.

Mong cả thế giới đều nghe được

.

“9 năm trước, nhân chuyến công tác đến một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tôi gặp nhiều người có hoàn cảnh giống mình, nhưng ít người có thể học tập lên cao và có công việc ổn định. Tôi thấy mình quá may mắn. Từ đó tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó ở đất nước này, đặc biệt là cho những đứa trẻ”, bà Paige Stringer, người sáng lập Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính (Global foundation for Children with Hearing Loss) trải lòng về việc ra đời tổ chức này để thúc đẩy việc chữa trị cho những em bé bị khuyết tật thính giác.

Peige Stringer (thứ hai bên trái) cùng các chuyên gia của Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính và lãnh đạo Trường Chuyên biệt Tương Lai trong chuyến tập huấn đến Đà Nẵng tháng 3-2017. 								            Ảnh: HOÀNG NHUNG
Paige Stringer (thứ hai bên trái) cùng các chuyên gia của Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính và lãnh đạo Trường Chuyên biệt Tương Lai trong chuyến tập huấn đến Đà Nẵng tháng 3-2017. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Một chuyến đi đổi đời

Năm sau đó (năm 2009), Paige Stringer quyết định dành thời gian một tháng sang hoạt động tình nguyện tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, tỉnh Bình Dương. Bà nhận thấy còn nhiều hạn chế cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng nguồn nhân lực trong công tác giáo dục sớm cho trẻ như bé khiếm thính (KT) và điếc thiếu máy trợ thính; giáo viên còn nhiều hạn chế trong dạy trẻ nghe – nói và hơn hết là sự thiếu hiểu biết về vấn đề KT ở chính phụ huynh khiến những đứa trẻ mất cơ hội được hỗ trợ học tập sớm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục trẻ KT.

Các em bị lỡ cơ hội phát triển ngôn ngữ nói vì không được trang bị phương tiện trợ thính và không được tiếp cận với chương trình giáo dục phù hợp. Chương trình ở các trường chuyên biệt cũng mới chỉ dừng lại cho học sinh học hết lớp 9.

Theo Paige, có thể nhiều em sẽ tìm cách học cao hơn, nhưng để vào được đại học hoặc hơn nữa và hòa nhập xã hội sâu rộng là điều gần như không thể đối với người KT. Thực tế ấy đối lập với những trải nghiệm cá nhân của Paige trong suốt quãng đời niên thiếu. Nhìn lại mình, Paige nhận thấy mình quá may mắn và những quan sát thực tế đó thôi thúc bà phải làm gì đó nhiều hơn cho trẻ con ở Bình Dương, và có thể ở khắp Việt Nam.

Về Mỹ, Paige Stringer thành lập Quỹ toàn cầu dành cho trẻ khiếm thính. Trong vai trò Giám đốc điều hành quỹ này, bà nỗ lực tìm các chuyên gia trị liệu ngôn ngữ và thính học, mời họ về làm việc; đồng thời tiến hành vận động quyên góp tạo nguồn quỹ cũng như triển khai hàng trăm thứ việc khác để chuẩn bị những chuyến tập huấn cho giáo viên, bác sĩ…

Năm 2010, Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính đưa chương trình nghe nói 4 năm (Auditory learning guide, 2009, Beth Walker) vào thử nghiệm tại Trung tâm Thuận An với các khóa bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên, nhân viên y tế và phụ huynh trẻ KT.

Chương trình ưu tiên cho trẻ dưới 6 tuổi, vì đây là lứa tuổi phát triển ngôn ngữ mạnh nhất. Sau Bình Dương, chương trình hỗ trợ của Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính tổ chức tập huấn thường xuyên mỗi năm 1-2 đợt tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh. Số học viên được mời tập huấn mở rộng ra đến Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế.

Tại khoa Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giáo viên trị liệu nghe – nói cùng gia đình một số trẻ khiếm thính bắt đầu được Quỹ hỗ trợ từ năm 2013. Tiếp đó, tháng 11-2015, các chuyên gia của tổ chức này lần đầu tiên phối hợp với Trường Chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng tập huấn cho 32 giáo viên của các trường chuyên biệt, kỹ thuật viên thính học các tỉnh miền Trung.

