lương