Thủ tướng Chính phủ đang tiến hành hai cuộc họp, một với lãnh đạo các ngành kinh tế và đại diện các doanh nghiệp; một với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc. Chắc chắn những cuộc họp tương tự cũng sẽ được tổ chức ở phía Nam.
Cùng với phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các cuộc họp trên, các báo chính trong cả nước đã đồng loạt đăng bài báo mang tính thông điệp của Thủ tướng kêu gọi toàn dân và toàn hệ thống chính trị kiềm chế lạm phát. Bức “thông điệp” đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm và đồng tình của đông đảo người dân.
Đất nước đang đứng trước thử thách gay gắt, rõ nhất là tình trạng lạm phát đang tăng nhanh, đe dọa sự tăng trưởng bền vững, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là người làm công ăn lương và người nghèo, đe dọa đến ổn định vĩ mô, tác động không thuận đến môi trường đầu tư và kinh doanh. Lạm phát có nguyên nhân từ tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi trong khi nước ta đã hội nhập sâu và rộng; thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề; những yếu tố bất lợi đó đã làm bộc lộ những mặt yếu kém trong điều hành, quản lý, tình trạng phát triển thiếu bền vững của nền kinh tế.
Nhận rõ những thử thách gay gắt đó nhưng cũng không vì thế mà hoang mang. Chúng ta phải hạ thấp mục tiêu tăng trưởng, nới rộng tỷ lệ lạm phát nhưng bằng nhiều biện pháp đúng, tốc độ tăng giá đang giảm dần, tốc độ tăng trưởng tuy không đạt mức đề ra nhưng vẫn đạt 7,4%. Nhìn sang các nước láng giềng và trên thế giới, nhiều nơi tình hình còn ít khả quan hơn ta. Điều quan trọng nhất hiện nay là bình tĩnh và tự tin, quyết tâm và nhất trí cao, dám trả giá và đánh đổi tất cả hướng vào nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng kinh tế.
Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã đề ra 7 biện pháp hàng đầu. Trong 7 biện pháp đó, có hai biện pháp trực tiếp liên quan đến vấn đề tiết kiệm, Nhà nước có biện pháp để tiết kiệm ngân sách và Nhà nước cùng nhân dân triệt để thực hành tiết kiệm trong tiêu dùng.
Cắt giảm chi tiêu công là một vấn đề vô cùng nhạy cảm nhưng lại là vấn đề cốt tử trong cải cách hành chính, chống lãng phí, tham nhũng và bây giờ là chống lạm phát. Nói cho cùng, lạm phát là tiền thừa trong lưu thông. Trong khi xuất khẩu khó khăn, vốn dự trữ ít, sản xuất khó khăn, tiền đã thừa trên thị trường, Nhà nước vẫn phải phát hành thêm tiền vào lưu thông cho những mua sắm, xây cất trụ sở lãng phí hoặc chưa cần thiết; những dự án treo, những công trình kéo dài, những công trình kém hiệu quả, cho việc đầu tư bất động sản ngâm vốn... là điều không thể chấp nhận được.
Cùng với tiết kiệm từ thắt chặt chi tiêu ngân sách, cần hạn chế việc chi tiêu lãng phí trong các cơ quan và doanh nghiệp Nhà nước đến trong toàn xã hội. Khó hình dung được trong khi đất nước còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thuộc loại thấp của thế giới, thói quen xài sang, xài đồ ngoại, khinh đồ nội, phung phí cả của công và của tư của người Việt Nam lại thuộc loại cao... nhất thế giới. Chỉ cần một gia đình tắt bớt một thiết bị điện không cần thiết nước ta không thiếu điện như hiện nay. Chỉ cần mỗi người bớt ham đồ xa xỉ phẩm ngoại một chút, chúng ta không nhập siêu nặng nề như hiện nay. Chỉ cần mọi người ăn uống, tiệc tùng hợp lý hơn một chút, giá lương thực, thực phẩm không đội lên chóng mặt như hiện nay. Và vì vây, tắt bớt một bóng đèn điện khi không cần dùng nữa là chống lạm phát, chuyện tưởng buồn cười nhưng lại là thật.
Ngoài ý nghĩa lời kêu gọi ngăn chặn lạm phát, bức “thông điệp” còn thêm ý nghĩa bởi hình như là lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ công khai nhiều thông tin rất kịp thời và vì kịp thời, nó trở nên rất cần thiết với tất cả mọi người. Mong điều ấy sẽ trở thành thường xuyên.
THANH BÌNH
.
.
Thông điệp chống lạm phát
Thứ Năm, 03/04/2008, 15:55 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.