Điều tôi có thể cho đi

Paige Stringer được bố mẹ phát hiện bị điếc bẩm sinh khi 11 tháng tuổi. Ngay lập tức, gia đình cho Paige tiếp xúc với bác sĩ chuyên khoa, được đeo máy trợ thính và học nghe, phân biệt các âm thanh (không giống người có tật về mắt như cận thị thì chỉ cần đeo kính là có thể nhìn rõ, những người bị điếc hoặc KT sau khi đeo máy trợ thính phù hợp thì não cần được “đào tạo” để phân biệt các âm thanh và cần học nghe, nói).

Năm 3 tuổi, cô bé Paige đến trường tham gia chương trình can thiệp sớm cho trẻ KT, đến 5 tuổi bà bắt đầu vào mẫu giáo và học chương trình hòa nhập ở một trường bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa và theo đuổi việc học của mình đến khi tốt nghiệp ĐH Washington, và lấy bằng thạc sĩ của Trường ĐH San Francisco chuyên về marketing. Bà có gần 15 năm làm việc trong lĩnh vực thương mại và marketing ở những công ty hàng đầu của Mỹ về lĩnh vực này cho đến khi sáng lập Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính và theo đuổi nghề viết văn tự do.

Bút ký “Một chuyến đi đổi đời” do Paige chấp bút đã được xếp thứ 9 trong các bài chuyên đề của cuộc thi viết thường niên do Tạp chí Write’s Digest tổ chức - một trong những cuộc thi viết lớn nhất tại Mỹ. Trong bài viết, Paige kể lại chuyến đi đến Việt Nam năm 2009.

Bà bảo rằng mình thực sự xúc động trước cuộc sống, sự thiếu thốn của những đứa trẻ và muốn giúp bất cứ điều gì có thể để các em có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Chuyến đi ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi nhận ra rằng đây là điều tôi có thể cho đi, để những người khuyết tật như tôi có thể được chăm sóc một cách chuyên nghiệp”, Paige trải lòng.

Và để hiệu quả hơn việc giúp một nhóm trẻ, Quỹ toàn cầu cho trẻ KT đặt tại Việt Nam đặt mục tiêu giúp đào tạo trong nhiều năm đội ngũ giáo viên về can thiệp sớm, để một giáo viên có thể dạy lại hàng chục đứa trẻ, chất lượng giáo dục nhờ đó nâng cao hơn. “Như một hòn đá khi quăng xuống nước sẽ tạo thành vệt sóng, một người sẽ giúp đỡ được nhiều người”, Paige ví von về tầm nhìn của chương trình đào tạo giáo viên do Quỹ tiến hành ở Việt Nam những năm qua.

Hiện Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng giáo trình giảng dạy của Quỹ, và có thể mọi việc sẽ đi rất xa khi nhiều sinh viên được tiếp cận chương trình giáo dục này. Và Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính đang hỗ trợ cho khoảng 1.000 trẻ KT ở Việt Nam, cùng hàng trăm trẻ em khác có cùng dạng tật ở hai nước Ecuador và Mongolia.  

Tạo ra sự thay đổi

 “Chương trình hỗ trợ cho giáo viên, kỹ thuật viên ở Đà Nẵng đang ở năm thứ nhất của dự án kéo dài 3 năm. Chúng tôi nhận thấy so với ngày đầu tiên, đội ngũ này đã có nền tảng vững chắc. Đến năm thứ 3 đào tạo, họ có thể thực hiện công việc của mình rất tốt và có khả năng đào tạo cho những người khác”, bà Paige nhận xét về dự án triển khai ở miền Trung.

Những chương trình tập huấn đã tạo nên sự thay đổi đáng kể về năng lực chuyên môn của giáo viên, đồng thời giúp những người trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ có nhận thức và hướng đi đúng đắn trong việc phát huy sức nghe và phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ KT.

