Hậu quả nặng nề do bão số 6 cuối tháng 10-2006 chưa khắc phục xong thì hàng chục nghìn hộ nông dân ở thành phố Đà Nẵng lại liên tiếp đối mặt với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và lũ lụt tàn khốc.
Chưa kịp phục hồi sản xuất, lũ lụt, dịch bệnh cướp đi không ít tài sản còn lại của họ. Bước vào vụ sản xuất đông xuân 2007-2008, ai nấy nỗ lực hết mình, những mong có thu nhập để ổn định đời sống. Nhưng rồi, hy vọng bổng chốc tan biến khi rét đậm kéo dài gây thiệt hại quá lớn: lúa trổ nhưng không hạt.
Có thể nói, chưa khi nào nông dân Đà Nẵng đối mặt với khó khăn gay gắt như hiện nay. Chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng chắc chắn hàng nghìn hộ nông dân đang tái nghèo, hoặc thu nhập chỉ đạt trên ngưỡng nghèo. Trước mắt họ là nguy cơ thiếu đói, thiếu cây, con giống, thiếu vốn đầu tư...
Giá cả tăng, mùa màng thất bát, đẩy hàng nghìn hộ nông dân vào cảnh túng quẫn. Trực tiếp sản xuất lúa gạo, thế mà họ thiếu lương thực cho đời sống hằng ngày. Thời gian này, đến đâu cũng bắt gặp cảnh nông dân bất đắc dĩ cắt lúa về làm thức ăn cho trâu, bò và gồng mình phòng chống dịch heo tai xanh, dịch cúm gia cầm.
Xóa nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Thế nhưng, trước tình trạng tái nghèo đang diễn ra đáng lo ngại hiện nay, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể đã giúp gì cho nông dân? 500 triệu đồng từ ngân sách thành phố hỗ trợ mua cây, con giống sau lũ chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu tái sản xuất. Ngân sách địa phương đầu tư cho sản xuất ít ỏi, không giải quyết được bức xúc của nông dân. Sở Thủy sản-Nông-Lâm với đội ngũ cán bộ hùng hậu, nhưng bó tay trước vô vàn khó khăn của nhà nông. Trong khi nông dân tất bật ngược xuôi tìm mua cây, con giống phục hồi sản xuất, các đơn vị ngành nông nghiệp vẫn bình chân như vại. Trại heo giống bỏ hoang nhiều năm. Trại giống thủy đặc sản sản xuất cầm chừng. Gần chục năm lúa trên đồng ruộng không hề thay giống. Chưa có sự đột phá nào về tiến bộ KHKT trên đồng ruộng. Trận lũ lịch sử cuối năm 2007 qua hơn nửa năm, đến nay hàng trăm ha ao hồ, hàng nghìn chuồng trại vẫn chưa có giống thả nuôi. Hội Nông dân chưa có giải pháp khả thi giúp nông dân thoát khỏi cảnh khó khăn này. Vốn đến với nông dân nghèo không dễ. Hệ quả là hộ nông dân tái nghèo tăng đáng kể.
Đẩy mạnh sản xuất cho nông dân là giải pháp tốt nhất chống tái nghèo. Muốn vậy, phải có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, Hội Nông dân và nỗ lực của chính người nông dân. Trước hết cán bộ các cấp, hội đoàn thể, ngành nông nghiệp phải về nông thôn để xem đời sống, thu nhập của nông dân hiện nay để từ đó đề ra giải pháp khả thi. Cần phải đến từng gia đình, xem trong nhà họ có còn gạo ăn, ra đồng xem lúa hư hại đến mức nào. Từ thực tế đời sống đó, xem nông dân họ cần gì. Thiếu vốn, huy động ở đâu? Ngân hàng Chính sách xã hội hay ngân sách thành phố, quận, huyện chi hỗ trợ ra sao? Thiếu giống cây trồng, vật nuôi giải quyết bằng cách nào. Ai thực hiện? Rồi còn vật tư, phân bón thời tăng giá, giúp nông dân bằng cách nào? Lao động nông nghiệp, sức kéo thiếu, ai giải quyết? Đó là chưa nói, hàng trăm hộ đang thiếu đói gay gắt do lúa không hạt, ai hỗ trợ, hỗ trợ như thế nào…
Thử hỏi đã có địa phương, đơn vị chức năng nào cử cán bộ về cùng ăn cùng ở với nông dân để chỉ đạo sản xuất? Chắc chắn là chưa.
Cần đánh giá đúng thực chất tình trạng nghèo hiện nay. Và cũng cần điều chỉnh lại hạn mức nghèo, khi mà giá cả tăng vùn vụt, đồng tiền mất giá. Ngưỡng thu nhập 260 nghìn đồng/người/tháng ở nông thôn; 300 nghìn ở đô thị liệu có còn phù hợp? Đừng xấu hổ khi tỷ lệ hộ nghèo lại cao như vậy. Cứ theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, tỷ lệ hộ nghèo của huyện này chỉ còn 6,7%, thì phấn khởi quá đi chứ. Phản ánh đúng thực chất đời sống, thu nhập của nông dân huyện này, tỷ lệ đó cao gấp nhiều lần. Đây cũng là căn bệnh thành tích cần khắc phục.
Không thể để nông dân tái nghèo vì thiên tai, dịch bệnh. Đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Theo chúng tôi, không có giải pháp nào chống tái nghèo cho nông dân hiệu quả hơn bằng triển khai ngay các giải pháp cứu đói và đẩy mạnh sản xuất từ sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả nhất của chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp và cả cộng đồng.
NGUYỄN CẦU
.
.
Chống tái nghèo cho nông dân
Thứ Ba, 15/04/2008, 09:16 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.