Lúc này mà nói đến vai trò của nhân dân trong kiềm chế lạm phát e rằng hơi bị lạc điệu.
Lạm phát đã và đang tác động đến túi tiền, bữa cơm mọi nhà (ngoại trừ một số ít người đầu cơ, trục lợi đã phất lên trong cơn bão giá) và mọi nhà đang trông chờ, đòi hỏi những biện pháp có hiệu lực của Nhà nước, thể hiện sức mạnh của định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhưng thật là không khoa học và công bằng khi trong mọi việc, mọi lúc chúng ta đều khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong” mà nay lại đặt dân ở bên lề cuộc chiến kiềm chế lạm phát.
Các nhà kinh tế đều cho rằng, tiết kiệm là biện pháp khả thi hàng đầu để kiềm chế lạm phát. Nhà nước phải triệt để tiết kiệm chi tiêu công, phải kiểm soát chặt chẽ đầu tư công.
Không thể nói dân đã thắt lưng buộc bụng ở mức cao rồi không còn đất cho tiết kiệm nữa. Góp gió thành bão. Hàng triệu gia đình, hàng chục triệu người tham gia tiết kiệm điện, nhất định kết quả sẽ cực kỳ to lớn. Vừa tiết kiệm chi ngân sách mọi nhà, vừa tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, nhân tố quan trọng để phát triển đất nước. Nhờ tiết kiệm mà hạn chế được việc cắt điện, giảm được bao nhiêu sự cố, tổn thất trong sản xuất và đời sống.
Trong nền kinh tế thị trường chúng ta thường quen với việc kích cầu. Kích cầu không mâu thuẫn với tiết kiệm. Và hơn bao giờ hết, lúc này tiết kiệm phải là quốc sách, là gia pháp. Bởi đây chính là cách tốt nhất để giảm cầu mà chính sự mất cân đối cầu và cung là nguyên nhân chính gây ra lạm phát.
Lạm phát cùng với thiên tai (bão lũ, hạn hán, giá lạnh) và dịch bệnh (cúm gia cầm, heo tai xanh) đã làm cho nhiều nhà vừa khấp khởi mừng vì thoát nghèo đã rơi vào vòng tái nghèo.
Lại giúp đỡ họ để họ vươn lên lại một lần nữa ra khỏi chuẩn đói nghèo là nhiệm vụ không thể từ nan của mọi nhà và cả cộng đồng vốn giàu truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Đây cũng chính là góp phần cùng Nhà nước thực hiện an sinh xã hội, một yêu cầu luôn gắn chặt với kiềm chế lạm phát.
Nhìn về tương lai, chúng ta thường nói đến thách thức và cơ hội như một cặp vấn đề phải đối mặt. Nhưng có lẽ chúng ta đã tự ru mình bằng những thành tựu tăng trưởng ngoạn mục, năm sau cao hơn năm trước nên có khi chúng ta không chịu thấy trước trên con đường xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập nhất định phải ứng phó với những sự cố, những bất trắc.
Đây chính là lúc thể hiện và luyện rèn năng lực bản lĩnh của bộ máy Nhà nước, của những người cầm nắm việc quản lý điều hành một đất nước, một xã hội.
Không ai có thể quay lưng với lạm phát, tự cho mình quyền “ngủ quách, sự đời thây kẻ thức” (thơ Tú Xương) trong những ngày căng thẳng này. Song kêu than chỉ làm nặng nề thêm vấn đề vốn đã phức tạp bội phần.
Thẳng thắn phê phán, góp ý, hiến kế chân thành và xây dựng, tự mình tháo gỡ những vướng mắc của mình và cùng chung tay góp sức thực hiện: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách (Đất nước thịnh suy mọi người dân đều có trách nhiệm).
Đây cũng chính là lúc người dân thể hiện và rèn luyện trách nhiệm công dân của mình.
NUGYỄN ĐÌNH AN
.
.
Người dân và việc kiềm chế lạm phát
Thứ Năm, 10/04/2008, 14:44 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.