.

Vì một 30-4 trong sự nghiệp xây dựng đất nước

Đã 33 năm từ ngày chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Những thanh niên tuổi 20 hăng hái cầm súng đánh giặc năm ấy nay đã vào tuổi ngoài 50, tuổi “tri thiên mệnh”, nhiều người làm nên chiến thắng năm ấy nay đã mất hoặc về già.

>> Ba người Đà Nẵng ở dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4

Chúng ta không thể giữ mãi được quá khứ ở lại cùng mình. Quá khứ phải lùi về với quá khứ. Lịch sử sẽ phải khép lại để sang trang mới. Tuy nhiên, có những sự kiện lịch sử thời gian càng lùi xa càng tỏa sáng, càng nghiền ngẫm càng nhận ra nhiều mới mẻ, càng có sức lôi cuốn, kêu gọi. Ngày toàn thắng 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong những sự kiện huy hoàng như vậy.

Trong thế kỷ XX, Hà Nội và Sài Gòn hai lần được giải phóng. Hà Nội tháng 8-1945 và tháng 10-1954; Sài Gòn tháng 8-1945 và tháng 4-1975. Cả hai lần ấy, hai thành phố lớn nhất nước ta đều không vỡ một viên ngói, ngày đón bộ đội về là ngày tràn ngập cờ hoa. Nhưng để có cờ, hoa và tiếng reo mừng ấy, trên một triệu người lính đã ngã xuống, gần 4 triệu người khác nữa đau yếu, thương tật suốt đời. Không chỉ người lính, trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài 31 năm trời, hàng chục triệu đồng bào ta đã hy sinh hoặc chịu cảnh tan cửa nát nhà, long đong ly tán, đất nước rơi vào cảnh tiêu điều, kiệt quệ.

Tuyệt đại bộ phận người Việt Nam đều hiểu rằng đó là một giá quá đắt nhưng con đường chấp nhận hy sinh, gian khổ để có Tổ quốc thống nhất, có hòa bình bền vững là con đường duy nhất đúng, là không có con đường nào khác. Bởi vì kẻ thù có khác nhưng tính chất của cuộc chiến không đổi. Bởi vì là hai cuộc chiến tranh nhưng đó chỉ là hai giai đoạn của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ý chí đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước là ý chí gang thép của cả dân tộc, có thể nói nhờ đó mà có Đảng và trở thành cương lĩnh xuyên suốt từ ngày có Đảng. Nước ta từng có cả nghìn năm bị nô lệ, có cả gần hai trăm năm bị chia đôi, chia ba nên ý chí tự cường dân tộc, thống nhất non sông lúc nào cũng thường trực. Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên để giữ yên một dải bờ cõi. Lê Lợi-Nguyễn Trãi đánh tan giặc Minh; Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh cũng là để giữ nước và thống nhất đất nước. Đến thời đại Hồ Chí Minh, thực dân Pháp chia nước ta thành ba kỳ trong xứ Đông Dương thuộc Pháp, đế quốc Mỹ chia đôi nước ta theo vĩ tuyến 17.

Trước hiểm họa bị chia cắt lâu dài, toàn thể người Việt Nam nhất tề đứng lên, miền Nam vì miền Bắc ruột thịt, miền Bắc vì miền Nam ruột thịt, cả nước không tiếc xương máu, không phân biệt chiến trường, đâu có giặc là đến đánh giặc. Đấy là nguyên nhân quyết định của chiến thắng, điều mà không có một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” nào có thể có được.

Chiến thắng 30-4 cũng là chiến thắng của nghệ thuật quân sự, của khả năng phát hiện và nắm bắt thời cơ. Lịch sử càng lùi xa, thông tin nhiều thêm đã giúp ta hiểu rằng đầu năm 1975 là thời cơ vàng, nếu không thống nhất đất nước được vào năm đó, chưa biết tình hình sẽ ra sao, cái giá phải trả cho chiến thắng sẽ lớn đến mức nào. Hãy hình dung cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta phải kéo dài, phải diễn ra trong bối cảnh thế giới hôm nay mới mừng cho non sông Việt Nam đã bước ra khỏi chiến tranh từ năm ấy.

Chiến thắng 30-4-1975 là thắng lợi tuyệt đối, thắng lợi trọn vẹn của cả dân tộc ta trong kỷ nguyên Hồ Chí Minh. Sự kiện vĩ đại này không phải là kết thúc một cuộc nội chiến như một số kẻ rêu rao mà là kết thúc thắng lợi một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, kẻ thua trận là lực lượng ngoại xâm và tay sai của chúng và mọi người Việt Nam yêu nước là người chiến thắng. Ý nghĩa to lớn của nó sánh ngang tầm với chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán, nhà Lý thắng quân Tống, nhà Trần thắng quân Nguyên, nhà Hậu Lê thắng quân Minh, nhà Tây Sơn thắng quân Thanh, Điện Biên phủ thắng quân Pháp… Nó là niềm tự hào chung của mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở ngoài nước, dù đang sống hay sẽ ra đời.

Và nó cũng là động lực thôi thúc chúng ta trong cuộc chấn hưng đất nước hôm nay, vì một 30-4 sẽ đến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

PHẠM VŨ

;
.
.
.
.
.