.

Mô hình kiến trúc cho người nghèo?

Đánh dấu chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam thực hiện một việc làm có ý nghĩa là bình chọn và công bố 20 công trình kiến trúc tiêu biểu thời kỳ đổi mới. Đây là sự tôn vinh nghề nghiệp nhưng cũng “phát” đi nhiều thông điệp đáng suy ngẫm.

Một là ý tưởng thiết kế thuần Việt đã chắp cánh cho những đồ án thiết kế, dẫu đó là KTS người nước ngoài hay người Việt Nam. Một khu du lịch Furama thành phố Đà Nẵng không chỉ đột phá về chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài, một dự án mở đầu cho sự bùng nổ các khu resot ở miền Trung mà dự án này còn thể hiện một tâm hồn Việt. Du khách nước ngoài đến Đà Nẵng được hòa mình vào khu vườn nhiệt đới, được lắng đọng hơi thở của nghìn xưa vọng về từ những vũ nữ Chăm, những phiến đá, hạt sỏi... Đấy chính là “thế giới của thần tiên” như nhận xét của ngài Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thế giới khi đến thăm Đà Nẵng và Quảng Nam...

Hai là gần dân với công trình Trụ sở UBND quận 10 thành phố Hồ Chí Minh. Một nông dân chân lấm tay bùn được ngẩng mặt tự tin sóng bước vào Trụ sở cùng giới “thượng lưu” mới nổi nhờ những cải cách kinh tế. Tuy nhiên, đất nước ta còn quá ít công trình như Trụ sở UBND quận 10, mà thay vào đó là những trụ sở hành chính thiết kế kiến trúc lai căng.

Ba là tôn vinh công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử với Đài Tưởng niệm tỉnh Tuyên Quang được coi là công trình mang tính cách mạng trong ngôn ngữ biểu hiện, vượt ra khỏi hình dáng thường thấy của thể loại đài tưởng niệm để tìm đến sự cô đọng, khái quát có tính tư tưởng nghệ thuật, vừa hoành tráng vừa giàu chất thơ. Công trình tạo nhiều liên tưởng tới hình ảnh của một ngọn nấm khổng lồ, dáng dấp của cây đa cách mạng. Điều này tương phản với “kỳ án” Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ mà giới KTS gọi đấy là sự ô nhục.

Bốn là lối kiến trúc nhân văn. Kiến trúc Làng trẻ em SOS ở 12 tỉnh, thành là các công trình nhân đạo có ý nghĩa xã hội đặc biệt, được đầu tư, thiết kế, xây dựng theo lối kiến trúc mở. Các công trình ở đây có kiến trúc gần gũi với những ngôi nhà Việt duyên dáng được lợp mái dốc thân quen và ấm áp, tạo tiện nghi sống và học tập cho rất nhiều em nhỏ bị khiếm khuyết và có hoàn cảnh khó khăn. Tác giả đồ án kiến trúc cho biết, ông chỉ là người hoàn thiện ý tưởng của 100 trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi qua các tranh vẽ của các em. Các em mơ về nơi ở của mình là ngôi nhà mái ngói, có sân vườn với bụi tre, lùm chuối, có đàn chó, đàn gà chạy trong sân.

Tiếp xúc với giới KTS Đà Nẵng, đa số tán thành kết quả cuộc bình chọn 20 công trình kiến trúc tiêu biểu của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, rất nhiều người chạnh lòng khi không có sự xuất hiện bất kỳ một đồ án thiết kế kiến trúc nhà ở cho người dân nghèo. Ngay tại thành phố Đà Nẵng, với việc thực hiện chủ trương Có nhà ở nhưng người nghèo chưa thực sự được cải thiện về nhà ở. Hàng loạt các chung cư như Nại Hiên Đông, Thuận Phước, Thanh Lộc Đán... không dành một mét vuông để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Nhiều khu nhà ở liền kế thấp lè tè để người nghèo nung người trong nắng nóng, căng óc với tiếng ồn khi trời mưa. Bão số 6 quật ngã hàng ngàn căn nhà của dân nghèo, thì… một năm sau, ngành chức năng mới có được hội thảo bàn giải pháp thiết kế xây dựng nhà chống bão, càng cho thấy cái nghèo trong tâm hồn.

Thiển nghĩ, nhà ở của người nghèo ở thành phố Đà Nẵng cũng cần có bàn tay của người KTS. Chắn chắn mơ ước của người nghèo cũng dung dị như những trẻ em Làng SOS. Họ cũng sợ nắng nóng, sợ nhức óc bởi trời mưa, sợ treo chiếc xe đạp cùng đôi quang gánh lên mái nhà, sợ nấu ăn dưới gầm cầu thang...

NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.