Trong chuyến sang Đà Nẵng lần thứ 4 của nhóm chuyên gia Quỹ toàn cầu cho trẻ KT trung tuần tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên đoàn tổ chức tập huấn cho bác sĩ, kỹ thuật viên ở Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. “Chúng tôi giúp bệnh viện trong vấn đề sàng lọc trẻ sơ sinh để phát hiện sớm trẻ KT, đem lại cho trẻ KT cơ hội được can thiệp thính học và trị liệu”, Paige nói.

Tuy nhiên, điều bà Paige còn khá trăn trở là tại Đà Nẵng cũng như nhiều nơi ở Việt Nam chưa có chương trình trị liệu can thiệp sớm, và cần cải thiện một số vấn đề trong hệ thống phát hiện sớm, can thiệp sớm, vì nếu trì hoãn sẽ gây thiệt thòi cho những đứa trẻ không may; cũng như cần nâng cao nhận thức trong cộng đồng, giúp người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của KT, giúp những gia đình có con KT tự tin trong việc dạy trẻ và hỗ trợ trẻ có máy trợ thính phù hợp với tình trạng thính lực.

Không phải đeo máy trợ thính cho một đứa trẻ KT và mong đợi điều kỳ diệu xảy ra, mà các em cần được học với mục tiêu phát triển ngôn ngữ, phát triển nhận thức và kiến thức xã hội để có thể phát triển toàn diện. Càng phát triển được khả năng ngôn ngữ sớm bao nhiêu, các em càng có nhiều cơ hội tiếp cận với chương trình đào tạo giáo dục phổ cập, xóa bỏ rào cản giữa trẻ KT với những trẻ khác để sống và làm việc độc lập như người bình thường. Và giờ đây, niềm hy vọng ấy đã và đang dần trở thành hiện thực nhờ vào những mô hình hỗ trợ giáo dục trẻ KT.

Paige Stringer 9 năm nay đi đi về về giữa Việt Nam, Mỹ và nhiều nước khác để tìm kiếm nguồn lực, để đưa 65 chuyên gia thính học và trị liệu ngôn ngữ của Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính sang Việt Nam. Bà luôn đứng bên cạnh các chuyên gia, lặng lẽ và khiêm nhường với nụ cười luôn nở trên môi, sẵn sàng hỗ trợ mọi người bất kỳ việc gì chỉ để mong “đem đến cho trẻ những cơ hội như tôi đã có. Đi đến đâu, tôi cũng nói cho mọi người biết tôi sinh ra đã bị KT nhưng tôi vẫn nói chuyện bằng chính giọng nói và nghe bằng chính đôi tai của mình. Vì vậy, KT là một dạng tật có thể trở thành bình thường nếu được hỗ trợ công nghệ trợ thính và giáo dục sớm”.

Theo số liệu thống kê của Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính, hiện có hơn 180.000 trẻ em (dưới 18 tuổi) điếc và KT tại Việt Nam. Con số này sẽ tiếp tục tăng vì việc khám và tìm ra các em bị mất thính lực đang ngày càng phổ biến và được tiến hành sớm hơn.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện thế giới có hơn 62 triệu trẻ em dưới 15 tuổi (2/3 trong số đó cư trú ở các nước đang phát triển) bị điếc hoặc KT. Các chuyên gia y tế đã nêu một vài nguyên nhân căn bản: tình trạng chăm sóc y tế trước khi sinh còn kém, thiếu sự phòng ngừa, nhiễm độc ototoxic và nhiễm trùng tai giữa mạn tính. Thông qua chích ngừa, nhận dạng sớm và chương trình can thiệp sớm, tiếp cận với các thiết bị trợ thính, điều trị y tế, hơn 50% trường hợp KT ở các nước đang phát triển có thể giảm bớt hoặc loại bỏ.

"Sứ mệnh của chúng tôi là giúp trẻ khiếm thính tiếp cận được công nghệ, sự hỗ trợ và các nguồn lực để phát triển đầy đủ nhất trong xã hội."

Paige Striger, Giám đốc điều hành Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.