Hằng năm, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hàng trăm dự án quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình... được triển khai thực hiện. Theo quy định, tại khu vực quy hoạch, giải tỏa, thành phố nghiêm cấm việc chuyển nhượng đất, xây dựng nhà trái phép. Mỗi một dự án triển khai, công tác quản lý, chống xây nhà trái phép được tiến hành chặt chẽ từ cấp thành phố đến UBND xã, phường, nơi có dự án triển khai thực hiện. Như vậy, về mặt quản lý hành chính, việc triển khai chống xây nhà trái phép đã khá chặt chẽ.
Dù vậy, thời gian qua, vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng người dân chuyển nhượng đất và xây nhà trái phép ở địa bàn các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, hay gần đây nhất là tình trạng xây nhà trái phép diễn ra ào ạt tại hai tổ dân phố 53 và 54, Phước Lý, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008.
Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này ?
Trước hết, có thể thấy rõ rằng, do sự buông lỏng quản lý của địa phương, thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện kỷ cương, phép nước. Bên cạnh đó, dư luận cho rằng đã xuất hiện hiện tượng lo thủ tục “chạy phép” xây nhà, cán bộ làm công tác quản lý cả nể người có chức quyền, người thân... Điều này cũng dễ hiểu, bởi xây một ngôi nhà thì cần phải có quá trình tập kết vật liệu, thi công, trong khi đó, mạng lưới chính quyền cơ sở khá chặt chẽ, nhưng nhà trái phép vẫn ào ạt “mọc” lên, lẽ nào họ không biết ?
Người dân đổ xô xây nhà trái phép trên đất dự án với mục đích được nhận tiền giải tỏa, đền bù, bố trí đất trái định cư. Trong khi đó, quá trình triển khai thực hiện bất kỳ một dự án nào, việc kiểm tra hiện trạng dự án, quy chủ đất... được các cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ để sau này làm cơ sở cho việc đền bù. Nghĩa là, sau khi đã kiểm định, mọi hành vi cơi nới, xây dựng nhà mới đều không được chấp nhận đền bù.
Quy định là vậy, song người dân vẫn bất chấp với ý nghĩ viễn vông kiểu cứ xây đại, xây “lấy được” rồi đằng nào sau này cũng sẽ được Nhà nước “thông cảm” đền bù... Với ý nghĩ thiển cận đó, họ tìm mọi cách “luồn lách” cốt để xây được nhà. Và kết cục, không ai khác, người dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất về hành động xây dựng trái phép của họ.
Còn một nguyên nhân khá quan trọng dẫn đến tình trạng xây nhà trái phép tràn lan trên đất dự án đã công bố quy hoạch, là trong thời gian qua có nhiều dự án đã phê duyệt, công bố quy hoạch xong, nhưng... để đó. Hiện tượng dự án “treo” đã gây ra nhiều bức xúc đối với cuộc sống người dân cũng như chính quyền sở tại. Trong khi đó, nhu cầu về chỗ ở của người dân ngày một nhiều và cấp bách, nên ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng người dân xây nhà trái phép ở những dự án “treo” này.
Nên chăng, các ban, ngành chức năng cũng cần phải xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng là có triển khai thực hiện dự án hay không để người dân ổn định cuộc sống. Đây cũng là biện pháp góp phần hạn chế tình trạng xây nhà trái phép đã và đang diễn ra ở các địa phương hiện nay.
NGỌC ĐOAN