.

Công cụ lãi suất: Con dao hai lưỡi

Từ 19-5, các ngân hàng trong nước sẽ chấm dứt chế độ lãi suất thỏa thuận, trở về với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố với mức lãi suất sàn là 12%/năm, lãi suất trần không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản, tức 18%/năm. Quyết định này đã lập tức được đại diện Hiệp hội Ngân hàng nhiệt liệt hoan nghênh và cho rằng 100% ngân hàng đang hoạt động trong nước đều tán thành chủ trương này. 

Cũng rất nhanh chóng, thị trường tiền gửi trong tuần đã sôi động trở lại. Các ngân hàng gần như đồng loạt tăng lãi suất huy động. Người gửi tiền cũng tấp nập tìm đến các trụ sở giao dịch. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lâu nay tuy là lãi suất thỏa thuận nhưng chưa bao giờ lãi suất của các ngân hàng tách rời quá xa được lãi suất của các ngân hàng thương mại quốc doanh, lãi suất liên NHNN. Chính vì thế, việc nâng đồng loạt lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu của NHNN, cho phép các ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi lên trần 18%/năm là một cuộc “đưa bò về chuồng” nhưng là một cái chuồng rộng thênh thang, rộng hơn cả bãi cỏ không tường rào trước đây, vì cho dù lãi thỏa thuận đi nữa thì lãi suất của các ngân hàng cũng chỉ dao động ở mức từ 12%/năm đến 16%/năm, chưa ai lên đến được trần 18%/năm.

Để giải thích cho chủ trương này, ông Nguyễn Văn Giàu - Thống đốc NHNN cho biết, đó là biện pháp gắn lãi suất ngân hàng với thị trường, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay. Ông còn cho biết từ nay, NHNN sẽ công bố lãi suất tiền gửi theo tháng, cũng là để công cụ lãi suất năng động hơn trong cơ chế thị trường. Giới bình luận tài chính còn cho rằng nếu nhìn thoáng qua, từ lãi suất thỏa thuận phải trở về với lãi suất khung là một bước lùi trong quá trình  tự do hóa hoạt động ngân hàng, nhưng nghĩ kỹ, thực chất đây là một bước mở bởi từ sàn đến trần đều bằng hoặc cao hơn mức lãi suất trần 12%/năm trước đây. Với chủ trương này, ngân hàng vừa kéo được người gửi tiền đến với ngân hàng (lãi suất 12% đã xấp xỉ mức lạm phát 11,5%, người gửi tiền không được lợi gì), đồng thời tạo được chốt chặn trong cuộc cạnh tranh bằng công cụ lãi suất không có điểm dừng giữa các ngân hàng.

Đấy là những tín hiệu tích cực trong hoạt động ngân hàng đang được dư luận theo dõi chặt chẽ với nhiều thiện cảm. Nhưng nói đi cũng cần nói lại, khi tiền được hút vào các ngân hàng do mức lãi suất hấp dẫn hơn trước thì cũng có nghĩa là người ta sẽ rút tiền khỏi thị trường chứng khoán vốn đang rất ảm đạm để gửi tiền vào ngân hàng, khiến thị trường chứng khoán đã khó vực dậy càng khó hơn. Thêm nữa, muốn tham gia điều tiết thị trường tài chính, kiềm chế lạm phát bằng lãi suất tiền gửi thì cần phải có sự hỗ trợ bằng sự nỗ lực đồng bộ của toàn bộ nền kinh tế. Bây giờ mức trần 18%/năm là tích cực và an toàn nhưng đến một lúc nào đó, nếu để cho lạm phát cũng lại xấp xỉ 18% thì mức trần  ấy sẽ không còn là chốt chặn cần thiết nữa mà ngược lại, trở thành sự cản trở.

Thanh Bình

;
.
.
.
.
.