Website của Đảng Cộng sản Việt Nam từng dẫn thông tin từ bài viết trên Báo Hà Nội Mới cho biết: “Mỗi ngày đất nước mất không 750 triệu đồng vì những cuộc họp vô bổ”.
Giảm họp, tăng thời gian đi cơ sở nằm trong chủ trương tiết kiệm của Chính phủ và được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Thế nhưng, thực tế hiện nay tình trạng đi họp của cán bộ các cơ quan hành chính, sự nghiệp vẫn liên tục phát triển, gây tốn kém rất lớn về thời gian và chi phí hành chính.
Theo lời một Chủ tịch UBND phường ở thành phố Đà Nẵng, nếu thống kê sơ bộ thì một năm ông có trên 485 cuộc họp, mỗi cuộc họp trung bình khoảng 3 tiếng đồng hồ, vị chi Chủ tịch phường một năm phải dành khoảng 1.455 tiếng đồng hồ cho đi họp (?). Cuộc họp này chưa xong đã có cuộc họp khác gối đầu. Không những họp sáng - chiều - tối mà còn họp vào ngày nghỉ, ngày lễ, và cuộc họp nào cũng “quan trọng” cả. Vậy thử hỏi, vị ấy còn đâu đủ thời gian để nghĩ ra những sáng kiến hay trong lãnh đạo? Cũng thông cảm vì hầu hết các cuộc họp đều yêu cầu trưởng đầu ngành, cử cấp phó đi thay không được. Tất nhiên, trưởng đầu ngành thì tiếp thu và giải quyết công việc nhanh chóng hơn, nhưng cũng có cuộc họp chỉ cần cấp phó tham dự về báo cáo lại cấp trưởng vẫn bảo đảm nội dung. Có nơi họp nhiều đến nỗi, cấp phường bầu ra 2 Phó chủ tịch vẫn kín lịch đi họp. Hơn nữa, đồng chí Phó chủ tịch cấp phường lại kiêm nhiệm một lúc 21 chức danh trưởng ban chỉ đạo. Chức danh kiêm nhiệm nhiều, đi họp liên tục là chuyện đương nhiên…
Đi họp nhiều, uể oải, mệt mỏi, khó mà nghiêm túc tiếp thu đầy đủ. Ở xã, phường là cấp cuối của hệ thống cơ quan hành chính, nơi trực tiếp triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, nếu cán bộ xã, phường “đâu có họp là… ta cứ đi” thì thời gian đâu để tập trung giải quyết những công việc quan trọng và thiết thực cho người dân!
Do vậy, các cấp, các ngành, đoàn thể nên xem xét, chỉ triệu tập họp bàn khi nào thực sự cần thiết. Những cuộc họp, diễn đàn không có nội dung thiết thực thì kiên quyết loại bỏ. Khi triển khai, phổ biến thông tin, kế hoạch đến cơ sở nên lồng ghép nội dung vào một cuộc họp. Khi ra văn bản phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và dễ thực hiện, tiến tới sử dụng công văn điện tử trong điều hành quản lý. Nếu giảm được các cuộc họp, chắc chắn chi phí hành chính ở mọi cấp sẽ giảm được một số chi tiêu đáng kể và sẽ có tác động tốt đến giảm áp lực của lạm phát hiện nay.