.

Ai cung cấp giống cho nông dân?

Bà con nông dân huyện Hòa Vang luôn đứng trước những nỗi lo lớn của thiên tai, dịch bệnh như: Hạn hán, bão lụt, dịch cúm gia cầm, bệnh heo tai xanh, bệnh lở mồm long móng của trâu bò, v.v..., và bây giờ lại gánh thêm nỗi lo không phải tại chuyện của đất, trời mà do chính con người và cơ chế sinh ra, đó là: Ai cung cấp giống cho nông dân? Nhiều hộ chăn nuôi ở Hòa Vang từ đầu năm tới nay đành phải đóng cửa chuồng vì không có con giống, hay nói đúng hơn, không có ai cung cấp con giống cho họ...

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, đàn heo của bà con nông dân huyện Hòa Vang bị thoái hóa nghiêm trọng và họ đang rất cần loại giống mới. Giá heo giống hiện nay trên thị trường cao gấp nhiều lần, vả lại khó có thể tin tưởng được mua heo trên thị trường nuôi có bảo đảm về chất lượng hay không. Do vậy, nhiều hộ nông dân không còn nuôi heo nữa, mà đã không nuôi heo thì biết lấy gì thu nhập, lấy gì trang trải cho cuộc sống trong thời buổi giá cả đắt đỏ này. Cho nên, nhiều hộ nông dân ở Hòa Vang đứng trước nguy cơ tái nghèo là điều có thể dự đoán trước…

Cách đây gần một năm, UBND huyện Hòa Vang đã có Quyết định số 861/QĐ-UBND ban hành Đề án Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2007-2010. Trong đó về chăn nuôi, đề án nói trên đề cập rất cụ thể như: Khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi trang trại với chăn nuôi hộ gia đình, bảo đảm công tác thú y, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; tăng tốc độ chu chuyển đàn gia súc, gia cầm để có sản phẩm phục vụ thị trường, phấn đấu đến năm 2010 giá trị ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 34% trong giá trị ngành nông nghiệp...

Triển khai thực hiện đề án này, hàng nghìn hộ dân đã đầu tư tiền của để xây dựng chuồng trại, hàng trăm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Hòa Vang đã ra đời, kỳ vọng một mùa bội thu... Thế nhưng, niềm vui chưa được bao nhiêu thì nỗi lo mới lại đến càng lớn hơn khi mà không có “đầu vào” là con giống...

Cũng như nhiều địa phương khác, thành phố Đà Nẵng cũng có Sở Thủy sản - Nông - Lâm, cũng có đội ngũ khoa học kỹ thuật về chuyên ngành, chuyên nghề, cũng có Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm, cũng có các trại giống “hoành tráng” để phục vụ sản xuất nông nghiệp... Ngay trên địa bàn huyện Hòa Vang có những trại giống được đầu tư xây dựng nhiều tỷ đồng, với quy mô lớn như: Trại Heo giống Hòa Phong, Trại Cá giống nước ngọt Hòa Khương... Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, bà con nông dân chưa được cung cấp các giống cây trồng và con vật nuôi, hiệu quả của các trại giống này đạt rất thấp nếu không muốn nói là lãng phí… Sự bế tắc về hoạt động của các nơi cung cấp giống này từ lâu đã được các cơ quan ngôn luận nhiều lần lên tiếng, thế nhưng tiếc thay, bộ máy cán bộ nơi này vẫn chưa có bước “chuyển dịch” về tư duy như mục tiêu đề ra về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi của đề án...

Việc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn không chỉ do một địa phương (cụ thể ở đây là UBND huyện Hòa Vang) tự vạch ra đề án mà có thể thành công được, nó phải được nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều tổ chức... có liên quan cùng hợp tác đề ra và thực hiện. Việc các trại giống ở Hòa Vang đang bế tắc về hoạt động đã làm cho người nông dân không còn mấy tin tưởng vào sự hỗ trợ của các ngành chức năng mà lẽ ra, nhiệm vụ này là của chính họ.

Ngành Thủy sản - Nông - Lâm thành phố đang có trong tay những kỹ sư dày dạn kinh nghiệm trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, tại sao không tổ chức một cuộc thi tuyển chọn về đề án cung cấp con giống để “phục sinh” lại ngành chăn nuôi của thành phố. Hằng năm có thêm những sinh viên, kỹ sư trẻ khá giỏi mới ra trường, tại sao không mạnh dạn đưa họ về địa phương, các trại giống để công tác, để “thay máu” đội ngũ đã quá “mệt mỏi” về lĩnh vực này. Cuộc cách mạng trên đồng ruộng không chỉ song hành với cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật mà còn phải song hành với lòng nhiệt huyết, với tư duy của mỗi con người, của các công cụ hỗ trợ và của một hệ thống về công tác tổ chức.

Tại buổi làm việc của Thường trực HĐND thành phố với UBND huyện Hòa Vang mới đây (ngày 4-4-2008), đồng chí Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND thành phố đã phát biểu: “Phát triển sản xuất phải đi đôi với ổn định đời sống nhân dân”. Bà con nông dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi ở huyện Hòa Vang muốn phát triển sản xuất để ổn định đời sống lắm nhưng ai cung cấp giống cho họ, hay nói đúng hơn, ai, ngành nào phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực này?

LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.