.

Kỷ niệm Ngày toàn thắng nghĩ về các nhóm lợi ích

Trước lúc hy sinh, Nguyễn Văn Trỗi có một câu nói rất giản dị nhưng là một chân lý được mọi người tán thành: Còn giặc Mỹ thì không một người nào sống hạnh phúc cả.

Khi Tổ quốc bị xâm lăng, đô hộ, mọi người dân đều chung một số phận: Nước mất nhà tan. Có thể người này cực nhọc hơn về vật chất, người khác khổ nhục hơn về tinh thần (dù có cuộc sống giàu sang) nhưng tất cả đều bị nô lệ, đọa đày.

Trước kẻ thù xâm lược, mọi người hầu như cùng chung một lợi ích, cùng chung một cảnh ngộ (trừ một số rất ít đã bán hồn mình cho quỷ dữ).

Sau ngày toàn thắng, đi vào thời kỳ kiến thiết đất nước, nhất là từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới trong cộng đồng dân tộc có những nhóm lợi ích khác nhau.

Chúng ta đã và đang chuyển sang xây dựng và hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi đó chính là nội dung chủ yếu của đổi mới, là con đường phải đi để đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nền kinh tế thị trường chỉ có thể có và được hoàn thiện với sự phát triển nhất quán các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu. Và do đó việc ở xã hội ta hình thành các nhóm lợi ích khác nhau là tất yếu, là bình thường.

Giờ đây, thật không dễ tìm ra lợi ích chung giữa những người kinh doanh bất động sản (trong đó có nhiều người giàu lên rất nhanh nhờ trúng mánh, đầu cơ và các hoạt động bất chính với sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy Nhà nước liên quan đến đất đai) với những người dân bị thu hồi đất, hầu như mất hết phương tiện sinh sống, để xây dựng cơ sở hạ tầng, để đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Nhà nước ta khẳng định không để một hộ nào vì giải tỏa mà phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và bảo đảm các hộ tái định cư đều có cuộc sống bằng và tốt hơn trước lúc di dời.

Nhưng những cam kết đó không phải tất cả đều có hiệu lực trong thực tế cuộc sống. Có những người đã hưởng lợi, được đổi đời từ các dự án, song có không ít người hứng chịu mãi những thiệt thòi không gì bù đắp được.

Có người đã bình luận “làm thế nào mười phân vẹn mười được” sự tăng trưởng nào cũng có cái giá của nó.

Đúng là không thể cầu toàn. Nhưng làm cho sự phân hóa giàu-nghèo không doãng rộng và nhanh, làm cho những người nghèo không bị đứng ở bên lề sự thăng tiến xã hội, chính là thực hiện an dân, là bảo đảm đại đoàn kết dân tộc, đó chính là phát triển bền vững.

Những nguyên tắc này cần được vận dụng khôn khéo nhưng chúng ta dứt khoát không chấp nhận sự trả giá.

Công cuộc đổi mới dựng xây đất nước đang đòi hỏi tăng tốc để hội nhập, sánh vai với các cường quốc năm châu nhưng mục tiêu mà chúng ta hướng tới, bản chất chế độ mà chúng ta kiên định không cho phép chúng ta quên lãng lợi ích chính đáng của những người từng trung kiên, chí cốt với cách mạng.

Và ngày nay vẫn là nhân vật trung tâm, xứng đáng được sự quan tâm, chăm sóc của một chế độ luôn vì con người, một Nhà nước của dân, vì dân, do dân. Đồng thời họ chính là một phần quan trọng của động lực phát triển.

Trong những ngày toàn thắng cách đây 33 năm chúng ta từng nghe những câu nói phấn chấn, rạo rực lòng người “Đây là chiến thắng của toàn dân tộc ta, của tất cả mọi người Việt Nam chúng ta, chỉ có đế quốc Mỹ là kẻ thất bại. Và mọi người con Lạc cháu Hồng hãy chung sức chung lòng xây dựng lại non sông đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Tinh thần ấy ngày nay rất cần được tiếp tục, nó đòi hỏi chúng ta phải xử lý để tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa các nhóm lợi ích để đồng thuận, đoàn kết luôn là giá trị sâu sắc, là sức sống mạnh mẽ của sự nghiệp cách mạng hiện nay.

Tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa các nhóm lợi ích là công việc không hề đơn giản, nhưng cũng không phải là ngoài tầm tay.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.