“Đời người ai rồi cũng trở về với đất. Dù giàu hay nghèo, là quan hay dân thì lúc xa nhân thế, cái nút áo cũng phải để lại. Sống cốt sao khi nằm xuống, người đời khóc còn ta mỉm cười...”.
Hơn ai hết, những người viết điếu văn tận thấu điều này sau bao năm lặng lẽ “tụng ca” cho người đã khuất.
Ông Lực đọc sách cổ, Hán văn mỗi ngày để trau dồi ngôn ngữ cho việc viết điếu văn. Ảnh: Quỳnh Trang |
Viết cho người vắng bóng trên cõi đời
Chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Tấn Lực (khu phố An Cư 2, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) không mấy khó khăn, bởi quanh đấy, hỏi “ông Lực điếu văn”, ai cũng nhiệt tình chỉ đường. Cụ ông ngoài tuổi 80 này là phó ban trợ tang của khu phố và là người chuyên viết điếu văn miễn phí. Lúc chúng tôi đến, ông đang thong dong ngâm mấy câu thơ trong một cuốn sách cổ: “Cảnh vắng vì người/ Mây bay vì gió/ Cảm nghĩa non cao biển rộng/ Bâng khuâng trong dạ, chạnh bồi hồi”…
Hơn 10 năm qua, bà Thảnh (vợ ông Lực) đã quen với việc ủi quần áo “đột xuất” để chồng đi lo việc tang ma cho bà con khối phố. Nhiều hôm thấy ông 1, 2 giờ sáng còn mọ mẫm ra khỏi nhà, bà xót lắm, nhưng “cằn nhằn ông ấy la ngay, nghĩa tử là nghĩa tận, tình nghĩa là lúc này”.
Vốn là cán bộ tập kết chỉ biết “súng ống đạn dược”, nói về cơ duyên với “nghề” viết điếu văn, ông Lực phân trần, ban đầu, khu phố có người mất nhưng gia đình nghèo, ban trợ tang phải đứng ra lo hết. Mọi thứ đã xong xuôi, ngặt nỗi vẫn chưa có điếu văn, thế là ông Lực xung phong. “Bài điếu đầu tiên tôi dựa vào những bài điếu đã nghe/đọc trước đó rồi sửa lại theo sơ yếu lý lịch, quá trình cống hiến của người mất, niềm tiếc thương của gia đình, xóm làng, bạn bè với người quá cố. Không ngờ, khi đọc lên, ai nấy có mặt trong đám tang đều rưng rưng xúc động. Tôi nghiệm ra một điều, dù người đã khuất từng là người lương thiện hay người hành thì khi vắng hình bóng họ trên cõi đời, ai cũng thương, cũng nhớ. Đó cũng là bài học cho người đời, cố sống sao để khi ta chết, người khóc còn ta mỉm cười”, ông tư lự.
Dù gắn bó với việc viết điếu văn hơn 10 năm nay, không biết đã chấp bút chia xa bao người, nhưng bắt đầu bài điếu nào, đặt bút xuống là ông Lực lại chảy nước mắt, bởi ông luôn “đặt bản thân mình vào vị trí của gia đình có người mất”.
Tiểu sử, lý lịch những người ông Trung từng viết điếu văn được ông lưu giữ cẩn thận. Ảnh: Thanh Tân |
Chút tình để lại
Ở xã Hòa Bắc, mấy năm nay, ông Nguyễn Văn Trung (67 tuổi, người thôn Tà Lang), Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã là người viết điếu văn vào hạng “đắt sô”. Có tháng, ông Trung chẳng được nghỉ ngơi ngày nào. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dịch vụ tổ chức tang lễ cũng đã “tràn” lên Hòa Bắc, nhưng dịch vụ chỉ lo việc khâm liệm, trong trường hợp cần thiết có thể thay gia chủ nói lời cảm ơn... Riêng điếu văn chưa có nhà đầu tư dịch vụ nào dám nhận.
Hiện cả xã Hòa Bắc gồm 7 thôn có chừng 2-3 người có thể viết điếu văn. Riêng hai thôn Tà Lang, Giàn Bí thì ông Trung “bao trọn”, kể từ khi cụ ông chuyên viết điếu văn của thôn Tà Lang khuất núi. Song, không phải đến bấy giờ ông mới bắt đầu với công việc này. Những bài điếu văn đầu tiên được chàng thanh niên Nguyễn Văn Trung viết trong những ngày còn trong quân ngũ (Lữ đoàn 532 đóng ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Lúc bấy giờ, ông Trung viết để tiễn đồng đội hy sinh và sau đó, ông tiếp tục viết điếu văn vì không thể “làm ngơ” trước những hoàn cảnh neo đơn, khốn khó.
