.

Mất bò mà vẫn chưa lo làm chuồng

Chưa bao giờ cùng một lúc thiên tai, mất mùa, dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm, dịch hại cây trồng lại dồn dập như đầu năm nay.

Đây là năm thứ 2 xảy ra dịch tiêu chảy cấp, nguy hiểm nhưng chưa năm nào số người mắc bệnh nhiều như năm nay, và diện có bệnh lan tới 18 tỉnh, thành phố rải đều từ Bắc đến Nam như năm nay.

Dịch lợn tai xanh tính đến giữa tuần này đã xảy ra tại 31 huyện, thị xã của sáu tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế, với tổng số lợn mắc bệnh hơn 160.000 con, trong đó đã có 150.000 con bị tiêu hủy. Dịch còn có khả năng lan rộng, gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội, nhất là những người nghèo, giữa lúc phải kiềm chế quyết liệt lạm phát, giá cả leo thang.

Nguyên nhân của mọi chuyện đều có phần do khách quan và phần do chủ quan. Nguyên nhân từ phía chủ quan của tình hình dịch bệnh trên người và gia súc trước hết do ý thức phòng chống dịch của người dân chưa được đề cao, tình trạng chủ quan với dịch, thậm chí đối phó với các biện pháp phòng dịch của Nhà nước và xã hội vì chính lợi ích của mình còn khá phổ biến.

Người ta vẫn gần như công khai ăn các loại thực phẩm mang mầm bệnh, thải các chất có thể gây bệnh vào nguồn nước. Người ta tìm cách giấu thông tin về dịch bệnh, giết mổ, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm trong các vùng dịch và từ các vùng dịch ra ngoài. Nhiều người mắc bệnh còn tránh đến bệnh viện hoặc điều trị giữa chừng đã trốn về. Những hiện tượng trên càng khẳng định muốn phòng dịch, chống dịch thì việc tuyên truyền, vận động, nâng cao dân trí thường xuyên là rất cần thiết.

Nhưng chỉ tuyên truyền, vận động chưa đủ, còn cần hành lang pháp luật hữu hiệu và hệ thống tổ chức, cán bộ đủ mạnh cho việc phòng, chống dịch. Dịch càng bùng phát mạnh, càng lan rộng càng thấy từ hệ thống tổ chức, lực lượng cán bộ đến hệ thống pháp luật để ngăn ngừa và chống dịch của… chúng ta đều rất thiếu. Thiếu những căn cứ pháp luật để ban hành tình trạng khẩn cấp, áp dụng những biện pháp mạnh ở những vùng có dịch. Thiếu những biện pháp mạnh để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, chống ô nhiễm nguồn nước, thực hiện chế độ y tế bắt buộc khi cần thiết. Đã thiếu căn cứ pháp luật lại thiếu cả người, thiếu cả hệ thống tổ chức, thiếu cả kinh phí phòng chống dịch.

Bởi thế, ngay trong thời điểm Hà Nội đang là ổ dịch, thịt lợn bệnh vẫn bán ngoài chợ; thịt chó, tiết canh, rau sống vẫn bán trong cửa hàng; chất thải của người bị tả vẫn chảy xuống ao hồ và những chuyến tàu từ ga Hàng Cỏ vẫn rải phân tươi xuống 1.700 km đường sắt từ Bắc đến Nam. Người ta nói mất bò mới lo làm chuồng, nhưng hình như trong chuyện phòng chống dịch, mất bò vẫn chưa lo làm chuồng.

THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.