.

Nghĩ dưới chân cao ốc

Buổi chiều chạy xe ra phố, đến ngã tư Hùng Vương - Phan Châu Trinh lại gặp đèn đỏ. Cả 2 đầu xe cộ dồn ứ lại, đúng khi có một xe cứu thương lại băng ra. Còi xe pin pin. Nhiều người nhăn nhó. Con đường thương mại này rõ ràng đang ngày càng chật hẹp hơn trước tốc độ phát triển lưu lượng tham gia giao thông.

Bỗng giật mình khi nhớ, trên trục đường Hùng Vương rồi sẽ thêm rất nhiều cao ốc mới. Ngay khu vực quanh Nhà hát Trưng Vương hiện tại đã có 3 cao ốc chen chân, từ 27 - 56 tầng. Đó là những điểm nhấn quy mô và hoành tráng cho tương lai Đà Nẵng. Quanh khu vực này, trong bán kính chưa đầy 1km là hàng loạt cao ốc khác, cùng xu hướng hội điểm giao thông về đây. Phía bắc có Vĩnh Trung Plaza, rồi Trung tâm Thương mại sắp sửa chữa, các chung cư chuẩn bị “lên đời”. Phía nam nối với trục đường Trần Phú là các dự án cao ốc quy mô, nội trong nay mai đều sẽ lên tầng.

Tất cả những cao ốc ấy, đứng xa nhìn sẽ rất ấn tượng. Còn xét từ dưới chân công trình, lại là gánh nặng cho hạ tầng Đà Nẵng tương lai. Chỉ cần tính 1 tầng cao ốc có 100 người làm việc, thì trong vòng 3 năm đến, giờ tan tầm ở đây sẽ chịu đựng thêm hơn 1 vạn người đi lại. 30% trong số đó sẽ có ô-tô riêng, 30% đi lại bằng xe buýt, cùng tạo nên mật độ giao thông quá tải cho những con đường mặt cắt ngang chưa đến 15 mét này!

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng từng phân vân, liệu áp lực điện lưới Đà Nẵng ở khu vực các cao ốc mọc dày sẽ phải đầu tư ra sao để không quá tải. Lãnh đạo Công ty Cấp nước trong hoạch định đầu tư từ sau 2010 cũng băn khoăn, các cao ốc sẽ đòi hỏi những tháp nước mới, đường ống mới. Những hạng mục ấy sẽ đặt ở đâu tại khu vực mặt bằng chật hẹp này. Rồi nhu cầu thoát nước, rác thải, cây xanh, xử lý bụi khói, tiếng ồn...

Tất cả dự báo một tương lai với nhiều trở ngại cho khu trung tâm Đà Nẵng tính từ ngã tư Hùng Vương - Phan Châu Trinh tỏa ra 2 km. Cần nhớ rằng người Đà Nẵng đã rất lúng túng, khi Siêu thị Big C đường Hùng Vương nghẽn thời gian dài vì khai trương, khi sau mỗi trận bóng cuối tuần ở sân vận động Chi Lăng hay chương trình ca nhạc ở Nhà hát Trưng Vương, đường phố lại chật cứng khán giả chen lấn tìm lối về.

Đà Nẵng ngày một cao hơn, to hơn, hiện đại hơn. Ai cũng mong cầu điều đó. Nhưng nếu đi kèm với tiêu chí đó vẫn là hiện trạng hạ tầng cố hữu, không có những thay đổi đột phá với tầm nhìn xa 15 - 30 năm, rõ ràng sự phát triển sẽ khập khiễng. Hệ lụy cuối cùng về bối cảnh đô thị Đà Nẵng như thế nào, chắc chắn nhiều người đã thấy được.

Vậy tại sao ngay từ lúc này, thành phố không có những động thái thăm dò lấy góp ý từ các chuyên gia, các nhà đầu tư, từ người dân, để sớm có chủ trương nâng cấp toàn diện hạ tầng giao thông và xã hội ở khu trung tâm, xử lý căn bản mọi nguy cơ đã dự báo. Việc tập hợp những thông tin định hướng, rồi công bố những thông tin ấy cho người dân cùng quan tâm hưởng ứng về các dự án đầu tư hạ tầng mới, bổ trợ hoạch định phát triển nhà cao tầng tại khu vực trung tâm, là điều thật sự cần thiết. Mong sao những nhà quản lý hãy khẩn trương làm việc đó, để mỗi người Đà Nẵng khỏi phải choáng ngợp nỗi lo, khi đứng và nghĩ dưới chân những cao ốc đang lên hình!

THỤY BẤT NHI

;
.
.
.
.
.