.

Nói và làm, đôi điều suy nghĩ

Ngày 27-1-2008, Sở Thủy sản-Nông-Lâm thành phố tổ chức tổng kết công tác năm 2007, triển khai nhiệm vụ năm 2008. Đề cập những tồn tại ở Trung tâm Giống nông nghiệp (TTGNN) Đà Nẵng, lãnh đạo Sở tuyên bố: Sẽ giải quyết dứt điểm trong quý 1 năm 2008, quý 2 bước vào sản xuất giống.

Lời phát biểu của lãnh đạo sở làm nhiều người kỳ vọng tới sự đổi mới mang tính đột phá ở đơn vị gần 3 năm không hề tổ chức sản xuất này, chấm dứt tình trạng lãng phí nhân lực, tiền của, chất xám kéo dài, mở ra giai đoạn mới, giai đoạn sản xuất nhiều cây, con giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chăn nuôi của nông dân, đúng như mục tiêu đề ra từ ngày thành lập.

Nói là vậy, nhưng đến nay quý 2 đã qua gần 1 tháng, TTGNN Đà Nẵng vẫn không hề có sự chuyển biến nào so với trước ngày diễn ra hội nghị. Tại đây, 25 cán bộ, công nhân viên, đa số là kỹ sư, vẫn hằng ngày chỉ ngồi chơi xơi nước, đọc báo, chơi games trên vi tính. Thậm chí nhiều người không đến cơ quan. Khu vực sản xuất tại văn phòng trung tâm ngót 1 ha, chỉ cỏ và cỏ. Trại Giống heo Hòa Phong; Trại Giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp Bà Nà càng xơ xác hơn. Thế mới biết, giữa nói và làm có khoảng cách khá xa. Hay nói đúng hơn, nói thì dễ, còn thực hiện không đơn giản chút nào. Không rõ đến bao giờ lời phát biểu đầy quyết tâm của ông Giám đốc Sở Thủy sản-Nông-Lâm thành phố trước hàng trăm người dự hội nghị sáng 27-1-2008 trở thành hiện thực?

Một đơn vị sự nghiệp với hàng chục cán bộ, nhân viên ngồi chơi xơi nước gần ba năm trời, chưa có tín hiệu sẽ đổi mới đi vào sản xuất, quả là chuyện lạ trong cơ chế kinh tế thị trường rất sôi động hiện nay. Có lẽ, thực trạng buồn này chỉ xảy ra ở TTGNN Đà Nẵng. Mỗi năm, ngân sách Nhà nước chi trả các khoản lương, điện nước, báo chí, xăng dầu… cho trung tâm này gần tỷ đồng, nhưng họ không làm ra một gam của cải vật chất nào.

Lãng phí là vậy, trì trệ kéo dài là vậy, thế mà trung tâm này vẫn tồn tại, mặc cho lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo cần phải giải thể. Giá như, gần 3 tỷ đồng ngân sách chi trả cho trung tâm trong 3 năm qua dành mua giống cây trồng, con vật nuôi cho nông dân, nhất là sau đợt lũ lịch sử cuối năm 2007, chắc chắn nông dân Đà Nẵng đỡ bớt khó khăn, túng thiếu như hiện nay. Chứng kiến sự lãng phí kéo dài tại TTGNN Đà Nẵng, không ít người phải thốt lên: đáng thương cho nông dân tảo tần một nắng hai sương trên đồng ruộng. Họ kỳ vọng quá nhiều về nguồn giống từ trung tâm này để rồi hôm nay phải bất lực bó tay trước khó khăn về giống.

Đối với TTGNN Đà Nẵng, công luận đã tốn khá nhiều giấy mực phản ánh sự yếu kém, trì trệ kéo dài và kiến nghị cơ quan chủ quản là Sở Thủy sản-Nông-Lâm sớm giải quyết dứt điểm, thế nhưng nhiều năm trời vẫn dậm chân tại chỗ. Nhiều người đặt vấn đề: liệu có điều gì khuất tất khó giải quyết đến vậy. Sự yếu kém, tồn tại đã rõ rành rành mà không thể giải quyết nổi?

Bác Hồ đã từng dạy: Nói phải đi đôi với làm, nói sao cho dân tin và làm sao cho dân nể phục, để họ làm theo. Đã nói là phải làm bằng được. Ngẫm lại vấn đề đã nêu trên ở TTGNN Đà Nẵng không có gì to tát cho lắm, không khó giải quyết cho lắm, cần phải xem xét lại việc nói và làm của cán bộ ta hiện nay.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.