.

Nghĩ về Làng Vân

Nếu trở thành hiện thực, dự án 5 tỷ USD vào Làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một ngôi làng tồn tại từ rất lâu. Nhưng liệu người Làng Vân có thực sự thụ hưởng sự thay đổi lớn lao ấy, khi nỗi mặc cảm về căn bệnh phong của mấy mươi năm về trước chưa hẳn xua tan trong suy tư của họ và cả cộng đồng bên ngoài?

Tôi đã nhiều lần đến Làng Vân theo ghe của những người bán hàng gánh mỗi sáng, hoặc theo các đoàn từ thiện, hoặc độc hành qua đường hầm tối rồi lội bộ theo đường rừng dưới chân đèo, hoặc đôi khi nhìn ngôi làng từ Hải Vân Quan. Mỗi lần như thế, những luồng cảm xúc trái ngược lại hiện lên trong tâm tưởng. Trái ngược, bởi hiếm nơi ở Đà Nẵng, tôi có thể trông thấy một cảnh nước non đẹp như Làng Vân, bãi cát vàng như một vầng trăng khuyết in lên màu xanh thẳm của biển trời, những rặng cây, mỏm đá, con sóng bạc đầu...; nhưng cũng không nơi nào như nơi đây, có những người suốt mấy mươi năm không rời khỏi cơ sở điều trị, dù căn bệnh trong mình đã chữa lành suốt mấy thập niên rồi, hay những đứa trẻ lớn lên không dám nói với bạn bè nơi chôn nhau cắt rốn của mình...

Hồi 2005, nhân chuyến ra thăm Trạm Biên phòng Hòa Vân (thuộc Đồn Biên phòng 244), tôi đã được nghe tâm sự của ông trưởng thôn của “ốc đảo” có hơn 90 hộ nghèo, trong đó có 14 cặp vợ chồng bệnh nhân phong đã gắn bó với nhau gần nửa thế kỷ, về việc “di dời Làng Vân”. Vào đất liền, người Làng Vân sẽ sống ra sao? Một dự án đã được lập ra để bố trí tái định cư cho cộng đồng này ở một xã của huyện Hòa Vang. Bởi vậy, ông trưởng thôn mới lo ngại một khi chuyển đến nơi ở mới, thì nơi đó lại tiếp tục biến thành “Làng Vân thứ hai”. Và mối lo ngại này đang ngày càng tăng lên khi người Làng Vân sắp phải rời xa mãi mãi “ốc đảo” của mình.

Người Làng Vân giờ đây không còn khu biệt với cộng đồng của chúng ta nữa, họ chính là thành viên của cộng đồng này, dù đôi khi có những suy tư khác với phần còn lại trong chúng ta. Nhưng những suy tư ấy, nếu phớt lờ qua có thể sẽ làm tổn thương với những con người vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi suốt nhiều thập niên qua. Và bởi vậy, di dời Làng Vân không chỉ có nghĩa là lập dự án, giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư...

Thiết tưởng, trước tất thảy những việc ấy, chính quyền và cộng đồng cần làm những việc thậm chí còn quan trọng hơn, chí ít đó là một kênh tiếp xúc hay một cuộc vận động tinh thần thực sự có chiều sâu. Người viết bài này xin đề xuất, đúng hơn, nói lại nguyện vọng của một cư dân “ốc đảo”, rằng chính quyền nên xem xét để họ được phân tán ra, sống lẫn vào cộng đồng rộng lớn thay vì phải tập trung lại trong một dự án tái định cư tập trung nào đó. Chỉ như thế, Làng Vân mới chìm vào lịch sử, và nỗi bi tủi từ quá khứ mới vĩnh viễn xua tan.

NGUYỄN HÙNG

;
.
.
.
.
.