Có thể một số người nào đó cho rằng sự kiện Vinasat-1 không có gì đáng để các phương tiện thông tin đại chúng phải nói nhưng như là tự chính chúng ta làm lấy tên lửa mà phóng vệ tinh lên trời vậy!
Chuyện anh hùng, phi công vũ trụ Phạm Tuân bay lên quỹ đạo năm 1980 xét ra cho cùng nào khác chuyện nữ phi hành gia Hàn Quốc bay lên vũ trụ vừa rồi? Và tương tự như vậy, sắp tới đây Việt Nam sẽ khởi công xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, và đó chắc chắn cũng là một sự kiện vô cùng lớn trong lịch sử phát triển của dân tộc.
Đặt các sự kiện lớn bên nhau như vậy ta mới thấy rằng quả thật, thời đại này đâu có phải cần phải nghiên cứu đầy đủ từ A đến Z thì ta mới có quyền tự hào là đưa được vệ tinh của riêng mình lên vũ trụ, đâu có cần phải nghiên cứu hạt nhân đầy đủ từ cơ bản đến kỹ thuật mới có thể làm được điện hạt nhân. “Phải biết đứng trên vai người khổng lồ”. Vấn đề là khi đứng được trên vai của người khổng lồ ấy rồi thì ta có biết từ đó mà vươn lên những tầm cao mới hay không mà thôi!
Tương tự như vậy, chuyện vừa rồi TP. Hồ Chí Minh cử người qua Singapore học cách trồng cây xanh làm đẹp thành phố là một điều vô cùng hay, lẽ ra ta phải thực hiện điều đó từ lâu rồi, và không phải chỉ lĩnh vực cây xanh! Tổ chức giao thông đô thị làm sao cho hợp lý theo vận trù học; xây dựng, sửa chữa đường sá _làm sao để ít ảnh hưởng nhất đến giao thông, mua nguyên một dây chuyền sản xuất ô-tô về vừa làm vừa học thay vì cứ chờ chuyển giao công nghệ. Nước Nhật trở nên hùng cường như ngày nay cũng bắt đầu từ sự bắt chước, rập khuôn như vậy.
Và không phải chỉ lĩnh vực kỹ thuật. Nói thật, chúng tôi vẫn nghĩ rằng Ban giám khảo “Cánh Diều vàng 2007” vừa rồi, và hầu hết đạo diễn ở ta hiện nay, đều không hề biết cách dàn dựng các pha hành động của phim “Dòng máu anh hùng”, thế nhưng tất cả đều xem đó là chuyện đơn giản, rẻ tiền và không đáng là nghệ thuật! Một trong những thuộc tính của điện ảnh là kỹ thuật, kỹ xảo. Mỗi phim đoạt giải Oscar của Holywood luôn là một tìm tòi mới về kỹ xảo, hiệu quả điện ảnh, thế sao ở ta lại xem thường chuyện này đến vậy? Chính vì sự “tự cao” này trong điện ảnh, và các ngành khác nữa, đã khiến cho các đạo diễn không chịu khăn gói đi học những bài căn bản nhất về kỹ thuật, kỹ xảo, hành động trong điện ảnh để rồi khi gặp các pha tát tai, khóc..., các diễn viên bao giờ cũng phải cắn răng để chịu tát “nẩy đom đóm mắt” (phát biểu của Lê Khanh trong phim “Câu chuyện dòng sông”), hoặc “rặn” ra mà khóc như thật, mới được đạo diễn gật đầu cho qua.
Chương trình giáo dục các môn toán, lý, hóa (thứ mà từ cơ bản đến thực hành ta đều đi sau thiên hạ) tại sao cứ phải tốn tiền tỷ để nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mà không cập nhật phương pháp dạy và học các môn này ở các nước tiên tiến? Trình bày một bìa sách hay một trang báo cũng vậy. Tại sao cứ phải mày mò nghiên cứu khi mà thế giới đã có hàng trăm năm kinh nghiệm đi trước?
Cần phải đi học, chính xác hơn là chẳng cần phải học nữa, cứ hãy bắt chước như một chiếc máy, sau đó rồi hãy nghĩ đến chuyện nghiên cứu sáng tạo điều gì mới. Ví dụ như chuyện Vinasat-1 này vậy, hết 1 rồi sẽ đến 2, 3. Thậm chí vệ tinh do thám, vệ tinh quan trắc thời tiết, vệ tinh ra-đa chắc chắn rồi sẽ có bằng con đường mua lấy mà xài. Và chính trên cái nền ấy, sự phát triển sẽ đến và lúc đó hãy hẳn nghĩ đến chuyện chế tạo một thứ gì đó mới mà thiên hạ chưa từng có.
HỒ TRUNG TÚ
.
.
Cần phải biết bắt chước
Thứ Năm, 24/04/2008, 06:37 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.