Mấy mươi năm trôi qua, “nghề tụng ca người đã khuất” vẫn vẹn nguyên theo ông qua bao đổi thay của cuộc sống. “Người ta có cần lắm mới nhờ mình, mình giúp được gì thì giúp thôi”, ông nói về công việc thầm lặng “ai cũng muốn đẩy” một cách nhẹ hều; và hơn hết, ông nhận thấy đây là công việc đầy ý nghĩa khi mình viết nên những điều ghi nhận công trạng, ngợi ca đạo đức của người… từng sống chính là chút nghĩa tình con người dành cho nhau, cũng là điều an ủi, xoa dịu nỗi đau cho người ở lại.
Nếu ông Lực dành thời gian đọc sách, ngâm thơ, văn cổ mỗi ngày để có “vốn” viết nên những bài điếu có chất lượng, thì ông Trung cũng lắm công phu khi phải cất công thu thập tư liệu liên quan đến người mất để viết một bài điếu “nặng” thông tin, thậm chí có tính thời sự. Với ông Trung, trong viết điếu văn, nguyên tắc tôn trọng sự thật phải được đặt lên hàng đầu; tất nhiên, với người đã mất, đó phải là sự nhắc về những sự thật tốt đẹp! Điếu cần được viết bằng thể văn chính luận chặt chẽ chứ không “nghêu ngao”. Có bản điếu ông phải mất đến 2 ngày ròng. Như trường hợp viết điếu cho các vị lão thành cách mạng Nguyễn Thị Rít, Trương Thị Phơi, ngoài thông tin từ gia đình, hàng xóm, ông Trung còn công phu đi tìm gặp những người sống cùng thời với họ để góp nhặt thêm thông tin và ghi nhận đủ công lao, nhân cách tốt đẹp của những người có công này. Hay như trường hợp viết điếu đưa tiễn già làng Trương Văn Nhơi (vừa mất năm ngoái), ông Trung chọn “điểm nhấn” là hành động anh hùng của già làng trong một trận càn của lính Mỹ trước đây để đưa vào bài điếu... Để có được những chi tiết đắt giá đó, không cách nào khác, ông Trung phải lục tìm về quá khứ thông qua tư liệu hoặc những câu chuyện kể.
Lao tâm khổ tứ là thế nhưng tuyệt nhiên ông Trung hay ông Lực không lấy một đồng trả công nào của bất kỳ ai. Coi viết điếu văn như việc nghĩa nên chẳng bao giờ các ông lấy làm nặng nhọc. Thường thì sau khi hoàn tất các thủ tục tang lễ, gia đình người mất đến nhà nói lời cảm ơn, chừng đó các ông đã thấy ấm lòng.
Một “nguyên tắc” được đặc biệt đề cao trong công việc những người viết điếu văn như hai ông, đó chính là sự công bằng. Hễ là người nằm xuống, bất luận giàu-nghèo, cán bộ-thường dân, ngoan hiền hay từng có tiền án…, họ đều xứng đáng được ra đi thanh thản. “Thậm chí, với những người lúc sống có phần ngang ngược, điêu ngoa, làm chuyện trái đạo đức, song khi về với đất, tất cả những ưu phiền đều buông bỏ, người sống có nhìn họ cũng chỉ là trao lại sự bao dung”, ông Trung trầm ngâm.
Có điều, những lý lẽ, những chuyện hợp đạo lý như thế thường con người ta phải đi gần hết cuộc đời mới thấu hiểu hết. Chẳng thế mà, trong câu chuyện của giới viết điếu văn, không ít người bị… nghi ngờ “động cơ” viết, khi họ cứ một mực tụng ca ngay cả những người lúc sống còn điều này, điều kia… “Có lẽ cũng vì thế, ngày nay, tôi chẳng thấy người trẻ nào mặn mà với việc viết điếu văn”, các ông đúc rút.
Giữa một “rừng” các dịch vụ tang lễ trọn gói, giữa bao sự dễ dàng lựa chọn dịch vụ phù hợp với gia đình, con người ta vẫn còn một điều không thể “thuê” được, đó chính là “bài điếu ân tình” được viết nên từ gan ruột của người làng trên, xóm dưới...
Thanh Tân – Quỳnh Trang