.

Lãi suất ngân hàng và tâm lý dân chúng

Thông điệp của Thủ tướng gửi đến toàn dân qua bài viết đăng trên Báo Nhân Dân ngày 31-3-2008 cho thấy rõ quyết tâm của Chính phủ trong công cuộc kiềm chế lạm phát, đồng thời sẽ điều chỉnh lại tỷ lệ tăng trưởng năm 2008 và hy vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn trong dài hạn.

Từ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, hai vấn đề mà chúng ta quan tâm. Đó là vốn cho tăng trưởng và tâm lý lạm phát của công chúng.

Trong Công văn 319 mới đây của Chính phủ, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm nay của hệ thống ngân hàng khoảng dưới 30%. Các doanh nghiệp cho rằng mức tăng trưởng đó là thấp, nhưng ngược lại, các chuyên gia kinh tế cho rằng mức đó là “nóng”.

Còn nhớ năm 2007, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt trên 50% và đó được coi là một trong những nguyên nhân gây nên lạm phát. Chúng tôi rất đồng tình với nhận định này. Về mặt định lượng, mức tăng tín dụng 2008 khống chế ở mức 30% chưa được chứng minh một cách thuyết phục nhất. Tuy nhiên, tốc độ tăng tín dụng chậm hơn năm ngoái cũng làm cho mọi người phần nào yên tâm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đăng ký mức tăng tín dụng năm 2008 và đã nhận được nhiều kết quả bất ngờ. Có những ngân hàng đề nghị tăng 100%, có những ngân hàng 80%, có ngân hàng chỉ đề nghị tăng 20%... Tổng hợp lại mức tăng của cả hệ thống ngân hàng thương mại là 46%, vượt hơn 16% so với quy định của Chính phủ. Tất nhiên, Ngân hàng Trung ương sẽ điều chỉnh lại trong khuôn khổ 30%, không thể khác được.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng năm 2007 là 25 ngàn tỷ đồng. Nếu tăng 30% thì con số tuyệt đối sẽ là 7.500 tỷ, xấp xỉ mức tăng của năm 2007. Con số chính xác có thể sẽ dao động chung quanh mức này, vì các ngân hàng thương mại ở Đà Nẵng đều là chi nhánh nên sẽ phụ thuộc nhiều vào sự điều hành của từng Hội sở chính.

Vấn đề đặt ra là lãi suất cho vay. Sau một tuần xáo động hồi giữa tháng 3 vừa qua, cơ cấu nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại đã có sự thay đổi. Gần 1.000 tỷ đồng tiền gửi đã được cơ cấu lại lãi suất và khoảng 500 tỷ đồng tiền gửi mới với lãi suất cao. Như vậy, khoảng 1.500 tỷ đồng trong các ngân hàng thương mại phải trả theo lãi suất mới. Tổng vốn huy động đến cuối năm 2007 là 12 ngàn tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ vốn lãi suất cao so với tổng vốn là không đáng kể. Từ đó có thể thấy việc các ngân hàng thương mại trên địa bàn cho vay với lãi suất cao hơn nhiều so với trước là chưa thật hợp lý, không kích thích sản xuất phát triển. Các ngân hàng thương mại cần tính toán chặt chẽ lãi suất đầu vào của mình để áp dụng một mức lãi suất đầu ra thật hợp lý, vừa bảo đảm quyền lợi của ngân hàng, vừa bảo đảm quyền lợi của khách hàng và điều quan trọng hơn rất nhiều là góp phần làm giảm kỳ vọng lạm phát trong công chúng.

Kỳ vọng lạm phát hiểu một cách khái quát nhất là lòng tin của công chúng vào tỷ lệ lạm phát trong tương lai. Nếu tất cả các doanh nghiệp và dân chúng đều nghĩ rằng lạm phát sẽ tăng, người ta sẽ đổ xô đi mua hàng hóa, đẩy mạnh tích trữ hàng hóa… trong khi nhu cầu chưa thật cấp bách sẽ làm cho giá cả tăng lên mạnh, dẫn đến tỷ lệ lạm phát sẽ cao mãi.

Ngược lại, nếu mọi người tin tưởng các quyết sách của Nhà nước về kiềm chế lạm phát sẽ phát huy tác dụng, lạm phát sẽ giảm trong nay mai hoặc vài tháng tới thì mức độ tiêu dùng sẽ thận trọng hơn, người ta sẽ không thu gom hàng hóa, và điều đó sẽ góp phần làm cho quan hệ cung cầu hàng hóa, tiền tệ đỡ căng thẳng, mức độ lạm phát cũng sẽ được cải thiện.

Lãi suất cho vay của ngân hàng và tâm lý lo lắng về lạm phát của công chúng là những tác nhân quan trọng tác động trực tiếp đến lạm phát. Lãi suất cho vay giảm một cách hợp lý sẽ là một yếu tố góp phần điều chỉnh tâm lý lo lắng lạm phát trong dân chúng giảm theo, từ đó vấn đề lạm phát sẽ trở nên lắng dịu hơn.

MINH HUY

;
.
.
.
.
.