.

Quyết định ở người đứng đầu

Công cuộc cải cách hành chính (CCHC) của thành phố đã có những bước tiến dài với nhiều đột phá mạnh dạn được nhiều địa phương bạn học tập.

Điều đó cho thấy sự quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong CCHC hướng đến một nền hành chính Nhà nước ngày càng trong sạch, mang tính phục vụ nhân dân, văn minh, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Quan hệ giao dịch hành chính giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, công dân đã chuyển mạnh từ cơ chế xin-cho sang phục vụ với tinh thần “công bộc” của dân.

Tuy nhiên, những tàn dư của cơ chế hành chính cũ, nạn “xin-cho” biến hóa dưới nhiều hình thức khác vẫn ẩn hiện ở đơn vị này hay ở địa phương kia mà công luận, dư luận quần chúng vẫn âm ỉ. Đó là hồ sơ (HS) bị “ngâm” có chủ ý, muốn giải quyết nhanh thì phải có “bồi dưỡng” ngoài quy định cho người có trách nhiệm giải quyết. Người dân vẫn phải “tự nguyện” ủng hộ ngân sách địa phương mỗi khi giao dịch hành chính liên quan đến đất đai. Sự thiếu công khai, minh bạch trong công tác giải tỏa đền bù, tái định cư sinh ra nạn người dân bất đắc dĩ đồng lõa và tuân thủ những “luật bất thành văn” có “lại quả” mới được đền bù giá cao, có thỏa thuận chung chi mới bốc thăm trúng lô đất tái định cư đắc địa. Mặt khác, một bộ phận cán bộ, công chức yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, quan liêu cũng gây ra sự “hành” dân đi lại nhiều lần, trễ hẹn trả kết quả hồ sơ.

Ban Chỉ đạo CCHC thành phố và cơ quan tham mưu rất quyết liệt với nhiều sáng tạo trong cải cách cơ chế như mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” trên nhiều lĩnh vực liên quan thiết thực đến đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức. Các mô hình này quy định rõ quy trình, trách nhiệm, thời hạn cụ thể xử lý, giải quyết hồ sơ hành chính và cả chế tài xử lý những vi phạm về quy trình xử lý hồ sơ. Hiệu quả của cơ chế mới cuối cùng vẫn phụ thuộc vào người vận hành nó là cán bộ, công chức - những người trực tiếp giải quyết yêu cầu về hành chính của nhân dân. Đặc biệt thái độ, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị có tính quyết định cao hơn cả. Sẽ không có tình trạng đến nay địa phương nọ vẫn tổ chức thu tiền ủng hộ ngân sách khi giải quyết thủ tục hành chính cho dân nếu như không có “chủ trương miệng” của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên. Người đứng đầu không nghiêm hoặc đồng tình một cách kín đáo tất dẫn đến công chức dưới quyền nhũng nhiễu, phiền hà cho dân, cho doanh nghiệp.

Chính vì thế, dù áp dụng thống nhất toàn thành phố một cơ chế, nhưng hiệu quả đạt được không phải là đồng đều như nhau. Ban Chỉ đạo CCHC các cấp cũng không còn phù hợp với tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010. Theo đó, sẽ giải thể các Ban chỉ đạo CCHC các cấp, thay vào đó thành lập tổ công tác chuyên trách CCHC. Đề án xác định CCHC là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính. Do đó, người đứng đầu cơ quan hành chính phải tiên phong tự cải cách chính mình, triệt để thay đổi tư duy cũ, đề cao tính công khai, minh bạch và công bằng. Đối với cấp dưới, cần quyết liệt xóa bỏ tư tưởng “ban ơn”, tự coi mình có đặc quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức. Rõ ràng, người đứng đầu chí công vô tư, liêm minh, chính trực thì khó có công chức dưới quyền dám “qua mặt làm liều”.

Cũng cần nhớ rằng: Người đứng đầu chịu trách nhiệm khi cơ quan mình xảy ra tiêu cực trong CCHC và phải chịu các hình thức trách nhiệm đối với người đứng đầu quy định tại Điều 6, Nghị định 157/2007/NĐ-CP về chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.